Giữ hồn hát bội ở TP.HCM: Nối dài giai điệu trăm năm

Dòng chảy - Ngày đăng : 19:02, 05/12/2023

Ra đời vào thế kỉ 13 như một thú vui cho giới quý tộc chốn cung đình, hát bội dần len lỏi vào cuộc sống người dân, trở thành giá trị tinh thần và văn hóa ăn sâu vào nếp sống của người dân Nam Bộ nói chung và tại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Hát bội, hay còn gọi là hát tuồng, là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian phổ biến ở cả ba miền đất nước. Giai đoạn những năm 1848 - 1883, dưới thời Vua Tự Đức, được xem là thời kì hoàng kim của loại hình nghệ thuật này. Theo tài liệu nghiên cứu của NSND Đinh Bằng Phi, sự phát triển của hát bội thể hiện rõ nét trong đời sống ở thôn quê và trong nếp sinh hoạt của vua chúa chốn hoàng triều.

Giữ hồn hát bội ở TP.HCM: Nối dài giai điệu trăm năm - 1

Một tiết mục biểu diễn hát bội của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM. Ảnh: Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM.

Tại những vùng quê khi xưa, vào các dịp lễ cúng Thành Hoàng, người dân trong làng thường tụ họp vui hội bằng những trò ca múa được biểu diễn bởi những tá điền ca hay múa đẹp. Họ hát múa dựa trên những sự tích truyền miệng, đề cao luân thường đạo lí. Trang phục, đạo cụ biểu diễn tuy có phần sơ sài nhưng vẫn thể hiện rõ ràng sự phân hóa cấp bậc, vai vế xã hội hay tính cách của nhân vật như vua tôi, già trẻ, nam nữ, sang hèn...

Trong triều đình, Vua Tự Đức đã cho biên soạn một số vở tuồng để nhà vua cùng tham diễn với những vị danh nho. Trước khi qua đời, Vua Tự Đức còn cho xây hẳn một nhà hát trong Khiêm Cung (sau khi vua băng hà, nơi này được đổi tên thành Khiêm Lăng), đủ để thấy sự say mê của ông dành cho nghệ thuật sân khấu này.

Giữ hồn hát bội ở TP.HCM: Nối dài giai điệu trăm năm - 2

Nghệ thuật hát bội trong thời kì đỉnh cao không chỉ chinh phục người dân ở các vùng thôn quê mà còn gây sức ảnh hưởng trong cung đình. Ảnh: Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM.

Chữ "bội" trong hát bội có nhiều cách lí giải. Trong cuốn "Đại Nam quốc âm tự vị" của học giả Huỳnh Tịnh Của giải thích, "bội" là trò bội, đám hát. Riêng học giả Trương Vĩnh Ký lại cho rằng, "bội" là bội bè, mang nghĩa nhiều người cùng tham diễn.

Về mặt nghệ thuật, hát bội mang tính ước lệ, tượng trưng rất cao, ngôn ngữ thâm thúy, đậm triết lí. Những bước chân, những cái chỉ tay lên trời, xuống đất... của diễn viên đều tuân thủ nguyên tắc rất chặt chẽ và biểu thị cho những ý nghĩa nhất định. Hát bội đặc biệt từ nội dung cốt truyện đến cử chỉ, điệu bộ, lời ca tiếng hát và phục trang biểu diễn.

Khi hóa trang, các nghệ sĩ phải bảo đảm được thần thái, màu sắc của khuôn mặt phản ánh tính cách nhân vật. Các sắc màu đỏ, vàng, đen, trắng... cũng mang một dụng ý riêng, biểu hiện cho tính cách nhân vật là "kép độc" hay "kép hiền".

Giữ hồn hát bội ở TP.HCM: Nối dài giai điệu trăm năm - 3

Từng màu sắc được khắc họa trên gương mặt hay thể hiện trên các bộ trang phục biểu diễn đều chứa đựng ý nghĩa riêng, thể hiện tính cách của nhân vật là "hiền" hay "độc". Ảnh: SHT.

Hát bội thường diễn lại những sự tích trong truyện cổ, có mục đích giáo dục, đề cao những tấm gương sáng của các vị anh hùng, đề cao nhân-lễ-nghĩa-trí-tín và đạo lí làm người. Kết cục của những tuồng hát bao giờ cũng có hậu và răn dạy người đời: ở hiền gặp lành, làm ác gặp ác, gieo nhân nào gặt quả nấy...

Trong thời kì Nam tiến mở cõi, hát bội được người dân xứ Ngũ Quảng mang theo bên mình trên những chiếc ghe bầu rong ruổi dọc ngang khắp các dòng sông. Có lẽ vì vậy mà trưởng đoàn hát, gánh hát thường được gọi là "ông bầu". Tại đất phương Nam trù phú, hát bội ghi nhận sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách thể hiện lẫn tư duy nghệ thuật.

Hát bội ở Nam Bộ là biến thể của lối hát bội cung đình. Những bài bản theo lối hát Nam Bộ được các nghệ nhân sáng tác, bổ sung những câu đối đáp bằng văn xuôi dễ hiểu, cùng với đó là sự cách tân các điệu bộ tạo nên sự mới mẻ và hấp dẫn cho hát bội. Hát bội ở Nam Bộ ngày xưa được trình diễn khắp nơi, từ thành thị, chợ búa đến chốn nông thôn hẻo lánh. Phần nhiều vào các dịp Tết, lễ hội, vía bà, cúng đình.

Giữ hồn hát bội ở TP.HCM: Nối dài giai điệu trăm năm - 4

Biểu diễn hát bội ở Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (Lăng Ông Bà Chiểu). Ảnh: Phương Phương.

Cũng vì vậy mà suốt một thời lẫy lừng, hát bội luôn được mời hầu thần linh mỗi lễ cúng kì yên ở Nam Bộ, trở thành âm thanh báo hiệu những ngày hội vui vẻ của cả làng. Một tuồng hát bội thường rất dài, phải chia thành nhiều đêm hát có lớp lang, điển hình như tuồng San Hậu phải diễn ba đêm mới hết chuyện. Vì thế, nhiều người xong việc là ra đình chơi hội, bỏ bê cơm nước, là nguồn cơn cho câu hát truyền tụng trong dân gian: "Hát bội làm tội người ta/Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con".

Hát bội đã gắn bó với những buồn vui, thăng trầm của lịch sử dân tộc và đất nước suốt mấy trăm năm qua; là di sản văn hóa phi vật thể đã đi sâu vào lòng quần chúng nhân dân nhiều thế hệ. Tại thành phố mang tên Bác, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM là nơi gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát bội. NSƯT Hữu Danh, người có đóng góp quan trọng trong việc đào tạo lực lượng trẻ của nhà hát cho biết, bản thân luôn đau đáu với chuyện mai sau, khi lớp nghệ sĩ thời của ông về hưu thì sẽ rất khó tìm được thế hệ tiếp nối.

"Khi diễn ở các trường học, hỏi các em có thích và muốn tìm hiểu thêm về nghệ thuật hát bội hay không, thì các em giơ tay rất nhiều. Nhưng hỏi có ai muốn trở thành diễn viên hát bội hay không, thì những cánh tay chỉ còn lác đác. Là phụ huynh của hai bạn trẻ chỉ xem cha diễn hai lần, tôi hiểu rằng khoảng cách thế hệ, cách tiếp cận văn hóa của các em rất khác, chưa kể có vô số chương trình, loại hình nghệ thuật hấp dẫn hơn", NSƯT Hữu Danh chia sẻ.

Giữ hồn hát bội ở TP.HCM: Nối dài giai điệu trăm năm - 5

Cái khó của hát bội là tìm kiếm thế hệ kế thừa. Ảnh: Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM.

Hát bội bước vào giai đoạn thoái trào sau khi cải lương phát triển mạnh mẽ, nhưng cho rằng nó đã không còn "đất sống" là chưa đúng, bởi nếu muốn xem hát bội ở TP.HCM, người dân và du khách có thể tìm đến Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM, Thảo Cầm Viên, Lăng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt (diễn vào các sáng thứ Bảy, Chủ nhật mỗi hai tuần một lần), đình làng Tân Thông Hội ở huyện Củ Chi, hay tại Chợ Bình Tây vào những dịp lễ, Tết cổ truyền.

Nhằm mở ra hướng đi mới cho nghệ thuật hát bội, để hát bội "dễ hiểu, dễ nghe", NSƯT Hữu Danh cho rằng, cần thiết phải dung hòa giữa truyền thống và hiện đại để khán giả cảm được những gì họ đang nghe. Đó là một trong nhiều thay đổi nhỏ của hát bội, để đưa loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với khán giả đương thời.

Giữ hồn hát bội ở TP.HCM: Nối dài giai điệu trăm năm - 6Liên quan đến việc phát huy, quảng bá nghệ thuật cổ truyền dân tộc đến du khách tham quan TP.HCM, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, thành phố hội tụ rất nhiều giá trị văn hóa đặc sắc và có nhiều nhân lực, tiềm lực để có thể tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật lớn. Chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030 đã xác định các chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật tổ chức thường xuyên tại các sân khấu, trung tâm và khu vui chơi giải trí sẽ là một trong 5 nhóm sản phẩm du lịch quan trọng trong thời gian tới.
Các chuyên gia du lịch tại TP.HCM cũng nhìn nhận, các chương trình biểu diễn nghệ thuật là sản phẩm rất quan trọng để níu chân du khách. Do vậy, các chương trình này vừa phải có chiều sâu văn hóa, lịch sử lại vừa phải có độ hoành tráng, tính mới mẻ nhất định thì mới tạo nên được sự khác biệt và sức thu hút.

Nguyễn Bảo