'Bệnh nhân có bảo hiểm y tế nhưng được hướng dẫn ra ngoài mua thuốc'

Nhịp sống - Ngày đăng : 17:30, 07/12/2023

Nữ đại biểu HĐND tỉnh Hải Dương cho biết, hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều bệnh nhân mặc dù có bảo hiểm y tế nhưng khi đến bệnh viện khám, điều trị lại được hướng dẫn ra ngoài mua thuốc.

Thiếu thuốc, thiếu vật tư vẫn là thách thức dai dẳng

Chiều 7/12, kỳ họp HĐND tỉnh Hải Dương cuối năm 2023 bước vào phiên thảo luận và chất vấn tại hội trường.

Phát biểu thảo luận tại kỳ họp, đại biểu Lê Tuyết Minh (Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương) cho biết, năm 2023 là một năm mà ngành y tế nhận được sự quan tâm đặc biệt từ HĐND, UBND tỉnh Hải Dương, trong việc đầu tư, xây dựng, cải tạo và phát triển hệ thống bệnh viện.

Sự quan tâm của tỉnh Hải Dương đối với ngành y tế nhằm hướng tới bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe toàn diện cho người dân. Tuy nhiên, theo bà Minh, ngành y tế vẫn còn tồn tại những khó khăn và thách thức.

Bệnh nhân có bảo hiểm y tế nhưng được hướng dẫn ra ngoài mua thuốc - 1

Bà Lê Tuyết Minh (Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương) phát biểu tại kỳ họp (Ảnh: Nguyễn Dương).

Nữ đại biểu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương dẫn chứng, thực trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư tiêu hao, thiếu trang thiết bị tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cơ sở đang là thách thức dai dẳng, đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Cụ thể, nhiều bệnh nhân mặc dù có bảo hiểm y tế nhưng khi đến điều trị tại các bệnh viện lại được yêu cầu ra hiệu thuốc bên ngoài bệnh viện để mua thuốc.

"Có bệnh nhân trong tình trạng gãy xương được chỉ định mổ, nhưng bác sĩ lại liệt kê một loạt danh mục vật tư tiêu hao và yêu cầu mua ở ngoài như gạc, bơm kim tiêm, chỉ, mũ phẫu thuật, bộ nẹp,... với chi phí cao hơn rất nhiều", bà Minh dẫn chứng.

Bên cạnh đó, theo bà Minh, một số chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu X.quang thường xuyên rơi vào tình trạng hết hóa chất, máy móc tạm ngừng hoạt động, khiến công tác khám và điều trị gặp nhiều khó khăn. Điều này còn gây tốn kém và mất thời gian cho người bệnh, khiến bệnh nhân bức xúc và thiệt thòi.

Thực trạng trên, theo bà Minh, do một số nguyên nhân:

Sau đại dịch Covid-19, các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu thay đổi dẫn đến việc các đơn vị y tế trong tỉnh Hải Dương lúng túng trong quá trình triển khai;

Một số bộ phận cán bộ còn có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm;

Do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp và khó khăn.

Chỉ đề xuất tăng lương cho giáo viên khiến người làm ngành y "tủi thân"

Dẫn lại nội dung thảo luận tại kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra, bà Minh cho biết, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất nâng mức lương giáo viên lên cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp và đã nhận được sự ủng hộ của hàng triệu giáo viên trên cả nước.

Tuy nhiên, theo bà Minh, đề xuất trên cũng làm cho nhiều công chức, viên chức, người lao động đang làm việc ở những ngành nghề đặc thù, trong đó có ngành y tế, cảm thấy tủi thân.

Đại dịch Covid-19 xảy ra trong 3 năm đã đặt các nhân viên y tế trên cả nước vào một tình huống chưa từng có. Những đợt dịch đỉnh điểm, nhân viên y tế phải chiến đấu với dịch bệnh, làm việc với cường độ gấp rất nhiều lần so với ngày thường, nhiều người phơi nhiễm và nhiều nhân viên y tế đã tử vong trong khi làm nhiệm vụ.

Trong hoàn cảnh nào, nhân viên y tế vẫn luôn là nguồn lực có vai trò quan trọng quyết định đến thành công và thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Chính vì vậy, cải cách tiền lương với viên chức, trong đó có cán bộ y tế, là một vấn đề rất quan trọng cần được sớm ban hành để giúp đỡ phần nào cho những khó khăn của cán bộ y tế.

"Chúng ta có thể khẳng định vai trò của ngành y tế là rất lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hải Dương. Cùng với cải cách tiền lương, những quy định để tăng mức đãi ngộ, hệ số phụ cấp cho cán bộ y tế công tác tại những ngành nghề đặc thù đặc biệt cũng rất quan trọng", bà Minh phát biểu.

Theo bà Minh, sự quan tâm, đãi ngộ nói trên với ngành y tế cũng là một giải pháp cơ bản, lâu dài, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân, kể cả trong điều kiện không có dịch.

Nguyễn Dương