Quá trình đàm phán về cây cầu đi bộ 1.000 tỷ của TPHCM diễn ra thế nào?
Nhịp sống - Ngày đăng : 15:50, 04/12/2023
Ngày 4/12, UBND TPHCM ký kết biên bản thỏa thuận với nhà tài trợ về việc tài trợ công trình cầu đi bộ qua sông Sài Gòn. Tổng vốn tài trợ cho dự án ước tính lên tới 1.000 tỷ đồng.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cho biết, đây là lần đầu, thành phố tiếp nhận tài trợ một công trình có giá trị lớn như vậy. Từ trước đến nay, các công trình được tài trợ khác trên địa bàn có quy mô nhỏ hơn, hoặc các công trình gắn với khu đô thị, dự án do chủ đầu tư tại đó làm thêm.
"Việc ký kết biên bản thỏa thuận hôm nay là kết quả của cả quá trình thực hiện kỹ lưỡng từ các sở, ngành, đơn vị", lãnh đạo Sở GTVT TPHCM bày tỏ.
Quá trình đàm phán về cây cầu đi bộ hình lá dừa nước của TPHCM bắt đầu từ tháng 8 năm nay. Thời điểm đó, Sở GTVT TPHCM tiếp nhận đề xuất của một tập đoàn về việc tài trợ, tặng thành phố công trình cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn, nối Công viên Bến Bạch Đằng và Công viên Quảng trường trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
"Đây là thông tin vui của thành phố, phù hợp với tiến trình TPHCM đang triển khai như rà soát, lập quy hoạch Công viên Bến Bạch Đằng, chỉnh trang cảnh quan khu vực bờ sông Sài Gòn", Giám đốc Sở GTVT TPHCM kể lại.
Thời điểm đó, TPHCM đã tổ chức thi tuyển và xem xét, quyết định phương án cuối cùng về ý tưởng thiết kế của cây cầu. Đến nay, phương án đã được Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến và chấp thuận.
Với tính chất của một công trình mang ý nghĩa lớn, tổng vốn tài trợ lớn nhất từ trước đến nay, Sở GTVT TPHCM được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tiếp nhận, đảm bảo phát huy hiệu quả tối đa của công trình.
Từ yêu cầu trên, Sở GTVT cùng các đơn vị liên quan đã trao đổi, thống nhất với nhà đầu tư về các bước thực hiện. Từng phần việc trong đó được đảm bảo chặt chẽ, đúng tiến trình đề ra.
Ông Trần Quang Lâm thông tin thêm, dù chỉ là một cây cầu đi bộ, tuy nhiên, quy mô và thiết kế của cây cầu rất phức tạp, khác các công trình cầu đi bộ thông thường. Cây cầu cần chịu được động đất cấp 7, chịu được tải trọng gió cấp 4, giật 34m/s.
"Công trình này phức tạp nhất là khâu thiết kế, còn thi công sẽ chỉ mất khoảng một năm", ông Lâm thông tin.
Đặc biệt, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn cần chịu được các dao động để tải được nhiều người, đủ sức tổ chức các sự kiện lễ hội, bắn pháo hoa, sự kiện đông người. Ngoài ra, cây cầu cũng được xem xét để có chức năng phục vụ người đi xe đạp, xe cứu thương có thể chạy qua trong trường hợp cần thiết.
Giám đốc Sở GTVT TPHCM cũng phân tích, phần việc không thể rút ngắn thời gian trong thực hiện dự án này là thí nghiệm khí động học và thử tải trọng gió. Công trình sẽ được mô phỏng tỷ lệ nhỏ, cần có thời gian khảo sát, thiết kế và làm thí nghiệm.
Sau khi ký thỏa thuận, trong vòng 7 ngày tới, phía tài trợ cho công trình sẽ trình tiến độ tổng thể triển khai dự án để Sở GTVT thống nhất làm cơ sở triển khai. Chậm nhất 60 ngày tiếp theo, công ty sẽ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và thiết kế cơ sở để các đơn vị xem xét, trình cấp có thẩm quyền.
Dự kiến, sau khi ký kết biên bản thỏa thuận, các bên sẽ tiến hành bàn giao mặt bằng và phương án thiết kế. Cây cầu đi bộ hình lá dừa nước, bắc qua sông Sài Gòn cần khởi công chậm nhất là vào ngày 30/4/2025.