Hà Nội có thể tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng nhờ thẻ, vé liên thông
Cuộc sống số - Ngày đăng : 11:41, 01/12/2023
Đây là chia sẻ của Tiến sĩ Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội tại hội thảo Hạ tầng, kết nối trong khuôn khổ Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – Châu Á 2023, chiều 29/11.
Ông Đỗ Việt Hải đã chia sẻ về Đề án xây dựng hệ thống giao thông thông minh tại Thành phố Hà Nội.
Trước đó, ngày 28/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã bấm nút khai trương thí điểm hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức cho giao thông công cộng thành phố.
Hệ thống xe buýt hiện nay của Hà Nội có khoảng hơn 2.000 xe đang hoạt động.
Khi đưa vào sử dụng hệ thống thẻ, vé liên thông, sẽ tiết kiệm chi phí cho 4.000 nhân viên bán vé trên xe buýt, từ đó, ngân sách thành phố ước tính tiết kiệm từ 300 đến 310 tỷ đồng mỗi năm, trong khi chi phí thuê công nghệ thông tin khoảng 60 tỷ đồng.
Như vậy, thẻ, vé liên thông đem lại hiệu quả một năm từ 240 đến 250 tỷ đồng so với số lượng xe buýt hiện nay và sẽ tăng khi giao thông công cộng mở rộng, ông Hải thông tin tại hội nghị.
Đề án xây dựng hệ thống giao thông thông minh tại Hà Nội nhằm đảm bảo bắt kịp xu hướng chung trên thế giới. Lưu lượng, mật độ cũng như phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố rất lớn.
Cụ thể, theo số liệu của Sở GTVT đến tháng 6/2023, tổng số lượng phương tiện cá nhân là 7,96 triệu, trong đó, 6,86 triệu là xe máy và 1,1 triệu ô tô.
Mức độ gia tăng đối với xe máy trung bình 4-5%/năm, ô tô 7-10%/năm. Quỹ đất, hạ tầng dành cho giao thông tại Hà Nội mới đạt 12-13%/diện tích quỹ đất phát triển đô thị.
Theo quy định của Luật quy hoạch xây dựng và quy chuẩn Việt Nam về phát triển đô thị, quỹ đất dành cho giao thông vào khoảng 23-26%.
Mức độ tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị trên địa bàn còn khiêm tốn, tương đương 0,5%/năm. Tình trạng kẹt xe và ô nhiễm môi trường không thể tránh khỏi, đòi hỏi phải có giải pháp kịp thời, bảo đảm hài hòa không thiên lệch nhưng phải thông minh.
Đây là một trong những nhiệm vụ mà Sở GTVT phối hợp với đơn vị tư vấn, đã xây dựng xong đề án giao thông thông minh tại Hà Nội.
Theo ông Hải, thách thức lớn nhất đối với giao thông đô thị Hà Nội hiện nay là ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường; di chuyển chưa thuận tiện; các đơn vị quản lý điều hành giao thông độc lập; dữ liệu giao thông rời rạc, chưa kết nối, đồng bộ.
Từ những thách thức như vậy, Sở xác định ba nội dung chính cần giải quyết trong đề án giao thông thông minh, đó là tăng cường thông tin giao thông; nâng cao hiệu quả quản lý điều hành; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thông minh.
Mục tiêu của đề án là cho ra ba kết quả chính: Quản lý điều hành giao thông an toàn, hiệu quả; giao thông bền vững, phát triển giao thông công cộng; dữ liệu tích hợp, điều hành tập trung.
Trên cơ sở nội dung nói trên, Sở GTVT đã xây dựng khung kiến trúc giao thông thông minh (ITS). Nó là khuôn khổ tổng thể, thể hiện các bộ phận cấu thành chính: Người dùng ITS; phương tiện giao thông thông minh; cơ sở hạ tầng thông minh; trung tâm điều hành. Đề án giao thông thông minh lấy người dân là trung tâm.
Tầm nhìn của Đề án là công nghệ hiện đại, hướng tới con người, thân thiện môi trường. Sứ mệnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, tăng cường thu thập thông tin, xử lý, chia sẻ dữ liệu giao thông lớn, đa nguồn nhằm xây dựng hệ thống giao thông thành phố an toàn, kết nối, bền vững.
Đề án bao gồm ba chiến lược trụ cột: Tăng cường thông tin, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành giao thông, phát triển cơ sở hạ tầng ITS.
Quan điểm của Sở là xúc tiến song song điều hành hai trung tâm: Trung tâm giao thông của CSGT và trung tâm điều hành giao thông Hà Nội. Hai trung tâm này có thể kết nối, chia sẻ dữ liệu với nhau.
Nền tảng của ba trụ cột dựa trên bản đồ số Thành phố Hà Nội; xử lý dữ liệu lớn, đa nguồn; tiêu chuẩn ITS. Đề án được chia làm ba giai đoạn thực hiện: Giai đoạn 1 kiện toàn (2024-2026); giai đoạn 2 hình thành hệ thống ITS hoàn chỉnh (2027-2030); giai đoạn ba phát triển bền vững (2030-2045).
Trong giai đoạn 1, bao gồm các nhiệm vụ xây dựng trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố (hoạt động song song với trung tâm điều hành của cảnh sát giao thông), đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi ITS, kết nối nguồn dữ liệu, thẻ vé liên thông.
Ông Hải chia sẻ, thành phố đã giao Sở GTVT xây dựng khung kỹ thuật chung cho hệ thống camera và phải tích hợp, chia sẻ kênh thông tin dữ liệu theo nhu cầu của các cơ quan ban ngành.
Ví dụ, kênh thông tin chia sẻ cho ngành công an hay an ninh là kênh riêng, và ngành GTVT là kênh riêng.
Với nội dung kết nối nguồn dữ liệu, Hà Nội đã khai trương, thí điểm thẻ vé điện tử liên thông, dùng một thẻ có thể đi tất cả các phương tiện, tiến tới kết hợp cơ sở dữ liệu của căn cước công dân để bảo đảm người dân trên 60 tuổi không phải mang theo thẻ mà chỉ cần sử dụng căn cước.
Các ứng dụng của đề án: Giám sát giao thông, cung cấp thông tin giao thông, quản lý sự cố xe vận tải hành khách quá khổ quá tải.
Sở phải đi từ làm sạch, phân loại, sau đó khai thác, xây dựng ứng dụng và cung cấp thông tin mà người dân có nhu cầu sử dụng.
Quan điểm khi xây dựng đề án giao thông thông minh và chỉ đạo của thành phố Hà Nội là ngân sách nhà nước bỏ ra là tối thiểu và sử dụng nguồn kinh phí ngoài ngân sách để phát triển.
Trong đề án giao thông thông minh, Sở GTVT đã đề xuất khung kiến trúc, mục tiêu chiến lược, lộ trình cụ thể cho việc xây dựng thành phố thông minh.
Tiến sĩ Đỗ Việt Hải nhấn mạnh hệ thống giao thông thông minh không phải là sản phẩm mà là một phương thức quản lý điều hành mới, phát triển liên tục qua các giai đoạn, thời kỳ.
“Cần đầu tư xây dựng hạ tầng hiện đại, xanh, nhưng quan trọng hơn cả là thay đổi tư duy quản lý, công tác quản lý, tổ chức hệ thống giao thông để thực sự thông minh, đi vào đời sống, mang lại hiệu quả tối đa cho người dân, doanh nghiệp”, Phó Giám đốc Sở GTVT kết luận.