Giá cước vận chuyển thương mại điện tử nên để thị trường quyết định
Cuộc sống số - Ngày đăng : 17:25, 29/11/2023
Bên cạnh câu chuyện sàn thương mại điện tử (TMĐT) chỉ định đơn vị vận chuyển, một chủ đề khác được các doanh nghiệp bàn luận sôi nổi trong diễn đàn doanh nghiệp bưu chính năm 2023 với chủ đề “cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững thị trường bưu chính”, lần đầu tiên được Bộ TT&TT tổ chức ngày 27/11 tại TP.HCM, đó là cạnh tranh về giá cước vận chuyển và liệu có nên quy định về giá sàn hay không?
Đề xuất đưa ra giá sàn vận chuyển trong TMĐT
Theo ông Nguyễn Đắc Luân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bưu chính, với việc nở rộ gần 800 doanh nghiệp bưu chính đang hoạt động ở Việt Nam hiện nay, trong đó có các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư đang chiếm thị phần lớn, đã tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường dẫn đến việc giảm giá xảy ra thường xuyên, các chương trình khuyến mại với giá giảm rất sâu, có cả hiện tượng giảm trọng lượng để giảm giá bán. Đồng thời, pháp luật chưa quy định khung giá thấp nhất cho hoạt động bưu chính, trong đó có hoạt động chuyển phát TMĐT.
Giá cước dịch vụ bưu chính trên thị trường của một số doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài thấp hơn giá thành của các doanh nghiệp bưu chính có mạng lưới lớn trong nước.
Việc mất cân bằng về giá dịch vụ giữa doanh nghiệp bưu chính trong nước và nước ngoài gây ra không ít hệ lụy, trong đó có thể kể đến nguy cơ thị phần bưu chính trong nước sẽ bị thâu tóm. Sự bắt tay của các sàn TMĐT và các hãng chuyển phát nước ngoài có thể dẫn đến nguy cơ thị trường bị thống lĩnh cả về mặt hàng hóa lẫn dịch vụ hậu cần.
Bà Hà Thị Hoà, Trưởng ban Dịch vụ Bưu chính của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) cũng cho rằng, đang có sự cạnh tranh không lành mạnh về giá cước vận chuyển TMĐT trong lĩnh vực bưu chính. Theo đó, chính sách giá bán trên thị trường của một số doanh nghiệp bưu chính có yếu tố nước ngoài thấp hơn giá thành của các doanh nghiệp Bưu chính có mạng lưới lớn như Vietnam Post, ViettelPost. Điều này khiến doanh nghiệp trong nước phải liên tục giảm giá cước và khiến cho tỉ suất lợi nhuận của ngành này rất thấp, chỉ khoảng 3%.
Trước các vấn đề trên và tham khảo chính sách quản lý từ các thị trường khác nhau, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Ninjavan cho rằng, để tạo nên tính bền vững lâu dài của giao hàng ở lĩnh vực TMĐT, cần xác lập cơ chế giá sàn để giúp ngăn chặn cuộc chiến về giá giành thị phần.
Giá cước vận chuyển nên để thị trường quyết định
Với đề xuất đưa ra giá sàn, đại diện J&T Express cho biết, đây là vấn đề cần phải cân nhắc, bởi liệu việc này có bảo vệ được người tiêu dùng hay không. Hiện nay, cơ cấu giá thành vận chuyển trong lĩnh vực TMĐT đang giảm rất nhanh 10-20%/năm, thậm chí Trung Quốc giảm 30%/năm, vì vậy, đưa ra giá sàn từ cơ quan nhà nước xuống nhiều khả năng sẽ không theo kịp so với tốc độ giảm giá thành của thị trường.
Ông Lê Thanh Hoài, sáng lập kiêm CEO của SuperShip cũng cho rằng, nếu quy định về giá thấp nhất sẽ vi phạm nội dung về luật cạnh tranh. Chính vì thế, theo ông, nên để thị trường quyết định đơn vị nào tốt hơn, tối ưu hơn, thì người dùng sẽ chọn và điều đó sẽ tạo sự công khai và minh bạch hơn.
Một vấn đề khiến đại diện Giao Hàng Nhanh lo ngại là việc áp dụng giá sàn sẽ rất khó cho các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. Bởi khi gia nhập thị trường, các đơn vị vận chuyển đầu tiên phải lấy được sản lượng và để làm được điều đó, phải có mức giá tốt nhằm lấy được khách hàng. Còn thực tế về lâu dài sẽ phụ thuộc vào năng lực của doanh nghiệp chứ không phải về giá, sau vài năm không đáp ứng được thì họ sẽ phải cân nhắc lại.
Theo ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Logistics, Lazada Việt Nam, có một thực tế ở lĩnh vực vận chuyển TMĐT khác với các lĩnh vực khác, đó là nếu như ở các lĩnh vực khác nhanh, rẻ và tốt ít khi đi cùng nhau, thì trong TMĐT phải thực hiện được việc này. Chính vì thế, giá thành cạnh tranh ở đây được quyết định ở quy trình vận hành, sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại như áp dụng tự động hoá, trí tuệ nhân tạo để tối ưu hiệu suất, hay đào tạo đội ngũ chất lượng. Khi doanh nghiệp tối ưu vận hành tốt nhất sẽ tạo ra ưu thế cạnh tranh về giá và đây là điều mà các doanh nghiệp vận chuyển cần hướng tới.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Kim Anh, Giám đốc SPX Express (đơn vị vận chuyển thuộc Shopee), cũng cho rằng, trong ngành Logistics thì chỉ có 2 vấn đề là chất lượng dịch vụ và chi phí. Hai thứ này không phải đi đối trọng với nhau, tức là chất lượng cao chi phí cao, chất lượng thấp thì chi phí thấp mà vẫn có trường hợp chi phí tốt mà chất lượng cũng tốt, và đây là điều Shopee mong muốn các doanh nghiệp vận chuyển trong nước cùng hướng đến.
Xung quanh câu chuyện giá vận chuyển trong lĩnh vực TMĐT, ông Ngô Đức Minh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết, giá dịch vụ hợp lý cho người tiêu dùng luôn được khuyến khích. Tuy nhiên, người tiêu dùng được thụ hưởng giá tốt thì phải là cạnh tranh một cách lành mạnh. Với lĩnh vực bưu chính hạ nguồn là TMĐT đang có trường hợp đặc biệt là người tiêu dùng thích ngon, bổ và rẻ, trong thời gian qua, bưu chính có câu chuyện sản phẩm đáp ứng được nhu cầu như vậy.
Theo ông Ngô Đức Minh, các vấn đề cạnh tranh mà các doanh nghiệp đặt ra tại diễn đàn trong luật cạnh tranh đã quy định rất rõ. Ở đây câu chuyện cạnh tranh về giá không bao giờ tốt, quy định một giá nào đó chưa chắc khả thi, nhiều nước trên thế giới hiện nay đang để thị trường tự phát triển.