Nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thiết kế 350km/h
Nhịp sống - Ngày đăng : 22:33, 04/12/2023
Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam được tổ chức hôm 1/12.
Theo Phó Thủ tướng, việc nghiên cứu đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Bộ GTVT thực hiện nghiêm túc, công phu trong thời gian dài; trong đó Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án năm 2010 đã được Bộ Chính trị tán thành chủ trương đầu tư, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền thông qua.
Ngày 28/2/2023, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia (Ban Chỉ đạo) cũng đã có Kết luận tại văn bản số 420/TB-VPCP ngày 18/10/2023 của Văn phòng Chính phủ.
Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ GTVT đã kế thừa kết quả nghiên cứu trước đây, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Do đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì vậy, Phó Thủ tướng lưu ý quá trình xây dựng, triển khai đề án cần có sự đồng thuận, góp sức và thực sự vào cuộc của liên ngành trên nhiều lĩnh vực.
Về kịch bản phát triển, Phó Thủ tướng cho rằng, cần dựa vào nhu cầu nội tại về phát triển kinh tế - xã hội nước ta, kinh nghiệm đầu tư đường sắt tốc độ cao trên thế giới để nghiên cứu đầu tư đường sắt tốc độ cao đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới, tốc độ thiết kế 350km/h và thực sự trở thành trục "xương sống" theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, đồng thời khai thác hiệu quả tuyến đường sắt hiện có.
Về hướng tuyến đường sắt tốc độ cao, Phó Thủ tướng lưu ý nghiên cứu sử dụng hiệu quả các giải pháp công trình cầu, hầm để đảm bảo hướng tuyến thẳng nhất có thể, đảm bảo khả năng thoát lũ, hạn chế ảnh hưởng đến các khu bảo tồn và chia cắt cộng đồng; xem xét phương án bố trí điểm đầu, điểm cuối tuyến tại trung tâm Thủ đô Hà Nội và TP.HCM.
“Do dự án có quy mô lớn, phức tạp về kỹ thuật - công nghệ, thời gian thực hiện dài (trên 10 năm) nên cần làm rõ việc tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư chỉ là ước tính ban đầu, số liệu chính xác sẽ tiếp tục được cập nhật ở các bước tiếp theo khi đủ điều kiện, tránh hiểu nhầm trong trường hợp tổng mức đầu tư dự án tăng trong giai đoạn triển khai”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.