Thời sự 24 giờ: Xét xử phúc thẩm vụ án ‘chuyến bay giải cứu’
Xã hội - Ngày đăng : 06:00, 05/12/2023
Xét xử phúc thẩm vụ án ‘chuyến bay giải cứu’
Dự kiến ngày 20/12, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của 21 bị cáo cùng những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án “chuyến bay giải cứu”. Phiên tòa sẽ diễn ra trong 4 ngày do thẩm phán Mai Anh Tài làm chủ tọa.
Xem thêm: Sếp Công ty Blusky đòi cựu điều tra viên trả lại 18 tỷ
Tính đến thời điểm hiện tại đã có gần 30 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo cũng như những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ "chuyến bay giải cứu" tại phiên tòa phúc thẩm.
Xem thêm: 'Cảm ơn' hay 'hối lộ'?
Xem thêm: Thư ký, trợ lý trong các đại án: Lộng hành vì đâu?
Trong số 21 bị cáo kháng cáo, cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm Hưng bị tuyên phạt mức án chung thân. Suốt quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm vụ chuyến bay giải cứu, Hoàng Văn Hưng luôn khai không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo buộc.
Xem thêm: Dư luận về Hoàng Văn Hưng: Có phải tòa án chưa coi trọng suy đoán vô tội?
Ở chiều ngược lại, cả viện kiểm sát và hội đồng xét xử đều cho rằng Hoàng Văn Hưng không thành khẩn, quanh co, gian dối nên không có đủ cơ sở xác định về tính chính xác của các lời khai của bị cáo này.
Xem thêm: Vụ 'Chuyến bay giải cứu': Người mua vé máy bay làm gì để đòi quyền lợi?
Bị cáo Lê Văn Nghĩa, Giám đốc công ty CP Du lịch và dịch vụ ăn uống Nhật Minh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và xin hưởng án treo.
Bị cáo Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP xây dựng Thái Hòa, kháng cáo đề nghị tòa án cấp phúc thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và không có tội “Đưa hối lộ”.
Xem thêm: Chuyến bay giải cứu: Quan tham hễ thấy hơi tiền thì mê!
Trong 18 người kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt có các bị cáo: Nguyễn Thị Hương Lan (cựu cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế) và Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an). Cả ba người này đều bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt tù chung thân về tội "nhận hối lộ".
Xem thêm: 'Doanh nghiệp vừa là nạn nhân vừa là tội đồ của nạn tham nhũng, hối lộ'
Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Nhiều nước tăng ca bệnh hô hấp, Bộ Y tế khuyến cáo phòng dịch
Cục Y tế dự phòn (Bộ Y tế) thông tin, thời gian gần đây, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận các thông tin về việc gia tăng các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A/H5N1, COVID-19 tại một số quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Campuchia...
Cụ thể, tại Trung Quốc, ngày 13/11 đã thông báo về việc gia tăng số ca mắc các bệnh về đường hô hấp. Đồng thời, nước này cũng ghi nhận chùm ca bệnh viêm phổi chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em xảy ra tại một số tỉnh miền Bắc.
Xem thêm: Việt Nam theo dõi thông tin về đợt bùng phát bệnh hô hấp tại Trung Quốc
Xem thêm: Chuyên gia nói gì về đợt bùng phát bệnh hô hấp bất thường ở Trung Quốc?
Ngày 26/11, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã họp báo và nhận định nguyên nhân chính là do hiện đang vào mùa đông, thời tiết lạnh, thay đổi bất thường. Kết quả giám sát đã ghi nhận các tác nhân được phát hiện chủ yếu là vi rút cúm. Ngoài ra, còn có rhinovirus, Mycoplasma pneumoniae, vi rút hợp bào hô hấp, adeno vi rút...
Còn tại Malaysia, Singapore, thời gian qua số mắc COVID-19 tăng từ 50-100% so với tuần trước đó, hầu hết có triệu chứng nhẹ. Giới chức y tế nhận định dịch bệnh gia tăng do các yếu tố như mùa du lịch cuối năm và việc giảm khả năng miễn dịch của người dân.
Các chuyên gia cảnh báo hiện Việt Nam đang vào mùa đông - xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi thất thường dễ làm xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là. Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như:
- Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người.
- Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng.
- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.
- Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở… Khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Hà Nội dự kiến có thành phố trực thuộc gồm 45 phường
Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội gửi HĐND TP về việc thông qua đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045 tầm nhìn đến năm 2065, dự kiến sẽ thành lập hai thành phố phía Bắc và phía Tây thủ đô trong định hướng phát triển không gian.
Thành phố phía Bắc có tổng diện tích khoảng 633km2, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh. Quy mô đơn vị hành chính gồm 45 phường và 24 xã, được định hướng với chức năng đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng Hàng không cửa ngõ quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế Quốc gia gắn với trục động lực phát triển Nhật Tân - Nội Bài. Tính chất là thành phố dịch vụ, hội nhập quốc tế, kết nối toàn cầu.
Thành phố phía Tây, phạm vi nghiên cứu bao gồm đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai, Hà Nội dự kiến đây là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo.
Quy mô khoảng 251km2, dân số đến năm 2045 là khoảng 1,2 triệu người, bao gồm 16 phường và 8 xã.
Thành phố phía Tây được định hướng xây dựng mô hình đô thị kép song hành cùng hỗ trợ nhau giữa hiện đại - sinh thái, cao - thấp tầng. Khoảng cách đi lại giữa hai trung tâm thành phố đảm bảo trong vòng 15 phút bằng các phương tiện công cộng.
Doanh nghiệp tài trợ cây cầu trị giá 1000 tỷ đồng cho TP. HCM
Sáng 4/12, UBND TPHCM tổ chức lễ ký kết biên bản thỏa thuận tài trợ công trình cầu đi bộ qua sông Sài Gòn. Theo công bố, Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood là nhà tài trợ cho cây cầu có hình lá dừa nước, tổng kinh phí tài trợ ước tính là 1.000 tỷ đồng.
Theo biên bản thỏa thuận, phía nhà tài trợ sẽ lo toàn bộ kinh phí xây dựng dự án theo chủ trương, quy hoạch, phương án thiết kế mà TPHCM đã phê duyệt.
Xem thêm: Quá trình đàm phán về cây cầu đi bộ 1.000 tỷ của TPHCM diễn ra thế nào?
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, trong tiến trình xây dựng và phát triển, lãnh đạo thành phố các thời kỳ xác định phải phát huy tất cả nguồn lực để nhanh chóng phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Điều này hướng tới việc TPHCM trở thành đô thị phát triển nhanh, bền vững, xứng tầm với đô thị lớn của đất nước và hội nhập thế giới.
Cầu đi bộ trị giá 1.000 tỷ hình lá dừa nước của TPHCM sẽ có chiều dài 500m, bắt đầu từ Công viên Bến Bạch Đằng (quận 1) đến phía Nam quảng trường trung tâm Khu Đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Cây cầu được thiết kế như một chiếc lá mềm mại nhẹ nhàng trên sông Sài Gòn, một hình ảnh thân thuộc, dân dã của vùng đất phương Nam.