Ngày 6/12 Ngày truyền thống của Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Ngày của ông già Noel; Thành lập thủ đô của Ecuador
Dòng chảy - Ngày đăng : 06:16, 06/12/2023
Sự kiện trong nước diễn ra trong ngày 6/12
Ngày 6/12/1892: Nhà máy Đèn Bờ Hồ ra đời theo hợp đồng ký kết giữa Công ty Điện khí Đông Dương và Đốc lý Hà Nội . Đây là nền móng, cơ sở điện lực đầu tiên của Hà Nội gắn liền với sự nghiệp hình thành, phát triển của ngành điện sau này.
Ngày 6/12/1953: Đảng Lao động Việt Nam quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân Pháp.
Ngày 6/12/1978: Công trình trang thiết bị Nhà in báo Nhân Dân do cộng hòa dân chủ Đức giúp ta xây dựng từ đầu năm 1975 đã được khánh thành. Công trình này đảm bảo in 1 triệu tờ báo trong một ngày.
Ngày 6/12/1989, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã quyết định cho thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Từ đó, ngày 6-12 hằng năm được lấy làm Ngày truyền thống của Hội.
Ngày 6/12/2012: Hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Lễ Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức vào ngày 10-3 (âm lịch) hằng năm.
Ngày 6/12 hàng năm: Ngày truyền thống của Hội Cựu chiến binh Việt Nam
Ban Thường vụ Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2017-2022
Sau hơn nửa thế kỷ đấu tranh cách mạng và kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cả nước có hơn 4 triệu cựu chiến binh, là những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Có những đồng chí từng tham gia các đội tự vệ Đỏ trong phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh năm 1930 - 1931, tham gia Đội du kích Bắc Sơn, du kích Nam Kỳ, Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, du kích Ba Tơ…; nhiều đồng chí tham gia chiến đấu từ những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, kháng chiến chống Pháp; số đông trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế…
Xuất phát từ tình hình, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới và đáp ứng nguyện vọng thiết tha, chính đáng của đông đảo cựu chiến binh Việt Nam, ngày 6-12-1989, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã quyết định thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Từ đó, ngày 6-12 hằng năm được lấy làm Ngày truyền thống của Hội.
Sự kiện quốc tế diễn ra trong ngày 6/12
Ngày 6/12/1534: Những người định cư Tây Ban Nha thành lập nên thành phố Quito, nay là thủ đô của Ecuador.
Ngày 6/12/1877: Tờ Washington Post được thành lập và xuất bản số đầu tiên với 10.000 ấn bản. Như vậy, tính đến nay, tờ báo đã có 144 năm thành lập, là thương hiệu truyền thông lâu đời và là một trong những tờ báo hàng đầu có tầm ảnh hưởng và nguồn lực dồi dào nhất nước Mỹ.
Ngày 6/12/1897: Taxi được cấp phép hoạt động lần đầu tiên trên thế giới
Ngày 6/12/1917: Một tàu mang TNT và Acid picric phát nổ khi va chạm với một tàu khác, gây ra vụ nổ phi hạt nhân do con người gây ra lớn thứ hai trong lịch sử.
Ngày 6/12/1973: Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết thành lập Đại học Liên Hợp Quốc tại Tokyo, Nhật Bản.
Ngày 6/12/1992: Thánh đường Hồi giáo Babri tại Ayodhya, Ấn Độ bị các tín đồ Ấn Độ giáo phá hủy, kích động náo loạn quy mô lớn khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Ngày 6/12/2006: NASA tiết lộ các bức ảnh chụp bởi Mars Global Surveyor cho thấy sự hiện diện của chất lỏng nước trên Sao Hỏa.
Ngày 6/12/2008: Bạo động bùng phát tại Hy Lạp sau khi một sĩ quan cảnh sát sát hại một thiếu niên 15 tuổi.
Ngày 6/12/1837: Nhà ngôn ngữ học Trương Vĩnh Ký
Nhà ngôn ngữ học Trương Vĩnh Ký. Tên hồi nhỏ là Trương Chánh Ký, sau này đổi tên đệm thành Trương Vĩnh Ký, hiệu Sĩ Tải. Ông là một nhà chính trị, học giả, nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học và khảo cứu văn hóa của Việt Nam trong thế kỷ 19.
Ông sinh vào 6 tháng 12, 1837 và mất vào 1 tháng 9, 1898 (60 tuổi). Ông được sinh ra tại tỉnh Vĩnh Long, Đại Nam.
Ngày 6/12/1421: Quốc vương Henry VI
Quốc vương Henry VI. Ông là Quốc vương của Vương quốc Anh từ năm 1422 đến năm 1461 và một lần nữa, từ năm 1470 đến năm 1471. Ông còn tự phong làm Quốc vương nước Pháp từ năm 1422 đến năm 1453. Cho đến năm 1437, vương quốc của ông vẫn do Nhiếp chính cai trị.
Ông sinh ra vào 6 tháng 12, 1421 và mất vào 21 tháng 5, 1471 (49 tuổi). Ông sinh ra tại lâu đài Windsor, Berkshire.
Ngày 6/12/1778: Nhà vật lý Joseph Louis Gay-Lussac
Nhà vật lý Joseph Louis Gay-Lussac. Ông là một nhà hóa học, nhà vật lý Pháp. Ông nổi tiếng nhờ hai định luật liên quan đến các chất khí và công trình của ông về các hỗn hợp rượu-nước và chuẩn độ Gay-Lussac được sử dụng để đo nước uống có cồn trong nhiều quốc gia.
Ông sinh ra vào 6 tháng 12 năm 1778 và mất vào 9 tháng 5 năm 1850 (71 tuổi).
Ngày 6/12/1792: Nhà vua Willem II
Vua Willem II. Ông là là vua của Hà Lan, Đại công tước của Luxembourg, và Công tước của Limburg từ ngày 7 tháng 10 năm 1840 cho đến khi ông qua đời vào năm 1849, kế vị bởi Willem III.
Ông sinh vào 6 tháng 12 năm 1792 và mất vào 17 tháng 3 năm 1849. Ông sinh tại cung điện Noordeinde, The Hague, Cộng hòa Hà Lan
Ngày của ông già Noel
Ngày 6 tháng 12 là ngày mất của Nikolaus (năm mất vẫn chưa xác định được) nên được chọn làm ngày tưởng nhớ đến ông Nikolaus.
Vào đêm ngày 5 tháng 12, các bạn nhỏ sẽ lấy đôi giày đã được giặt sạch sẽ của mình đặt ở trước cửa hoặc treo tất lên cửa sổ hoặc treo lên lò sưởi. Theo sự truyền miệng dân gian thì Nikolaus mang túi vàng qua cửa sổ, tình cờ dưới cửa sổ là đôi giày hay đôi tất của ba chị em gái để đó.
Và chỉ những bạn nhỏ ngoan và những người lương thiện mới có quà của ông Nikolaus. Thường là bánh kẹo, trái cây và hạt dẻ. Còn các bạn nhỏ không ngoan sẽ thấy trong giày hay tất của mình là vỏ trái cây, vỏ bánh kẹo. Đây là trừng phạt của ông Krampus (tùy đất nước mà ông còn được gọi là Knecht Ruprecht/ Ralph Dunkleberger/ Zwarte Piet) – "quái vật" đồng hành cùng ông Nikolaus đến gửi quà cảnh cáo đến các bạn không ngoan.