Gánh xôi bà xã 10.000 đồng/hộp của cụ ông U70: Hiếm khi đóng cửa vì nhớ vợ
Ẩm thực - Ngày đăng : 12:04, 03/12/2023
Gánh xôi tuổi thơ, giá nào cũng bán
Ở góc đường Tùng Thiện Vương (quận 8), gánh xôi nhỏ của ông Trần Tiên Hin (65 tuổi) không có bảng hiệu cầu kỳ, nhưng vẫn là điểm dừng chân quen thuộc của nhiều thực khách vào buổi sáng.
Vội gạt chống xe, chị Hoa (35 tuổi, ngụ tại quận 8) nói: "Chú ơi, cho con 1 hộp 15.000 và 1 hộp nhỏ 10.000 cho thằng nhóc nha".
Cầm hộp xôi nhỏ đưa cậu nhóc ngồi sau, chị kể mỗi tuần mình thường ghé gánh xôi của ông Hin 2-3 lần.
"Hồi nhỏ, tôi học ở gần đây, sáng nào cũng ăn xôi của cô chú. Giờ con tôi cũng học ở đây nên hai mẹ con tôi lại tiếp tục ăn xôi của chú. Xôi của chú dẻo, thơm, có trứng cút và cải xá bấu ăn kèm, ngon lắm. Tôi ăn từ nhỏ, quen hương vị này rồi, ăn ở đâu cũng không bằng được", bà mẹ trẻ cười nói.
Sau chị Hoa, một anh tài xế xe công nghệ tự nhận mình là "khách ruột" của gánh xôi vui vẻ chia sẻ: "Tôi ăn xôi của chú từ hồi còn bé, giờ lớn rồi vẫn thích hương vị này lắm. Chú bán rẻ, tôi ăn một hộp 15.000 đồng thôi mà chắc bụng chạy xe đến trưa luôn".
Món xôi của ông Hin rất đơn giản, gồm: xôi, trứng cút, cải, chả lụa, một chút mỡ hành và chà bông, rắc thêm một chút đậu phộng nhuyễn lên trên.
"Điều đặc biệt nhất ở món xôi này chính là trứng cút được tôi xào với cải xá bấu theo vị của người Hoa, ít chỗ nào có", ông Hin giới thiệu thêm.
Ông kể, khách của mình rất đa dạng, từ các bạn học sinh đến những anh chị công nhân, người lao động chân tay, hay các ông bà đã nghỉ hưu,... Phần lớn đều là khách quen từ mấy chục năm, có người ăn xôi của ông từ nhỏ đến khi trưởng thành, lập gia đình vẫn dắt con cái đến mua xôi.
"Chắc xôi của tôi vẫn giữ được hương vị thân quen, hợp với khẩu vị của nhiều người nên khách vẫn tiếp tục ủng hộ", ông chủ từ tốn bật mí bí quyết "giữ khách" của mình.
Hiện tại, sau nhiều năm, hàng xôi của ông Hin vẫn giữ giá rẻ, dù vật giá có leo thang.
"Giá nào tôi cũng bán. Mấy cô chú, người lớn thì thường ăn 15.000-20.000 đồng/hộp là no nê, đủ năng lượng cho buổi sáng. Còn mấy em học sinh ít tiền thì mua ít hơn, có mấy đứa cầm 5.000 tới tôi cũng bán luôn. Tôi bán đa dạng giá lắm, để ai cũng đều có thể ăn được", ông Hin chia sẻ.
Gánh xôi "bà xã"
Tuy không bảng hiệu, không thương hiệu, nhưng gánh xôi của ông Hin thường được mọi người xung quanh gọi là gánh xôi "bà xã". Mỗi lần nghe thấy cái tên này, đôi mắt của người đàn ông 65 tuổi lại đượm buồn.
Ông Hin cho biết, trước đây ông mở gánh xôi này ở quận 5. Đến năm 1990, ông cùng vợ chuyển về đường Tùng Thiện Vương sống và lập nghiệp đến nay. Lúc ấy, ông giao gánh xôi lại cho vợ, còn mình làm nghề chạy xe, mỗi người một việc, cùng kiếm sống qua ngày.
Ngập ngừng một hồi lâu, ông kể: "Những vị khách này đều là khách quen của bà xã tôi. Hồi trước, bà xã tôi bán gánh xôi này là chính, lâu lâu thì tôi ra phụ. Cách đây 2 năm, bà ấy không qua khỏi trong đợt dịch Covid-19. Sau này tôi ra đây bán thay. Nhiều lúc mệt lắm nhưng nghĩ đây là kế sinh nhai của gia đình, tôi cũng nhớ vợ nên không nỡ buông".
Từ ngày vợ mất, đều đặn những năm qua, ông Hin vẫn giữ thói quen dậy từ 3h30, một mình lủi thủi chuẩn bị nguyên liệu để 6h đi bán. Người ta hiếm khi thấy gánh xôi của ông vắng bóng nơi góc đường Tùng Thiện Vương.
Ông Hin bộc bạch, nhờ duyên buôn bán của người vợ quá cố mà các khách hàng đều yêu quý và tiếp tục ủng hộ ông.
"Mỗi ngày tôi nấu 10kg nếp để đi bán, bán xong lúc nào thì tôi về lúc đấy. Tôi chỉ mong đủ sống qua ngày là được, không cần lời lãi quá nhiều", ông Hin bộc bạch.
Nhìn nồi xôi vơi dần, ông Hin không khỏi hạnh phúc và biết ơn khi mỗi ngày vẫn còn sức khỏe để lao động kiếm sống, vẫn còn được gắn bó với gánh xôi kỷ niệm của người vợ quá cố, thay bà phục vụ các thực khách suốt bao năm qua.
Bình Minh