Những nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Nhịp sống - Ngày đăng : 16:27, 30/11/2023
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) diễn ra tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào năm 2021, Việt Nam đã tuyên bố đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Tuyên bố này đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đẩy mạnh giảm phát thải khí nhà kính góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu, đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành.
Các địa phương đã tổ chức quán triệt các cam kết tại COP26, tăng cường năng lực, nhận thức của đội ngũ cán bộ và tuyên truyền đến các doanh nghiệp, nhân dân.
Đồng thời triển khai các chiến lược, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; hướng dẫn các cơ sở trên địa bàn thuộc đối tượng phải kiểm kê khí nhà kính xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh.
Nhiều địa phương đã thực hiện các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp; kêu gọi đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió trên địa bàn.
Các địa phương có biển đã tiến hành giao các khu vực biển để thực hiện các dự án điện gió gần bờ theo thẩm quyền như Cà Mau có 8 dự án, 3 dự án, Trà Vinh 5 dự án, Sóc Trăng 3 dự án, Bến Tre 4 dự án, Tiền Giang có một dự án.
Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)… đã rà soát, đề xuất sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật và cập nhật, bổ sung cơ chế chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển của từng ngành, lĩnh vực phù hợp với cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan trong các hoạt động và đầu tư, cải tiến công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải…
Tại Hội nghị COP27 diễn ra tại Ai Cập vào tháng 11/2022, Việt Nam một lần nữa tái khẳng định cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 và thể hiện rõ nỗ lực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Việt Nam khẳng định, chuyển đổi năng lượng là yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công quá trình chuyển đổi năng lượng, đảm bảo giá thành hợp lý cho tất cả mọi người có thể tiếp cận.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tiếp nối thành công từ Hội nghị COP26, COP27, Hội nghị COP28 tổ chức tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) từ ngày 30/11-12/12 sắp tới sẽ là cơ hội để Việt Nam thể hiện cho các nước thấy những cố gắng của mình trong thời gian qua về thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời tiếp tục huy động nguồn lực, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế nhằm triển khai thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng "0" trong thời gian tới.
"COP28 diễn ra vào thời điểm then chốt cho hành động của toàn cầu về chống biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng cao kỷ lục và tác động nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan như cháy rừng, lũ lụt, bão và hạn hán trên toàn thế giới đang khiến việc giải quyết các vấn đề khí hậu ngày càng trở nên cấp bách", Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.
Trong khuôn khổ COP28, Hội nghị Thượng đỉnh hành động vì khí hậu sẽ được tổ chức trong hai ngày (1-2/12), với sự tham dự của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn, đại diện các khu vực và nguyên thủ các nước. Đây là diễn đàn để các quốc gia đưa ra những cam kết, hành động mới mạnh mẽ hơn trong đóng góp về tài chính, công nghệ, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới thực hiện mục tiêu Thỏa thuận Paris.