Kế hoạch chi tiết xây cầu Thủ Thiêm 4 hơn 6.000 tỷ đồng bắc qua sông Sài Gòn
Nhịp sống - Ngày đăng : 22:32, 04/12/2023
Sở GTVT TP.HCM vừa gửi Hội đồng Thẩm định Thành phố tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo tờ trình, dự án xây cầu Thủ Thiêm 4 sẽ kết nối TP Thủ Đức với quận 7. Điểm đầu kết nối với đường Nguyễn Văn Linh tại khu vực giao với đường dẫn cầu Tân Thuận 2 (quận 7). Điểm cuối dự án kết nối với đường Nguyễn Cơ Thạch tại nút giao thông đường R4 (TP Thủ Đức).
Toàn bộ dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 có chiều dài khoảng 2,16km. Trong đó, phần cầu dài khoảng 1.635m, phần đường dẫn hai đầu cầu dài khoảng 525m, thiết kế 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp).
Phần cầu Thủ Thiêm 4 sẽ có kết cấu nhịp chính là dầm thép – bê tông cốt thép (BTCT), bố trí 2 trụ tháp bằng BTCT cùng với hệ nâng; nhịp dẫn sử dụng dầm BTCT dự ứng lực.
Tĩnh không thông thuyền cầu chính qua sông Sài Gòn sẽ được điều chỉnh linh hoạt, khi hoạt động bình thường cầu sẽ có tĩnh không 15m; khi có tàu lớn đi qua thì tĩnh không sẽ được nâng lên 45m.
Bên cạnh đó, trong phạm vi dự án sẽ xây dựng 2 nút giao cắt khác mức giao với cầu Tân Thuận và nút giao đường Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát; 2 nút giao cùng mức gồm Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư và nút giao đường Nguyễn Cơ Thạch và đường Bùi Thiện Ngộ (R4) - Khu Đô thị mới Thủ Thiêm.
Ngoài ra, dự án còn xây dựng hệ thống thoát nước, hệ thống an toàn giao thông và công trình phụ trợ như hệ thống biển báo an toàn giao thông, đèn chiếu sáng, chiếu sáng mỹ thuật.
Dự kiến xây dựng thêm hệ thống trạm thu phí, camera quan sát bố trí 1 vị trí trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7 (áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng, tổ chức vận hành khai thác thống nhất, đồng bộ tiết kiệm chi phí đầu tư); lắp đặt hệ thống camera giám sát.
Cầu Thủ Thiêm 4 sẽ có tĩnh không linh hoạt: Khi hoạt động bình thường cầu có tĩnh không 15m, khi có tàu lớn đi qua thì tĩnh không được nâng cao 45m.
Theo khái toán sơ bộ, tổng mức đầu tư dự án khoảng 6.030 tỷ đồng (bao gồm lãi vay 320 tỷ đồng). Trong đó vốn ngân sách nhà nước (NSNN) trong dự án PPP khoảng hơn 2.826 tỷ đồng (chiếm 49,5% tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay); còn lại vốn BOT khoảng hơn 2.883 tỷ đồng (chiếm 50,5% tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay).
Cũng tại tờ trình, dự án được đề xuất phân chia thành 2 dự án thành phần.
Dự án thành phần 1 - Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cầu Thủ Thiêm 4 đoạn qua quận 7 sử dụng vốn NSNN 100%, tương ứng với khoảng hơn 1.387 tỷ đồng.
Dự án này có tổng diện tích đất sử dụng khoảng 16,7ha, trong đó diện tích đất thu hồi khoảng 2,47ha, diện tích nhà, vật kiến trúc khoảng 3,1ha; tổng số tổ chức cá nhân và hộ dân bị ảnh hưởng khoảng 134 trường hợp, bao gồm 12 tổ chức và 114 hộ dân (giải tỏa trắng: 73 trường hợp, giải tỏa một phần: 61 trường hợp).
Dự án thành phần 2 - Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức PPP - Hợp đồng Xây dựng- Khai thác - Chuyển giao (BOT) tương ứng với khoảng 4.322 tỷ đồng (không bao gồm lãi vay).
Trong đó, vốn NSNN khoảng 1.439 tỷ đồng (33,3%); vốn của nhà đầu tư khoảng hơn 2.883 tỷ đồng (67,7%).
Nếu được thông qua, Sở GTVT dự kiến từ nay đến năm 2024 là thời gian chuẩn bị dự án, còn công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sẽ triển khai thực hiện từ năm 2024 - 2025.
Sau đó, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và khởi công dự án vào năm 2025, hoàn thành vào năm 2028. Thời gian thu phí 18 năm 8 tháng.
Để sớm triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 và đảm bảo khai thác đồng bộ, tăng tính khả thi của phương án tài chính và hiệu quả của dự án khi hoàn thành, Sở GTVT kiến nghị UBND TP xem xét, trình HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư dự án này.
Kiến nghị giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương thực hiện việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh; cập nhật các đồ án quy hoạch liên quan tới Dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, trong đó có phương án tĩnh không thông thuyền.