Tỷ phú Thái thu về 9.300 tỷ đồng cổ tức, "ngọc quý" Sabeco giờ ra sao?

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 10:21, 08/12/2023

Tỷ phú Thái Lan thu về 9.300 tỷ đồng tiền cổ tức từ Sabeco kể từ khi ThaiBev thâu tóm doanh nghiệp số 1 ngành bia Việt Nam. Sau rất nhiều biến động, doanh nghiệp từng được xem là “viên ngọc quý” - ông lớn Bia Sài Gòn giờ ra sao?

Đều đặn chia nghìn tỷ mỗi năm

Hội đồng Quản trị (HĐQT) Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (SAB) vừa thông qua việc tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Theo đó, Sabeco chi trả tạm ứng là 15%, tương đương mỗi cổ phiếu SAB được trả 1.500 đồng tiền mặt. Việc thanh toán sẽ được thực hiện vào tháng 2/2024.

Như vậy, với hơn 1,28 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tổng cộng Sabeco sẽ dùng hơn 1.900 tỷ đồng để trả cổ tức.

Công ty TNHH Vietnam Berverage thuộc Tập đoàn Thai Beverage (ThaiBev) của tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đang sở hữu gần 53,6% vốn Sabeco. Điều này đồng nghĩa với việc ông lớn Thái sẽ thu về hơn 1.030 tỷ đồng cổ tức.

Đó là khoản cổ tức tạm ứng. Theo kế hoạch, Sabeco sẽ chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 35%, tổng cộng doanh nghiệp của tỷ phú giàu thứ 3 Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi thu về khoảng 2.630 tỷ đồng.

Đây sẽ là lần thứ 7 liên tiếp, ông lớn Thái Lan nhận cổ tức nghìn tỷ đồng từ Sabeco. Tổng cộng kể từ khi thâu tóm Sabeco vào cuối năm 2017, ThaiBev đã thu về hơn 9.280 tỷ đồng tiền cổ tức từ hãng bia lớn nhất Việt Nam.

Về giá trị tuyệt đối, 9.280 tỷ đồng là con số rất lớn mà một cổ đông nhận được từ cổ tức một doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, về giá trị tương đối, những gì mà tỷ phú người Thái thu về là khá khiêm tốn.

Trên thực tế, vào cuối năm 2017, Thai Beverage của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã chi khoảng 110.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 4,8 tỷ USD tính theo tỷ giá USD/VND khi đó) để sở hữu được số cổ phần 53,6% nói trên.

typhuthaicharoensirivadhanabhakdi.gif
Tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi.

Trong vòng 6 năm qua, trải qua bao thăng trầm, từ đại dịch Covid-19 cho tới đợt suy giảm sức mua trên phạm vi toàn cầu, doanh nghiệp của tỷ phú người Thái đã thu về khoảng 8,4% tổng số vốn đầu tư, tương đương khoảng 1,4%/năm.

Đây là một con số khá khiêm tốn trong bối cảnh lãi suất trên thị trường thế giới đang ở mức rất cao. Lãi suất cơ bản của Mỹ là 5,5%/năm và lãi suất thương mại khoảng 6-7%/năm. Trong khi đó, lãi suất ở châu Á khoảng 8-10%/năm.

Trong thương vụ thâu tóm Sabeco của Việt Nam, ThaiBev và công ty con do tập đoàn này sở hữu 100% vốn là BeerCo Limited đã thực hiện 6 khoản vay khác nhau, tổng số tiền tương đương 5 tỷ USD.

Khi đó, ThaiBev vay 100 tỷ Baht, tương đương khoảng 3,05 tỷ USD từ các ngân hàng của Thái Lan; còn BeerCo vay 1,95 tỷ USD thông qua hai ngân hàng đầu mối là Mizuho Bank chi nhánh Singapore và Standard Chartered chi nhánh Singapore. Các khoản vay có thời hạn 2 năm. Tới nay, không rõ các doanh nghiệp của tỷ phú Thái đã tất toán các khoản nợ hay chưa.

Nhưng nếu tính 5 tỷ USD vay ở thời điểm hiện tại, với lãi suất khoảng 10%/năm, ông lớn Thái phải trả lãi khoảng 410 triệu USD, tương đương hơn 10.000 tỷ đồng/năm, vượt qua con số 9.280 tỷ đồng tiền cổ tức mà cổ đông Thái thu về từ Sabeco trong cả 6 năm qua.

Vốn hóa bốc hơi nhiều tỷ USD, triển vọng Sabeco suy giảm

Vốn hóa của Sabeco cũng giảm rất mạnh kể từ cuối năm 2017 tới nay.

Hồi cuối năm 2017, cổ phiếu Sabeco có giá có lúc lên tới hơn 320.000 đồng/cp, tương đương mức giá điều chỉnh khoảng hơn 150.000 đồng, cao hơn nhiều so với mức giá 65.600 đồng/cp như hiện tại (tính tới 7/12/2023).

Với mức giá hiện tại, Sabeco có vốn hóa là hơn 84.100 tỷ đồng (khoảng 3,4 tỷ USD). Số cổ phần của doanh nghiệp tỷ phú Thái còn lại khoảng 1,84 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với số vốn bỏ ra ban đầu hơn 4,8 tỷ USD.

Là một trong các doanh nghiệp trả cổ tức đều đặn với tỷ lệ cao, có tình hình tài chính và dòng tiền rất tốt, nhưng lợi nhuận của Sabeco gần đây suy giảm. Triển vọng doanh nghiệp không tươi sáng như trước.

Trong quý III/2023, Sabeco báo lợi nhuận giảm 23% so với cùng kỳ, xuống còn 1.074 tỷ đồng dù có cả tỷ USD tiền mặt gửi ngân hàng mang về gần 370 tỷ đồng tiền lãi. Doanh thu của Sabeco cũng giảm khá mạnh, gần 14% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 7.500 tỷ đồng, do doanh thu bán bia giảm.

Việt Nam là nước tiêu thụ bia lớn nhất Đông Nam Á và top 10 thế giới, nhưng thị trường này có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Doanh thu của hầu hết doanh nghiệp trong ngành giảm 10-20%, trong khi giá nguyên liệu tăng mạnh theo diễn biến thế giới.

Không chỉ bị ảnh hưởng bởi việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100 (năm 2019) về xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe trên đường, các doanh nghiệp sản xuất bia còn chịu tác động từ sức cầu suy giảm. Nền kinh tế kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, người tiêu dùng vẫn thắt lưng buộc bụng.

Mặc dù suy giảm sau nhiều năm tăng trưởng nóng, các doanh nghiệp ngành bia vẫn nằm trong nhóm các doanh nghiệp có lợi nhuận và cổ tức cao. Sabeco là một trong những công ty chi trả cổ tức bằng tiền mặt đều đặn, với tỷ lệ ổn định suốt nhiều năm qua. Mức chi trả thường xuyên từ 35-50%/năm, rất cao so với mặt bằng chung các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán. Đây là khoản thu nhập bền vững và vẫn có triển vọng tăng trưởng dài hạn khi thị trường Việt Nam có quy mô dân số lớn, thu nhập người dân vẫn tăng cao.

Đại diện ThaiBev từng coi Sabeco là “viên ngọc quý”, là một doanh nghiệp có triển vọng tốt ở một thị trường tiêu thụ bia hàng đầu khu vực và đứng thứ 3 tại châu Á sau Trung Quốc và Nhật Bản.

Các doanh nghiệp bia vẫn có kế hoạch phát triển mạnh tại Việt Nam. Sabeco đầu tư nâng công suất nhà máy Bia Sài Gòn Quảng Ngãi. Sabeco cũng vừa hoàn tất tăng vốn điều lệ. Trong khi đó, với 6 nhà máy hiện có, 'ông lớn' Heineken đề xuất bổ sung thêm 500 triệu USD đầu tư vào Việt Nam.