Dấu ấn đậm nét sau 10 năm thực hiện nghị quyết về chính sách xã hội
Nhịp sống - Ngày đăng : 18:10, 04/12/2023
Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII diễn ra ngày 4/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giới thiệu Nghị quyết 42 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới.
Chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang đảm bảo quyền an sinh
Khái quát sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết nhiều kết quả nổi bật.
Trong đó, đối tượng người có công với cách mạng được mở rộng với chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp.
Theo người đứng đầu Chính phủ, hiện có trên 1,2 triệu người có công và thân nhân đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng; 98,6% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình trên địa bàn.
Đặc biệt, Thủ tướng nêu rõ bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang đảm bảo quyền an sinh của công dân.
Bước tiến này, theo Thủ tướng, đánh dấu chính sách xã hội dần gắn với chính sách kinh tế, phát triển hài hòa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Với kết quả này, số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng hàng năm và đạt 3,3 triệu người năm 2022 .
Riêng trong 3 năm phòng, chống dịch Covid-19, đã hỗ trợ với số tiền trên 120.000 tỷ đồng và trên 200.000 tấn gạo hỗ trợ cho trên 68 triệu lượt người dân, người lao động gặp khó khăn.
"Làm an sinh xã hội lúc đại dịch rất khó khăn, nhưng nhờ sự tham mưu của các bộ ngành và nỗ lực triển khai, cộng với sự hỗ trợ của công nghệ, các kết quả cơ bản tốt", Thủ tướng đánh giá.
Theo ông, số người được hỗ trợ trong giai đoạn này lớn nhất từ trước đến nay, số tiền hỗ trợ 120.000 tỷ cộng với việc xuất quá nửa kho gạo dự trữ quốc gia cũng là việc chưa từng có tiền lệ.
Trong việc thực hiện chính sách, Thủ tướng nhấn mạnh Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, đồng thời huy động, phát huy vai trò quan trọng của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, thị trường và ý chí tự lực, tự cường của người dân.
Về công tác giảm nghèo, Thủ tướng nêu nhiều kết quả nổi bật cho thấy đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Tỷ lệ hộ nghèo từ gần 60% vào năm 1986 giảm xuống còn dưới 3% vào năm 2022; GDP bình quân đầu người tăng từ 86 USD năm 1986 lên 4.110 USD năm 2022, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, là những kết quả đáng trân trọng trong bối cảnh đất nước đối mặt nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết diện bao phủ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp không ngừng được mở rộng.
Năm 2022 tỷ lệ tham gia BHXH đạt 38,08% và bảo hiểm thất nghiệp đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi; tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng (đến nay đạt 1,46 triệu người tham gia)
Người dân tiếp cận cũng ngày càng tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, như về nhà ở, đến năm 2020, Nhà nước đã hỗ trợ chỗ ở cho 648.000 hộ nghèo nông thôn, 323.000 căn nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
"Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân khắp mọi miền đất nước được nâng lên rõ rệt; diện mạo xã hội thay đổi căn bản; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; kinh tế, xã hội phát triển toàn diện và hài hòa hơn; đem lại niềm tin và sự hài lòng của người dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ", theo Thủ tướng.
Nỗ lực thực hiện của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương
Có được những kết quả này, theo Thủ tướng, là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bên cạnh đó là sự giám sát, đồng hành của Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sát thực tiễn của Chính phủ, Thủ tướng cùng các bộ, ngành địa phương trong triển khai.
Với bối cảnh mới hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện, xây dựng chính sách an sinh xã hội toàn diện hơn, đa tầng hơn, hiện đại hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn, bảo đảm an sinh, an ninh, an dân.
Theo người đứng đầu Chính phủ, Nghị quyết 42 đưa ra 4 quan điểm vừa có tính kế thừa, phát huy, vừa có tính đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Trong đó, nghị quyết tiếp tục khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Nhấn mạnh điểm mới, Thủ tướng cho biết Nghị quyết 42 xác định đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững.
Bên cạnh đó, nghị quyết nêu rõ xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải đặt trong tổng thể quản lý phát triển xã hội bền vững; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội, bảo đảm an sinh cho nhân dân trong quá trình phát triển.