Dòng tiền vượt tỷ USD ồ ạt vào chứng khoán, cổ phiếu trụ cột đồng loạt tăng mạnh

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 16:22, 04/12/2023

Nhóm cổ phiếu trụ cột, trong đó có ngân hàng và bất động sản đồng loạt tăng giá mạnh. Dòng tiền bất ngờ đổ vào chứng khoán, thanh khoản dồi dào trên các thị trường.

Mở cửa phiên giao dịch ngày 4/12, dòng tiền đổ vào cổ phiếu khá mạnh và tăng dần vào cuối buổi sáng, kéo VN-Index tăng 12,5 điểm lên 1.114,63 điểm.

Sang phiên chiều, sức cầu tiếp tục tăng, đẩy VN-Index lên cao. Chốt phiên 4/12, chỉ số VN-Index tăng 18,33 điểm (tương đương tăng 1,66%) lên 1.120,49 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 2,23% lên 231,31 điểm.

Nhóm cổ phiếu chủ chốt VN30 tăng mạnh với 29 trong số 30 mã xanh, chỉ có Sabeco (SAB) giảm nhẹ.

Thanh khoản tăng ấn tượng lên mức 27.500 tỷ đồng, so với mức trung bình hơn 15.000 tỷ đồng/phiên trong tuần trước.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng đột phá, với nhiều mã diễn biến ấn tượng. Chứng khoán SSI (SSI) tăng 1.600 đồng lên 33.600 đồng/cp. Chứng khoán VNDirect (VND) tăng 1.350 đồng lên 22.700 đồng/cp. Chứng khoán VCI tăng 1.600 đồng lên 43.900 đồng/cp. HCM tăng 1.500 đồng lên 31.000 đồng/cp.

Chứng khoán FPT (FTS) tăng 1.600 đồng lên 44.500 đồng/cp. Chứng khoán SHS tăng 1.100 đồng lên 19.500 đồng/cp. Chứng khoán MBS tăng 1.300 đồng lên 23.000 đồng/cp…

Nhóm ngân hàng với nhiều mã tăng mạnh sau khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới room tín dụng cho các tổ chức đã dùng hết 80% chỉ tiêu. Nhà băng giảm lãi suất cũng được ưu tiên.

chung-khoan-9-1-1.jpg
Dòng tiền  bất ngờ đổ mạnh vào thị trường chứng khoán. (Ảnh: HH)

NHNN không công bố cụ thể các ngân hàng được cấp thêm room tín dụng. Tuy nhiên, một số ngân hàng thương mại Nhà nước như Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV có thể nằm trong nhóm này do giảm mạnh lãi suất cho vay và dồn tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.

Một số ngân hàng TMCP có tăng trưởng tín dụng cao cũng có thể lọt Top được nới room, gồm: VPBank, HDBank, ACB, MBBank, VIBank, Techcombank, TPBank và Sacombank.

Cổ phiếu Sacombank (STB) tăng 700 đồng lên 28.200 đồng/cp. Techcombank (TCB) tăng 450 đồng lên 30.200 đồng/cp. ACB tăng 350 đồng lên 22.300 đồng/cp.

Mặc dù tăng trưởng tín dụng trong 11 tháng đầu năm 2023 ở mức thấp, mới đạt khoảng 8,4% nhưng quyết định nới room vẫn được xem là tích cực. Theo TS. Cấn Văn Lực, tăng trưởng tín dụng cả năm có thể lên 11-12%.

Tính tới cuối tháng 11, dư địa còn lại của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng còn hơn 6%, tương đương khoảng 735.000 tỷ đồng. Đây là một con số rất lớn và nó có thể thúc đẩy kinh tế tăng nhanh hơn vào cuối năm. Tiền cũng có thể chảy vào một số kênh khác.

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng tăng khá mạnh. Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS đã được thông qua hôm 27/11 được đánh giá giúp thị trường tươi sáng hơn. Với nguồn cung ít, những sự kiện mở bán căn hộ thu hút sự quan tâm của người mua và giá tăng mạnh.

Nhóm ngành xây dựng cũng diễn biến tích cực. Cổ phiếu VCG tăng trần thêm 1.550 đồng lên 24.250 đồng/cp. Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) tăng trần thêm 600 đồng lên 9.180 đồng/cp. PC1 tăng 1.050 đồng lên 28.000 đồng/cp.

Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) tăng 850 đồng lên 15.500 đồng/cp. Các cổ phiếu nhóm ngành này được hưởng lợi từ đầu tư công đang được đẩy mạnh và thị trường bất động sản chuyển biến tích cực hơn.

Nhóm cổ phiếu thủy sản hồi phục nhờ kỳ vọng vào mùa xuất khẩu cuối năm. Các mã như Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC), ANV, IDI.. đều tăng khá mạnh.

Nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng tăng khá như: HPG, VGC, HSG, NKG, HT1…

Gần đây, nhiều số liệu cho thấy kinh tế đang hồi phục khá ấn tượng. Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 619,17 tỷ USD, xuất siêu 25,83 tỷ USD. Trong khi cùng kỳ năm trước, xuất siêu chỉ đạt 10,3 tỷ USD.

Vốn FDI giải ngân đạt mức cao và Mỹ chuẩn bị đảo chiều chính sách tiền tệ, tỷ giá USD/VND khá ổn định.

Nhiều khả năng, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 đạt trên 5-5,2%, thấp hơn so với chỉ tiêu 6-6,5% nhưng vẫn ở mức tăng trưởng gần như cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam tiếp tục ghi nhận dòng vốn đổ vào nhờ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu.