Triết lý mới của Man City và nét chấm phá chiến thuật từ Pep Guardiola
Bóng đá quốc tế - Ngày đăng : 07:01, 01/12/2023
Quan điểm thứ nhất, quyết định của ban tổ chức hoàn toàn chuẩn xác. Doku là nhân vật chính bên hành lang trái. Thêm một trận đấu nữa đấu pháp của vị chiến lược gia tài ba Pep Guardiola được thiết lập xoay quanh cầu thủ chạy cánh người Bỉ, sao cho tài năng trẻ này nhận được nhiều bóng nhất có thể.
Và khi có bóng, Doku thường xuyên tạo ra những tình huống sóng gió, đơn cử là 11 tình huống rê bóng trong trận đấu với Liverpool. Hai năm qua, Premier League chưa từng chứng kiến cầu thủ nào cầm bóng đột phá thành công nhiều như vậy.
Quan điểm thứ hai lại trái ngược, Doku không thể là cầu thủ xuất sắc nhất trận. Đúng là cầu thủ chạy cánh này thi đấu bùng nổ như đã nêu, nhưng cũng thường xuyên để mất bóng.
Trong hiệp 1, Liverpool liên tục tổ chức tấn công nhanh sau các tình huống đoạt bóng. The Kop có được những cơ hội lên bóng như vậy chính nhờ Doku liên tục mất bóng sau các nỗ lực vẽ vời tạo đột biến.
Đây là lý do tại sao hai quan điểm đối lập này tạo nên đề tài thật hấp dẫn. Đối với những người cho rằng Doku xuất sắc nhất trận đấu, có lẽ họ chẳng thèm đoái hoài đến các tình huống mất bóng nhỏ nhặt của tài năng trẻ người Bỉ. Doku là cầu thủ chạy cánh được kỳ vọng tạo ra đột biến nhờ khả năng rê dắt, thế nên để mất bóng là điều chấp nhận được.
Góc nhìn này đúng trong đại đa số đội bóng nhưng chỉ trở nên thật thú vị vì đội bóng đang được đề cập là Man City, được dẫn dắt bởi Guardiola, nhà cầm quân tiêu biểu nhất của trường phái kiểm soát. Trong suốt sự nghiệp, vị chiến lược gia người Tây Ban Nha tạo nên hình ảnh một người đàn ông bị ám ảnh bởi sự kiểm soát.
Mọi thứ trên sân, nếu có thể, Pep đều muốn kiểm soát. Từ kiểm soát bóng, kiểm soát thế trận, kiểm soát không gian, kiểm soát con người cho đến các tiểu tiết như chất lượng mặt cỏ. "Điều tôi muốn, khát vọng của tôi, là cầm bóng 100%", Guardiola từng phát biểu như vậy vào năm 2015, thời điểm dẫn dắt Bayern Munich.
Mặc dù giành chiến thắng áp đảo 5-1 trước Arsenal tại Champions League tuy nhiên vị chiến lược gia người Tây Ban Nha thường xuyên "phát rồ" bên đường biên sau các tình huống các học trò dễ dàng để mất bóng.
Ngoài ra, nguyên tắc bất di bất dịch trong quan điểm của Guardiola là trái bóng luôn di chuyển nhanh hơn bất kỳ cầu thủ nào. Thế nên ông luôn đề cao những đường chuyền hơn nỗ lực đột phá cá nhân. Nhưng sau 8 năm, tại Etihad cuối tuần qua, Guardiola từng khao khát kiểm soát bóng đến nghẹt thở lại chẳng hề khó chịu với những gì Doku thể hiện.
Thực tế từ đầu mùa cho đến nay, Doku đã trở thành nhân tố quan trọng trong đội hình Man City, tới mức Guardiola sẵn sàng đẩy lên băng ghế dự bị Jack Grealish, nhân tố chủ chốt trong hành trình chinh phục "cú ăn ba" Premier League, FA Cup và Champions League mùa trước.
Kể cả những trận cầu đinh thường chứng kiến Guardiola thể hiện sự thận trọng tối đa, đơn cử như cuộc đại chiến với Chelsea hay Liverpool, ông vẫn tin dùng tài năng trẻ người Bỉ. Đáp lại là một bàn thắng, 5 kiến tạo cùng hàng chục pha rê bóng mỗi trận.
Doku có thể trở thành ngôi sao sáng tại Ngoại hạng Anh. Tài năng trẻ người Bỉ là mẫu cầu thủ đem lại sự phấn khích cho người hâm mộ bằng những pha xử lý cá nhân. Huyền thoại Thierry Henry, người biết rất rõ Doku khi có thời gian làm việc tại đội tuyển Bỉ từng đánh giá: "Khi bạn đối đầu trực tiếp với cậu ấy, việc duy nhất bạn có thể làm chỉ là cầu nguyện".
Nhận định này phần nào phản ánh khả năng rê dắt của Doku lợi hại như thế nào. Thống kê cũng chỉ ra Doku là cầu thủ rê bóng lợi hại nhất Premier League mùa này. Trung bình 90 phút tài năng trẻ người Bỉ thực hiện 8,43 nỗ lực qua người.
Vài năm trở lại đây dưới sự dẫn dắt của Pep Guardiola, Man City không có kiểu cầu thủ như vậy. Tương phản được thể hiện rõ qua Grealish. Cầu thủ chơi cùng vị trí với Doku chỉ thực hiện 2,48 nỗ lực rê bóng trong 90 phút.
Thế nên, màn thư hùng cuối tuần qua hay rộng hơn là ở mùa giải này, chuyển biến của Man City nằm ở mẫu cầu thủ như Doku. Các học trò của Pep Guardiola vẫn chơi hay trước Liverpool và có lẽ xứng đáng giành chiến thắng. Do đó ít nhất ở thời điểm hiện tại, các nhà ĐKVĐ Premier League lẫn Champions League chưa có thiếu sót nào cần cải thiện.
Câu chuyện được đề cập ở đây là sự tự thay đổi của Guardiola. Vị chiến lược gia người Tây Ban Nha luôn tư duy tìm phát kiến. Đơn cử mùa trước là vị trí trung vệ lai tiền vệ (half-back) của John Stones. Mùa này là sự đánh đổi thời lượng kiểm soát bóng để dành chỗ cho cầu thủ ưa phiêu lưu mạo hiểm như Doku.
Tại Ngoại hạng Anh, Man City vẫn là đội có tỷ lệ kiểm soát bóng cao nhất. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên Pep Guardiola, The Citizens chưa bao giờ cầm bóng ít như mùa này.
Phải chăng Guardiola đang chọn cách tiếp cận trận đấu hỗn loạn hơn, dựa trên việc đưa bóng về phía trước nhanh hơn và kỳ vọng các cầu thủ tấn công tạo ra đột biến trong vòng cấm địa? Câu trả lời vừa có vừa không.
Câu trả lời là có bởi bóng đá đang thay đổi. Guardiola dành cả sự nghiệp kiếm tìm sự kiểm soát nhưng việc các đội bóng ngày càng phát triển khả năng kèm người và tổ chức gây áp lực (pressing) gây ra vấn đề mới.
Chiến thuật định hướng vị trí, hay nôm na chuyền bóng kéo giãn hàng phòng ngự đối phương để xuyên phá của Pep có nguy cơ trở nên dễ đoán nếu các đường chuyền của Man City không tạo ra được khoảng trống. Các nỗ lực đột phá cá nhân có thể tạo ra sự khác biệt.
HLV Unai Emery từng chia sẻ ý kiến về vấn đề này như sau: "Các đội bóng có xu hướng một kèm một gắt gao trên khắp mặt sân khi không có bóng. Điều này khiến các đội cầm bóng phải tìm cách thích ứng. Cách triển khai tấn công sẽ khác nhau khi chạm trán đối thủ sử dụng chiến thuật phòng ngự khu vực và phòng ngự một kèm một".
Mikel Arteta đã áp dụng chiến thuật này và gây bất ngờ cho Guardiola tại FA Cup mùa trước. "Tôi không ngờ đối phương lại chọn cách tiếp cận quả cảm như vậy. Chiến thuật một kèm một đã khiến chúng tôi gặp quá nhiều khó khăn", Guardiola chia sẻ sau trận đấu và chắc chắn không quên bài học xương máu này.
Điều đó có thể đã thúc đẩy vị chiến lược gia người Tây Ban Nha thay đổi quan điểm xây dựng đội hình trong kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa qua. Nhận thức về sự cần thiết của những cầu thủ có khả năng đột phá đã đem đến cơ hội cho Doku tại Etihad.
Một khía cạnh khác, biến động nhân sự buộc Guardiola phải thích ứng với nguy cơ mất kiểm soát thế trận. Đơn cử hiệp 1 trận gặp Liverpool, hoặc trận hòa Chelsea với tỷ số không tưởng 4-4.
Trong trận gặp Liverpool, Guardiola điền vào danh sách dự bị 8 cầu thủ, bao gồm 2 thủ môn, cầu thủ vừa bình phục chấn thương và chưa sẵn sàng ra sân John Stones, 2 hậu vệ, Kalvin Phillips và 2 tài năng trẻ trưởng thành từ học viện.
Không hẳn những cầu thủ này kém cỏi, nhưng không ai trên băng ghế dự bị đủ chất lượng để Pep sẵn sàng triển khai đấu pháp kiểm soát bóng.
Ở đội hình chính, đứng trên "mỏ neo" Rodri là Bernardo Silva, Julian Alvarez, Phil Foden, Erling Haaland và Doku. Hầu hết những cầu thủ này có thiên hướng tấn công, chơi bóng trực diện, với Doku là minh chứng điển hình. Bởi vậy trận đấu không còn chặt chẽ theo hướng kiểm soát.
Nếu không có Bernardo Silva khéo léo tạo ra sự liên kết giữa trung tuyến và tiền tuyến, hiệp đấu đầu tiên có thể còn hỗn loạn hơn nữa. Stones và Grealish chấn thương, Ilkay Gundogan cùng Riyad Mahrez đã chuyển đi, nếu mất luôn Bernardo Silva sẽ ảnh hưởng cực lớn để khả năng kiểm soát của Man City.
Đó là vấn đề liên quan đến nhân sự, các cầu thủ định đoạt cục diện trận đấu. Nếu Grealish thay Doku, Gundogan thay Alvarez, chắc chắn thế trận rất khác. Man City sẽ có nhiều đường chuyền hơn, các đợt lên bóng chậm rãi và có thể kiểm soát thế trận nhiều hơn.
Guardiola thực tế vẫn muốn kiểm soát trận đấu nhiều nhất có thể, nhưng trong tình hình nhân sự hiện tại, ông phải sử dụng những cầu thủ có khả năng tạo cơ hội hơn là cầm bóng.
Các đội hình vị chiến lược gia người Tây Ban Nha sử dụng trước đây luôn hướng tới sự cân bằng. Bản năng tấn công của Kevin De Bruyne được tiết chế bởi tài giữ bóng của David Silva, sau này là Bernardo Silva và Gundogan.
Vấn đề chỉ nảy sinh khi đội hình mất cân đối. Dù không thể phủ nhận De Bruyne là nhà kiến thiết bậc thầy, nhưng không thể nào sử dụng một lúc ba cầu thủ như tiền vệ người Bỉ trong đội hình. Guardiola hay bất cứ chiến lược gia nào khác đều cần một mẫu cầu thủ khác để tạo sự cân bằng.
Tương tự, Silva, Gundogan hay Grealish rất xuất sắc, nhưng họ cần sát cánh với những cầu thủ tạo ra lực đẩy cho hàng công bằng khả năng tạo đột biến. Vì vậy, vấn đề của hiện tại là đội hình Man City đang mất cân đối, có quá nhiều cầu thủ chơi bóng trực diện và đột biến nhưng thiếu người giữ bóng.
Tất nhiên, một nhà cầm quân giỏi là một nhà cầm quân không chỉ tạo dấu ấn triết lý cá nhân mà còn phải biết thích ứng với mọi hoàn cảnh. Guardiola là một nhà cầm quân giỏi. Ông thích ứng với tình hình nhân sự bằng cách tiếp cận trận đấu trực diện hơn, thay vì bảo thủ cầm bóng với những cầu thủ không giỏi giữ bóng.
Một khi những chuyên gia cầm bóng quay trở lại sau chấn thương, Man City sẽ gia giảm tính trực diện và chơi bóng giống trước đây. Nhưng kể cả như vậy, lối tấn công nhanh đã trở thành phương án chiến thuật được các cầu thủ áo xanh sử dụng thành thục và là lựa chọn cho Guardiola sử dụng khi cần.
Về tổng thể, có thể Pep sẽ khai thác khả năng đột phá của Doku theo cách chậm rãi nhưng ổn định và cân bằng hơn. Tương tự cái cách ông đã dung hòa Erling Haaland gần như chỉ chơi bóng một chạm vào đội hình thiên về kiểm soát bóng của Man City ở mùa trước.
Thực tế để lấy chỗ cho Haaland, Guardiola đã chấp nhận mất đi một phần kiểm soát thế trận. Để dễ hình dung, trước đây nhà cầm quân người Tây Ban Nha tung ra 11 cầu thủ đều có khả năng chuyền bóng để áp đảo đối phương về thời gian giữ bóng. Sử dụng tiền đạo người Na Uy, Pep chỉ còn 10 người.
Khi De Bruyne vắng mặt vì chấn thương, Guardiola lại chọn Julian Alvarez, một mẫu cầu thủ chơi bóng trực diện khác. Đồng nghĩa ông chấp nhận không gia cố khả năng cầm bóng. Kết quả là tỷ lệ kiểm soát bóng của Man City từ 68,2% ở mùa giải 2021-22 xuống còn 65,2% ở mùa giải 2022-23.
Đến mùa giải này, với sự hiện diện của Doku, Man City "mất" thêm gần 3% thời lượng kiểm soát bóng nữa, xuống còn 62,5%, như đã đề cập thấp nhất trong kỷ nguyên Pep Guardiola tại Etihad.
Tóm lại, vì sự thay đổi của thời cuộc, từ chiến thuật đến con người, Guardiola đã không còn là Guardiola với khao khát kiểm soát bóng 100%. Nhưng quan trọng nhất, Man City vẫn là cỗ máy hủy diệt đáng sợ.
Điều đó cho thấy vị chiến lược gia người Tây Ban Nha ngày càng lão luyện và tiếp tục tư duy không ngừng. Thế nên ông mới đứng trên đỉnh cao nhất của bóng đá suốt hơn chục năm qua.