Ngân hàng hút thêm 33 tỷ USD, ông lớn bất động sản xoay trả nợ từng đồng
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 08:07, 30/11/2023
Ông lớn bất động sản chắt chiu trả nợ
Ngày 28/11, CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) công bố thông tin về việc chậm thanh toán khoản lãi đến hạn gần 107 tỷ đồng cho một lô trái phiếu có tổng trị giá 2.000 tỷ đồng.
Theo các điều khoản, nếu tiếp tục chậm thanh toán, Trung Nam sẽ phải thanh toán bổ sung cho các trái chủ số tiền phạt 10%/năm trên số dư lãi chậm trả.
Đây là lô trái phiếu được phát hành vào ngày 18/5/2021, kỳ hạn 3 năm. Lãi suất cho năm đầu tiên cố định ở mức 9,5%/năm, từ năm thứ hai trở đi sẽ áp dụng lãi suất thả nổi bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm 3,5%. Chứng khoán VNDirect (VND) là tổ chức bảo lãnh phát hành và đại diện người sở hữu của lô trái phiếu trên.
Đây là 1 trong 3 lô trái phiếu sẽ đến hạn thanh toán trong năm 2024 của Trung Nam. Gần đây, Trung Nam Group có kế hoạch mua lại một lô, cũng có trị giá 2.000 tỷ đồng và do Chứng khoán VNDirect làm đại diện sở hữu trái phiếu và lưu ký.
Tính tới cuối năm 2022, Trung Nam Group có vốn chủ sở hữu đạt hơn 27.900 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả lên tới hơn 68.100 tỷ đồng (tương đương gần 2,8 tỷ USD). Tổng nợ trái phiếu khoảng 24.270 tỷ đồng.
Trước đó, theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), khó khăn về tài chính khiến Trung Nam đã không thanh toán được một số lô trái phiếu đáo hạn trong năm 2023.
Trung Nam Group được biết đến là một doanh nghiệp đi lên từ mảng xây dựng hạ tầng, sau đó đầu tư vào mảng bất động sản và thủy điện, gần đây là lĩnh vực năng lượng tái tạo với hàng loạt các dự án điện mặt trời, điện gió. Một số dự án lớn như điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (Bình Thuận/Ninh Thuận), điện gió Ea Nam, điện gió Trung Nam - Trà Vinh…
Trong năm 2022, Trung Nam ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh, chỉ còn vài trăm tỷ đồng.
Các số liệu cho thấy, tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp này còn nhiều khó khăn. Khoản 107 tỷ đồng lãi trái phiếu chậm trả tiếp tục gây sức ép lên DN lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo này.
Cũng trong ngày 28/11, HNX thông báo về việc ông lớn bất động sản Novaland (NVL) trả thêm hơn 1 tỷ đồng cho trái chủ lô trái phiếu NVLH2123009 quá hạn nhưng không bằng tiền mặt mà bằng quyền tài sản phát sinh từ khoản phải thu. Tổng lô trái phiếu có trị giá 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn vào 12/2/2023. Hiện giá trị lưu hành còn gần 793 tỷ đồng.
Gần đây, Novaland tiếp tục dùng bất động sản để thanh toán nợ quá hạn cho một số lô trái phiếu.
Novaland cũng thanh toán thêm một phần cho lô NVLH2123011 và dư nợ lô này còn 936 tỷ đồng, trong tổng giá trị phát hành ban đầu 1.000 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu kỳ hạn 2 năm và đáo hạn vào 1/9/2023.
Chờ dòng tiền lưu thông
Không chỉ Novaland và Trung Nam, một loạt ông lớn bất động sản khác cũng chậm trả gốc, lãi trái phiếu. Tập đoàn Hưng Thịnh và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của mình như Hưng Thịnh Land, Hưng Thịnh Quy Nhơn cũng cho biết chưa thu xếp kịp nguồn tiền để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đúng hạn so với kế hoạch do thị trường tài chính, thị trường giao dịch bất động sản diễn biến không thuận lợi.
Cho tới gần cuối tháng 11, theo Chứng khoán MB (MBS), ước tính có khoảng 100 doanh nghiệp thông báo về việc chậm, hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu, với tổng trị giá khoảng 192 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 19% dư nợ TPDN của toàn thị trường. Nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn với khoảng 70% giá trị chậm trả.
Trong khi các ông lớn bất động sản vẫn chìm ngập trong khó khăn và nợ nần, dòng tiền của các ngân hàng cũng bị ứ thừa. Thanh khoản trên hệ thống ngân hàng rất dồi dào với lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng liên tục ở mức thấp kỷ lục, chỉ từ 0,14-0,16% trong hơn tuần qua.
Dòng tiền gửi vào ngân hàng vẫn rất lớn dù lãi suất huy động xuống chỉ còn 3-5%/năm.
Theo Ngân hàng Nhà nước, dù lãi suất thấp kỷ lục nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn gửi gần 12,7 triệu tỷ vào ngân hàng.
Tới cuối tháng 9, người dân gửi thêm hơn 538.000 tỷ đồng (khoảng 22 tỷ USD), tương đương mức tăng 9,95% so với cuối năm 2022. Còn các tổ chức gửi thêm gần 277.000 tỷ đồng (khoảng 11 tỷ USD), tăng 4,65% so với cuối năm ngoái.
Lượng tiền gửi ngân hàng tăng mạnh và lên mức cao kỷ lục phần nào cho thấy dòng tiền vẫn ưu tiên chảy vào kênh tiết kiệm, thay vì đổ vào các kênh khác, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán và hoạt động sản xuất kinh doanh…
Những vụ sai phạm trái phiếu tại Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh… vẫn ảnh hưởng tới kênh huy động vốn này. Bên cạnh đó, sự trầm lắng của thị trường bất động sản cũng kéo chậm sự hồi phục của các doanh nghiệp địa ốc.
Dù vậy, trên thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu bất động sản, trong đó có Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM), Novaland (NVL), DIC Corp. (DIG), Phát Đạt (PDR)… có xu hướng hồi phục trong thời gian gần đây. Cổ phiếu Novaland tăng từ 13.300 đồng lên 17.900 đồng trong tháng 11. DIG tăng từ 20.000 đồng lên 24.600 đồng/cp (tới sáng 29/11)…
Sự hồi phục của nhiều cổ phiếu bất động sản cho thấy giới đầu tư có đánh giá tích cực hơn đối với nhóm này. Quá trình tái cơ cấu nợ đang được đẩy mạnh.
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua hôm 27/11 có quy định chặt chẽ hơn với nhiều thông tin yêu cầu phải được công bố công khai. Tuy nhiên, luật được đánh giá sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn dễ bán hàng hơn khi vấn đề pháp lý được giải quyết. Thủ tục pháp lý để giao dịch sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn.
Hơn thế, thị trường bất động sản cũng được đánh giá sẽ được hỗ trợ từ một nền kinh tế tích cực hơn. Một số tín hiệu gần đây cho thấy kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục hồi phục trên diện rộng. Vốn FDI giải ngân đạt 20,5 tỷ USD, cao nhất mọi thời đại. Chỉ số công nghiệp IIP trong tháng 11 tăng 5,8% so với cùng kỳ. Doanh số bán lẻ bắt đầu tăng trở lại. Khách du lịch trong 11 tháng đạt 11,2 triệu lượt, tăng 3,8 lần so với cùng kỳ. Xuất khẩu tiếp tục hồi phục mạnh, trong khi lạm phát được kiểm soát dưới 4%...
Với xu hướng này, Ngân hàng Nhà nước có dư địa để tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng. Dòng tiền được kỳ vọng sẽ chảy mạnh hơn vào nền kinh tế, trong đó có bất động sản.