Khách 'canh giờ' xếp hàng, lặn lội chục km chờ ăn bánh trôi tàu ở vỉa hè Hà Nội
Nhịp sống - Ngày đăng : 17:20, 12/12/2023
15h30 chiều một ngày đầu tháng 12, ở vỉa hè đường Đê Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), gần hai chục người xếp hàng dài trước gánh bánh trôi. Họ chờ từ 20-30 phút để mua thành công bát bánh trôi nóng hổi, nghi ngút khói, mùi gừng và nước đường thơm thoang thoảng. Tới 17h30, nhiều vị khách tiếc nuối rời đi sau 30 phút chờ đợi, bởi, 1000 viên bánh trôi đã hết sạch.
"Mùa đông thì gánh bánh trôi này ngày nào cũng nườm nượp khách như thế. Khách ngồi ăn kín vỉa hè, xếp hàng dài 5-7m, xe dựng dọc hai bên đường, người này ra người khác vào nối đuôi", một người dân tại đây cho biết.
Đây chỉ là một gánh bánh trôi mộc mạc: không biểu hiệu, không chỗ ngồi khang trang, nhưng đã tồn tại gần 30 năm, trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều thực khách. Chủ gánh hàng này là bà Triệu Bảo Vân.
Trước đây, khi sức khỏe còn tốt, bà Vân thường đi bán rong, gánh bánh trôi len lỏi khắp ngõ ngách phố cổ Hà Nội. Sau này, bà bán tại điểm cố định vào 15h-17h30 chiều mỗi ngày. Mùa đông, gánh hàng gồm bánh trôi tàu, chè đỗ đen nóng, chè sắn, xôi chè bà cốt,... mùa hè thì bà Vân bán những món chè đá mát mẻ và không có món bánh trôi tàu.
Hàng quán của bà Vân chỉ gồm một nồi bánh trôi tàu đặt trên bếp than hồng, sôi liu riu, mùi thơm thoang thoảng, một vài thùng nhỏ chứa chè hoa cau, đỗ đen, chè sắn và chục chiếc ghế nhựa con con phục vụ cho những ai muốn ăn tại chỗ. Con dâu hỗ trợ bà một số việc như bê đồ, dọn dẹp bát...
Mùa này, khi tiết trời trở lạnh, mỗi ngày, bà Vân làm khoảng 1000 viên trôi tàu, bán hết lúc nào nghỉ lúc đó. Ngày đông khách thì chỉ sau 2 giờ mở bán, nồi bánh trôi tàu đã hết sạch.
Nguyên liệu để làm bánh trôi của bà Vân đều là những đồ đơn giản như gạo nếp, đỗ xanh, vừng đen, gừng già, đường, thịt lợn, nấm hương, mộc nhĩ… Hàng ngày, bà chuẩn bị từ 6 giờ sáng. “Nghề này là nghề truyền thống của gia đình chồng, tôi được dạy lại, học hành bài bản, chứ không phải tự nhiên biết làm”, bà Vân chia sẻ.
Chia sẻ được vài câu, bà Vân lại xắn tay lên thoăn thoắt múc chè. Cứ khoảng 20 phút, một nồi bánh trôi đã hết sạch. Người con dâu bà Vân nhanh chóng về nhà lấy thêm bánh để bổ sung. 1000 viên bánh được chia thành 5-7 nồi.
"Trước đây, tôi chủ yếu bán cho khách quen vì cũng không quảng cáo ở đâu cả. Khách tới ăn ngon, tự truyền tai nhau. Có người mua bánh trôi của tôi suốt 20 năm, có con rồi vẫn ăn ở đây. Vài năm trở lại đây, một vài vị khách chia sẻ hình ảnh lên mạng xã hội nên quán đông hơn. Khách từ xa cũng tò mò tìm tới thưởng thức, nhất là các bạn trẻ. Quán ít người phục vụ, quy mô nhỏ, không có không gian nên đành phải xếp hàng", bà Vân cho biết.
Vừa múc bánh vừa tính tiền nên thỉnh thoảng bà Vân cũng "nói to" để tự nhắc mình và giúp khách tránh nhầm lẫn. Một vài video xuất hiện trên mạng xã hội khiến nhiều người chê chủ quán khó tính, nóng nảy, không xem trọng khách.
Tuy nhiên, hầu hết thực khách có mặt trực tiếp tại đây lại khen bà Vân hiền lành, dễ mến. Chỉ khi quá đông khách, bà phải tập trung làm mới hạn chế nói chuyện, tránh nhầm lẫn đơn hàng.
"Ngày nào bán chè cũng bận bịu, vội vàng nên cứ phải nói to cho chính mình hay khách đỡ nhầm lẫn chứ tôi có chửi ai bao giờ đâu. Khách hàng thương mình mới tới ủng hộ thì sao quát mắng họ”, bà Vân giãi bày.
Bánh trôi tàu của bà Vân viên nào cũng to, tròn lẳn, vỏ bánh mịn mướt, khi ăn dẻo và nhanh tan trong miệng. Mỗi bát có 3 viên với 3 loại nhân: nhân đỗ xanh, vừng đen và nhân thịt. Đặc biệt nhất là viên nhân thịt hiếm hàng quán nào tại Hà Nội có.
Thịt xay được trộn cùng mộc nhĩ, nấm hương thái nhỏ, gia vị nêm nếm vừa ăn. Cứ tưởng vô lý nhưng khi ăn, vị mằn mặn của thịt cùng nước đường ngọt lại hài hòa. Đưa từng thìa nước đường vào miệng sẽ cảm nhận được hương vị thanh thanh, ngọt nhẹ, kết hợp chút ấm nóng của gừng, giúp xua tan cái lạnh đầu đông.
Chia sẻ về hương vị của nước đường, bà Vân chia sẻ, để bánh trôi tàu ngon, bà phải chọn gừng già, nấu cùng đường mật mía, tạo ra màu mật ong. Nước không quá ngọt mà thoang thoảng vị cay của gừng.
Ngoài bánh trôi tàu, bà Vân có cả món chè sắn, chè đỗ đen, chè hoa cau. Chè sắn có thêm trân châu nhân dừa, chè đỗ đen và chè hoa cau nấu đặc sền sệt. Chè hoa cau ăn kèm xôi vò.
Hiện tại, một bát bánh trôi tàu của bà Vân có giá 20.000 đồng/bát gồm 3 viên, khách muốn ăn nhân gì thì tùy chọn.
Theo các thực khách quen tại quán, thời gian xếp hàng thường từ 20-30 phút. Khách đông nhưng bà Vân làm rất nhanh tay.
Quế Chi (23 tuổi, quê Hà Nội) cùng bạn trai đến thưởng thức. Chi chia sẻ: "Mình đã ăn ở đây nhiều lần và thực sự "nghiện", khó có thể ăn nơi khác. Mình thấy chờ đợi là xứng đáng vì món ăn rất ngon".
Trường Đăng (25 tuổi, quê Hà Nam) đi khá xa tới quán và phải xếp hàng gần 30 phút giữa thời tiết đầu đông. "Xếp hàng lâu nhưng mình thấy cũng bình thường thôi, không khó chịu, bực bội gì. Muốn ăn ngon thì đứng một chút cũng xứng đáng. Có những người xếp hàng cả tiếng mà đến lượt thì hết bánh người ta cũng vui vẻ đi về thôi”, Đăng cho hay.
Chị Hòa, một vị khách trung tuổi đưa con tới quán mua bánh trôi thưởng thức. Chị Hòa nói: "Đúng là Hà Nội có cả trăm quán bánh trôi tàu, thậm chí mở điện thoại đặt giao là 20 phút có tận nhà. Nhưng tôi ăn nhiều nơi, không thấy ở đâu ngon như ở đây. Cuối tuần rảnh rỗi, hai mẹ con tới xếp hàng 20-30 phút, chờ mua cho cả nhà thưởng thức. Bây giờ mình ăn đâu chỉ để no, quan trọng là món ấy ngon, hợp khẩu vị".
Theo chị Hòa, gánh hàng nhỏ trên vỉa hè, không có chỗ ngồi nên việc phải xếp hàng là điều dễ hiểu.
Quán bà Vân không nhận chuyển khoản. Lượng khách đông nên bà Vân thường nhờ khách chuẩn bị sẵn tiền mặt, đặc biệt là tiền lẻ, tránh tốn nhiều thời gian của người phía sau. "Tôi không giỏi dùng điện thoại và cũng sợ mất thời gian của khách nên chỉ nhận tiền mặt", chủ quán cho hay.
Chiều đông, nồi bánh đặt trên bếp than hồng, khói nghi ngút, thơm khắp đoạn đường xung quanh. Thực khách xuýt xoa cầm bát chè ấm nóng, cắn miếng bánh trôi mướt mịn. Hình ảnh thực khách xếp hàng chờ tại một số quán ăn có tiếng ở Hà Nội gần đây nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Không ít cư dân mạng cho rằng như vậy là "khổ, nhục vì ăn", "có phải thời bao cấp nữa đâu mà phải mất thời gian chờ ăn". Bên cạnh đó, khá nhiều ý kiến ở chiều ngược lại cho rằng, không chỉ ở Việt Nam mà đến các quốc gia phát triển trên thế giới, du khách cũng phải xếp hàng chờ thưởng thức các món ngon. Nhiều nhà hàng, cửa tiệm trở thành điểm đến hút khách quốc tế nhờ hình ảnh xếp hàng.
Bài và ảnh: Kim Ngân