Vụ giáo viên bị học trò ném dép: 'Sự cô đơn đến cùng cực của cô giáo'
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 15:21, 06/12/2023
Nhiều người đặt câu hỏi nhà trường, đồng nghiệp ở đâu khiến cô giáo phải một mình đối mặt với bạo lực học đường tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang?
Theo dõi vụ việc, thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Lô mô nô xốp (Hà Nội) phải thốt lên: "Ấy là sự cô đơn đến cùng cực của cô giáo".
Giáo viên cần làm thế nào để bảo vệ mình?
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, ông rất xót xa khi xem clip đồng nghiệp bị một nhóm học sinh THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang dồn vào góc tường đe dọa, chửi bới trong khi cô chỉ biết đứng im phòng thủ.
"Cho dù sự việc bắt nguồn từ đâu, vì lý do gì, tôi cho rằng học sinh phải có thái độ lễ phép tối thiểu như lâu nay ta hay nói "tôn sư, trọng đạo". Việc học trò hành hung giáo viên không thể chấp nhận được.
Ở đây tôi thấy sự bất lực chịu đựng của cô giáo. Nếu cô đứng im thì bị học trò đánh, còn phản kháng thì bị quay lại và tung lên mạng, cho rằng cô giáo có hành vi bạo lực.
Vậy trong trường hợp này, giáo viên cần làm thế nào để bảo vệ mình? Nhà trường, đồng nghiệp ở đâu để giáo viên cô đơn chống lại bạo lực như vậy?", PGS Nam đặt câu hỏi.
Cũng theo chuyên gia này, thời gian qua một số vụ việc giáo viên bị học trò bạo hành khiến dư luận bức xúc.
Nhiều người nghĩ trẻ con không biết gì nhưng thực tế, từ trước đến nay ở nhiều trường học, giáo viên đang bị bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần.
Thậm chí, nhiều học sinh cố tình tạo tâm lý ức chế cho giáo viên, hoặc cố ý khiêu khích để "gài bẫy" khiến thầy cô "phát hỏa" và các em quay chụp lại để tung lên mạng.
Trong khi đó, các bố mẹ phản ánh sự việc theo kiểu "thẩm phán mạng", chưa cần biết đúng sai đã muốn hạ nhục giáo viên cũng khiến các em thêm hung hăng.
"Người lớn chúng ta chưa thực sự trở thành tấm gương cho học sinh, chưa hành động chuẩn mực khiến học sinh bắt chước", TS Nam nhận xét.
Sự cô đơn của giáo viên bị bạo lực
Theo Hiệu trưởng Trường Lô mô nô xốp Nguyễn Quang tùng, xuyên suốt sự việc, cô giáo đã quá cô đơn trên bục giảng và ngay chính bên trong ngôi trường của mình.
Rõ ràng các tình huống đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát, điện thoại có trong tay mà cô cũng không thể gọi cho ai trong Ban giám hiệu nhà trường, cho Chủ tịch Công đoàn trường để được hỗ trợ.
Nếu được hỗ trợ, các tình huống đã không đi xa đến như vậy. "Cho dù sự việc bắt đầu từ nguyên nhân nào, hành động của học sinh như vậy không thể chấp nhận.
Nhìn vẻ mặt của cô mới thấy sự bất lực, chán nản đến tột cùng và sự cô đơn đến cùng cực", thầy Tùng nói.
Ngay sau khi clip được tung lên mạng, một nhà báo nói rằng, nhiều năm làm nghề, anh gặp rất nhiều hình ảnh giáo viên ở vùng sâu vùng xa, nhiều thầy cô cuốc bộ hàng ngày để đến được nơi cắm bản.
Nhiều thầy cô cõng học trò vượt suối, băng sông mùa mưa mùa lũ. Có người mỗi lần gọi điện về chỉ mơ một dãy nhà bán trú cho bọn trẻ ở khỏi băng giá đại hàn…
Thế nhưng ở đâu đó vẫn còn những học sinh cấp hai sẵn sàng lăng mạ, chửi bới thầy cô như câu chuyện trên đây.
Thử hỏi bây giờ mấy người còn giấc mơ đứng trên bục giảng? Chúng ta đã, đang và sẽ đẩy người thầy đi đâu với những sự việc như vậy?
Cùng quan điểm trên, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, cùng với rất nhiều áp lực giáo viên đang gánh trên lưng hiện nay, nếu không sớm chấn chỉnh, sẽ còn nhiều thầy cô không muốn trụ lại với nghề. Họ sẽ tìm nghề khác nhẹ nhàng và ít nguy hiểm hơn.
Chuyên gia này cũng thừa nhận, giáo dục hiện đang quá "nóng" trong việc cấp bách đổi mới nhưng cùng với đó, cũng nên chú trọng hơn đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức của học trò.
Mặc dù nhiều văn bản đã được ban hành, nhiều chương trình đã được phát động nhưng theo TS Nam, chúng ta hãy làm sao để các văn bản được đi vào cuộc sống như câu ông cha ta từng nói "tiên học lễ, hậu học văn".
UBND huyện Sơn Dương cho biết, sự việc xảy ra vào ngày 29/11. Vào lúc 10h30, tiết 3 môn âm nhạc của lớp 7C, cô giáo P.T.H. (nữ giáo viên trong clip) nhắc nhở một số học sinh chưa chịu vào lớp thì bị phản ứng.
Khi tiết học bắt đầu, một số học sinh xin ra ngoài nhưng cô H. không đồng ý. Do vậy, giữa giáo viên và học sinh đã xảy ra khúc mắc.
Sau giờ dạy tiết 3 của lớp 7C, cô H. sang dạy tiết 4 của lớp 6A, một số học sinh lớp 7C sang lớp 6A có phát ngôn và hành vi thiếu chuẩn mực đối với cô H., bao gồm nói tục, có hành vi xúc phạm giáo viên, quay video và đăng lên mạng xã hội.