Độc đáo cà phê giường nằm ở TPHCM, khách đến tìm sự yên tĩnh
Nhịp sống - Ngày đăng : 15:25, 06/12/2023
Chi tiền để mua sự riêng tư
Hoàng Hải (26 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) bước vào quán cà phê và chọn dịch vụ 4 tiếng nghỉ ngơi tại một giường tầng có rèm che, mền gối. Tổng chi phí cậu bạn bỏ ra là 300.000 đồng, đã bao gồm một phần nước và bánh ngọt.
Theo đó, Hoàng Hải chọn loại hình cà phê trên bởi đảm bảo không gian riêng tư, không bị tiếng ồn và việc trẻ em thường xuyên chạy nhảy, nô đùa quấy rối. Cậu bạn sẽ dùng thời gian đó để tự do làm việc, nghỉ ngơi khi mệt mỏi.
Tương tự, Ngọc Nga (30 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) cũng thường xuyên lui tới các quán cà phê giường nằm ở khu vực trung tâm. Cô bạn cho biết, việc ở nhà quá tù tùng và quen thuộc khiến cô không có động lực làm việc, đến văn phòng thì không khí quá nghiêm túc, lạnh lẽo nên cô chọn cà phê giường nằm để có nơi thoải mái và yên tĩnh hơn.
Mỗi lần sử dụng dịch vụ, cô bạn sẽ chi 200.000 đồng cho khoảng không gian trong khu vực giường tầng có vách ngăn và rèm vải nhỏ. Cô bạn lý giải, nhiều người trẻ thường xuyên lui tới loại hình cà phê này không phải bởi thức uống mà chủ yếu là không gian riêng tư.
Ấy vậy, không ít lần những căn phòng kế bên liên tục nói to, đùa giỡn, va chạm vào vách ngăn buộc cô phải bấm chuông, gọi dịch vụ và bảo vệ đến xử lý.
Xu hướng kinh doanh nở rộ tại các thành phố lớn
Cà phê giường nằm (coffee in bed) là một mô hình kinh doanh xuất phát từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Thay vì chỉ phục vụ thức uống, loại hình dịch vụ này chủ yếu "bán" nơi nghỉ ngơi thông qua các buồng, giường nằm riêng tư.
Gần đây, mô hình này xuất hiện và trở nên phổ biến tại TPHCM và Hà Nội. Trong đó, các quán cà phê bao gồm nhiều loại dịch vụ như khu vực không gian chung, phòng họp, giường tường, căn phòng mini...
Với mỗi loại hình dịch vụ này, khách hàng sẽ chi số tiền từ 100.000 đồng đến hơn 500.000 đồng, đã bao gồm phần bánh nước.
Theo tìm hiểu, khách hàng đến đây thường là sinh viên, nhân viên văn phòng, freelancer (người làm việc tự do) hoặc các cặp đôi trẻ tìm chỗ làm việc, hẹn hò
Mặc dù dịch vụ cà phê giường ngủ ngày càng phát triển, thế nhưng nhiều bạn trẻ vẫn chưa có thiện cảm.
Trong đó, bạn H. (27 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) cho biết, việc chi tiền để tìm một chiếc giường làm việc là không cần thiết.
"Không gian quá yên tĩnh, màu đèn vàng khiến tôi dễ buồn chán, dễ buồn ngủ. Mình nghĩ nếu làm việc thì thư viện sẽ tốt hơn, còn nghỉ ngơi thì nên chọn khách sạn, homestay để thoải mái", H. nói.
Bạn H.A. (30 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng đồng quan điểm rằng hầu hết các quán bố trí phòng riêng có bàn làm việc nhỏ, nệm da cứng, không có chỗ tựa lưng nên rất nhanh mệt mỏi.
"Đã quy định riêng tư nhưng khi vẫn xảy ra tình trạng ồn ào, bản thân mình gửi phản hồi nhiều tới quản lý cũng tạo ra sự phiền phức, không tập trung", H.A. chia sẻ thêm.
Trong khi đó, một số ý kiến khác bày tỏ lo ngại việc biến tướng, dễ có những hành vi nhạy cảm của các cặp đôi khi đến cà phê giường. Về vấn đề này, chị B. (31 tuổi, nhân viên một quán cà phê giường tại TPHCM) cho biết, điểm quan trọng của cà phê giường nằm là đảm bảo sự riêng tư, tĩnh lặng, vì vậy để tránh những biến tướng, các quán luôn có quy định chặt chẽ.
Bên cạnh biển báo quy định ở khu vực dễ quan sát, quán còn trang bị camera, đội ngũ túc trực ở mỗi tầng. Khi có việc cần thiết, khách hàng hoàn toàn có thể bấm chuông và nhận sự hỗ trợ từ nhân viên.
"Mặc dù vậy cũng xảy ra nhiều trường hợp giỡn đùa, cười nói lớn gây ảnh hưởng đến các phòng bên nên chủ yếu vẫn là ở ý thức của người sử dụng", chị B. nói.