Biến cố cướp đi cơ hội đứng lớp của thầy giáo trẻ, mẹ già ước 'đây là giấc mơ'
Nhịp sống - Ngày đăng : 16:15, 30/11/2023
“Chỉ cần con còn sống, không mong có thể nuôi mẹ. Mẹ sẽ chăm con đến khi mẹ chết", bà Trần Thị Toan (Lạng Sơn) thì thào bên tai con trai Trần Văn Sơn (25 tuổi) đang hôn mê tại khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.
Người mẹ 74 tuổi hai mắt đẫm lệ, đã 5 ngày từ hôm con trai gặp tai nạn, bà chưa đêm nào chợp mắt. “Bác sĩ nói Sơn vẫn chưa qua cơn nguy hiểm, tính mạng có thể nguy hiểm bất kỳ lúc nào”, bà Toan nghẹn giọng.
Hôm 24/11, đang dọn dẹp nhà thì bà thấy bạn của Sơn giọng hoảng hốt kêu con bị tai nạn đang cấp cứu ở Hữu Lũng.
Tay chân run lẩy bẩy, tiếng bạn Sơn giục lấy quần áo để lên viện văng vẳng bên tai, nhưng chân bà không nhấc lên nổi. 10 phút sau ổn định lại tinh thần, bà mới nhờ hàng xóm gấp hộ vài bộ quần áo rồi bắt taxi ra chỗ con trai.
Dọc đường đi người mẹ thầm cầu nguyện con chỉ bị tai nạn nhẹ, nhưng đến nơi bác sĩ yêu cầu chuyển cấp cứu lên Hà Nội. Ca phẫu thuật giành giật sự sống của anh tại Bệnh viện Việt Đức kéo dài vài giờ đồng hồ.
Đứng ngồi không yên trước phòng phẫu thuật, bà Toan ước đây chỉ là giấc mơ. Mới hôm trước, con trai còn gọi báo với bà được nhà trường đồng ý ký biên chế, sắp trở thành giáo viên chính thức. Sơn hẹn với mẹ cuối tuần sẽ về nhà liên hoan, vậy mà chưa kịp vui mừng lại phải đứng trước cảnh có thể mất con mãi mãi.
Ánh đèn phòng phẫu thuật vụt tắt, bác sĩ thông báo Sơn giữ được tính mạng nhưng như chấn thương nặng nên vẫn hôn mê sâu.
"Tôi là mẹ đơn thân, chẳng có thêm con cái nào, anh chị em họ đều ở xa, nên chỉ biết lủi thủi chăm con", người phụ nữ 74 tuổi nói.
Bà Toan quê gốc Thái Bình, lên Lạng Sơn làm văn thư ở nông trường chè cách đây 50 năm. Thời đó, nông trường chè chỉ toàn con gái, được vài người đàn ông, nên gần phân nửa phụ nữ ở nông trường không lập gia đình, bà Toan cũng nằm trong số đó.
"Lúc đấy có người hỏi cưới, nhưng họ không nghiện rượu thì cũng có một đời vợ, có con. Nghĩ cảnh mẹ ghẻ con chồng, hay chồng rượu chè rồi đánh đập tôi không dám kết hôn", bà Toan nói và cho biết để lúc về già có người bầu bạn bà quyết định "xin" đứa con, làm mẹ đơn thân.
Sinh con ở tuổi 49, anh Sơn là hy vọng duy nhất, niềm tự hào của bà. Sơn lớn lên ngoan ngoãn nghe lời mẹ, luôn phụ bà trong mọi công việc. Có con, bà Toan cũng đến tuổi nghỉ hưu, về nhận chăm sóc 500 m2 đồi chè để lấy tiền sinh sống.
6 năm trước Sơn thi đậu vào trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, khoa Sư phạm Hoá. Do nhà có sổ hộ nghèo nên mỗi năm được vay 12 triệu để đóng học phí, số tiền này mới được Sơn trả hết khi đi làm.
Năm 2020, Sơn tốt nghiệp đại học, gặp đúng thời điểm COVID-19, không xin được làm giáo viên nên phải lên Hà Nội làm thuê, lúc bốc vác, khi làm xe ôm, tháng nào cũng chắt bóp gửi về cho mẹ 1 - 2 triệu.
Cuối năm 2021 đọc được thông tin tuyển giáo viên chính quy trong tỉnh, cậu trở về đăng ký dự thi. Tháng 8 năm đó, Sơn dự thi làm giáo viên tại huyện Hữu Lũng với mong muốn về gần nhà chăm sóc mẹ, nhưng không may trượt.
Tháng 9 cùng năm, bạn bè giới thiệu THCS Na Dương huyện Lộc Bình tuyển giáo viên, anh tiếp tục dự thi và may mắn lần đã đến. Sơn được nhận vào làm giáo viên dạy môn Hoá tại đây, hai mẹ con ôm nhau hò reo giữa đồi chè. Bà luôn hãnh diện khi có con trai làm giáo viên vì đây cũng là nghề mà bà từng ước ao bấy lâu nhưng do không có điều kiện theo học.
Sơn đi làm tại trường cấp 2 Na Dương dưới hình thức hợp đồng, lương 4 triệu đồng/tháng. Sau gần một năm nỗ lực, anh được nhận chính thức. Nhà trường báo thiếu chứng chỉ nghề để hoàn thiện hồ sơ bổ nhiệm giáo viên, Sơn quay về trường đại học ở Thái Nguyên để xin lại chứng chỉ, trên đường về thì gặp tai nạn.
Từ hôm Sơn nhập viện bà Toan đóng 30 triệu viện phí, dốc toàn bộ vốn liếng trong nhà vẫn chưa đủ. Về hưu 25 năm, mỗi ngày nuôi con gà, con vịt, trồng cây rau ăn, bác sĩ báo chi phí lên tới hàng trăm triệu người mẹ già chẳng biết xoay xở ở đâu.
"Hôm Sơn cấp cứu, nông trường chè mỗi người góp nhặt cho vay 1, 2 triệu đồng đều mua thuốc hết", bà Toan nói và cho biết, tiền cứu con chưa lo được, lại nhận thêm thông tin dù Sơn tỉnh lại cũng không còn khả năng làm giáo viên khiến bà càng thêm suy sụp.
Bác sĩ Đỗ Xuân Trường - khoa Cấp cứu, Khám chữa bệnh - Bệnh viện Việt Đức cho biết, Sơn vào viện trong tình trạng đa chấn thương, chấn thương sọ não nặng, dập phổi hai bên, hôn mê sâu, phải thở máy, hồi sức tích cực.
Hiện người bệnh vẫn trong cơn nguy hiểm, tiên lượng nặng, chi phí điều kiện cực kỳ tốn kém. Dù Sơn có bảo hiểm, nhưng do chấn thương nặng nên phải dùng nhiều loại thuốc, máy móc kỹ thuật cao bảo hiểm không chi trả.
"Đây là gánh nặng lớn với gia đình bệnh nhân, khi chỉ có mẹ già, bản thân anh Sơn nếu cứu sống được cũng không còn khả năng lao động, cuộc sống sẽ phụ thuộc vào mẹ già 74 tuổi", bác sĩ Trường nói.
Mọi sự giúp đỡ của quý độc giả cho anh Trần Văn Sơn xin gửi về số tài khoản 0021.0002.48991, Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội.
Nội dung xin ghi rõ: Giúp đỡ 23015 hoặc quét mã QR code.
Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được VTC News chuyển đến cho nhân vật sớm nhất.
Quý độc giả biết những hoàn cảnh khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ, xin hãy thông tin cho chúng tôi theo địa chỉ email t[email protected] hoặc gọi điện đến đường dây nóng 0855.911.911.