Có 'phát canh thu tô' trong sử dụng đất nông, lâm trường ở Nghệ An
Nhịp sống - Ngày đăng : 15:05, 07/12/2023
Quản lý đất kiểu "phát canh thu tô"
Trong phiên chất vấn tại hội trường, kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Nghệ An khóa XVIII diễn ra sáng 7/12, các đại biểu đã dành nhiều câu hỏi làm rõ thực trạng quản lý đất nông, lâm trường, Tổng đội Thanh niên xung phong trên địa bàn tỉnh này.
Nghệ An là địa phương có số lượng nông, lâm trường quốc doanh lớn trong cả nước. Thời điểm trước năm 2004, trên địa bàn tỉnh này có 19 nông trường và 18 lâm trường quốc doanh.
Từ năm 2005 đến nay, thực hiện sắp xếp lại, toàn tỉnh còn 11 công ty nông, lâm nghiệp, gồm 4 công ty lâm nghiệp được giao quản lý và sử dụng hơn 51.000ha và 7 công ty nông nghiệp được giao quản lý, sử dụng hơn 13.000ha.
Sau các lần sắp xếp, chuyển đổi, hiện có 14 ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng với diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý, sử dụng khoảng hơn 595.000ha.
Có 12 tổng đội thanh niên xung phong, 7 đơn vị sắp xếp, giải thể hoặc đã dừng hoạt động chờ giải thể và 5 đơn vị đang hoạt động, trong đó có 4 đơn vị do Tỉnh Đoàn quản lý với tổng diện tích giao quản lý, sử dụng hơn gần 23.000ha.
Công tác sắp xếp lại các nông, lâm trường và các tổng đội thanh niên xung phong được tỉnh Nghệ An thực hiện nhiều năm nay nhưng kết quả chưa cao.
Đại biểu Nguyễn Công Văn (huyện Nghi Lộc) cho rằng việc chuyển đổi các nông, lâm trường thực chất mới thực hiện được việc đổi tên, chưa có thay đổi về quản lý và quản trị, phần lớn đất chưa được đo đạc trên thực địa, chưa lập được bản đồ địa chính, số liệu hồ sơ kỹ thuật và thực địa còn sai lệch tạo kẽ hở cho việc vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho quản lý đất đai.
"Việc giao khoán theo kiểu "phát canh thu tô", cho thuê, cho mượn, lấn chiếm, chồng lấn, tranh chấp, khiếu kiện diễn ra phức tạp", đại biểu Văn nhận định.
Ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nghệ An - thừa nhận có nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng đất từ nông, lâm trường, trong đó có tình trạng hoạt động dưới dạng "phát canh thu tô" mà không có hoạt động hỗ trợ giống, khoa học kỹ thuật cho người sản xuất.
Về công tác quản lý, hiệu quả sử dụng đất, theo ông Việt, một số công ty nông nghiệp chưa hoàn thành việc sắp xếp; tiến độ lập hồ sơ xin giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận của các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm.
Khó, phức tạp, cần nhiều thời gian và nguồn lực
Giám đốc Sở TN&MT cũng phân tích, chỉ rõ các nguyên nhân dẫn tới những bất cập trong quản lý cũng như công tác chuyển đổi đất nông, lâm trường chưa đạt kế hoạch đề ra.
Ông Hoàng Quốc Việt cũng thông tin các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh và các tổng đội thanh niên xung phong.
Ông Trịnh Thanh Hải - Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An - cho biết, UBND tỉnh đã phê duyệt tổng kinh phí 224 tỷ đồng để giải quyết các tồn tại trong việc đo đạc, cắm mốc, giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường, thời gian thực hiện 2022-2024.
Ông Thái Thanh Quý - Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An - cho rằng mô hình nông lâm trường có vai trò lớn và phát huy hiệu quả kinh tế trong giai đoạn mới hình thành. Trong giai đoạn hiện nay, mô hình quản lý này đang gây lãng phí đất đai, khởi nguồn xung đột lợi ích, nếu không giải quyết kịp thời sẽ nảy sinh nhiều phức tạp.
Tuy nhiên, với diện tích rộng và gắn với tài sản nhà nước, lợi ích thành viên nông, lâm trường và lợi ích của người dân nên việc chuyển đổi đất nông, lâm trường khó, phức tạp và cần nhiều thời gian cũng như nguồn lực.
Ông Thái Thanh Quý đề ra 5 giải pháp để chuyển đổi, sắp xếp lại nhằm phát huy hiệu quả đất đai các nông, lâm trường, Tổng đội Thanh niên xung phong. Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh phải công tâm, khách quan, minh bạch trong quá trình xử lí và tập trung giải quyết dứt điểm các vi phạm.
"Đây là việc phức tạp, nhạy cảm, cử tri quan tâm, đề nghị UBND tỉnh phải đưa vấn đề này thành báo cáo chuyên đề hàng năm cho HĐND tỉnh", ông Quý nói.