Các loại thực phẩm làm tăng nồng độ cồn trong hơi thở
Ẩm thực - Ngày đăng : 15:43, 05/12/2023
Tôi nghe nói một số loại đồ ăn, thức uống có thể làm sinh ra nồng độ cồn trong hơi thở dù không uống rượu bia. Điều đó có chính xác không? (Hoàng Minh, Yên Bái)
Dưới đây là một số tư vấn từ các chuyên gia:
Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên viện Cộng nghệ thực phẩm trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội:
Một số thực phẩm ăn hàng ngày có thể sinh ra nồng độ cồn trong hơi thở. Nếu ăn xong bạn ra đường tham gia giao thông ngay, khi cơ quan công an yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, thở vào dụng cụ test sẽ cho kết quả dương tính.
Lực lượng chức năng thổi nồng độ cồn. Ảnh: Đình Hiếu.
Dưới đây là những thực phẩm có thể sinh ra nồng độ cồn trong hơi thở bạn cần lưu ý:
Sầu riêng:Loại quả này có hàm lượng đường rất lớn, chín nhanh, lên men nhanh. Men này gây ra cảm giác cay cay khi ăn nhưng được đánh giá tốt cho hệ tiêu hóa. Nhiều người lại có sở thích ăn khi sầu riêng lên men nhưng vô tình sinh ra cồn trong hơi thở.
Vải, nhãn: Đây cũng là hai loại quả dễ lên men nhất.
Món ăn nấu dạng sốt vang: Một số món ăn nấu với rượu vang, rượu mai quế lộ vô tình có thể còn cồn.
Ngoài ra còn nhiều loại hoa quả khác có thể làm tăng nồng độ cồn trong hơi thở như dứa, thanh long.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Ứng dụng Việt Nam:
Thực tế các loại hoa quả nhiều đường như sầu riêng, mít, chuối tiêu, chôm chôm... đều có thể lên men tự nhiên và sinh ra cồn. Tuy nhiên, lượng cồn này chỉ ở trong miệng, qua hơi thở không có trong máu. Thời gian hết nồng độ cồn trong vòng khoảng 15-30 phút tùy lượng bạn ăn.
Ngoài ra, có một số ít người bị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản hoặc những người mắc hội chứng tự sinh rượu cũng có thể có kết quả dương tính khi kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở.
Các sản phẩm đồ uống có cồn từ hoa quả cũng có thể làm tăng nồng độ cồn trong máu. Dù không xếp vào rượu bia nhưng đây là thực phẩm xếp vào đồ uống có cồn, do đó, người dân nên thận trọng.
Theo Vietnamnet