Hành trình giải cứu 41 công nhân mắc kẹt 16 ngày dưới hầm ở Ấn Độ
Đối ngoại - Ngày đăng : 14:29, 29/11/2023
Theo thông tin của giới chức Ấn Độ ngày 28/11 (giờ địa phương), các nỗ lực giải cứu 41 công nhân bị mắc kẹt 16 ngày trong vụ sập hầm ở Uttarkashi, phía Bắc bang Uttarakhand đã thành công. Các công nhân đã được đưa ra khỏi đường hầm trên cáng thông một ống thép rộng 90cm.
Các nhân viên cứu hộ đã đào một đường hầm sâu hơn 55m ở khu vực vụ sập hầm và đưa các công nhân ra ngoài thông quá một ống thép rộng 90cm. Hành trình giải cứu những công nhân mắc kẹt này đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Vụ sập hầm xảy ra thế nào?
Vụ sập hầm xảy ra tại Uttarkashi vào ngày 12/11. Sự cố khiến 41 công nhân bị mắc kẹt trong một đoạn đường hầm dài khoảng 4,5km. Theo thông tin từ nhà chức trách, hầu hết các công này đến từ các bang miền Bắc và miền Đông Ấn Độ, chỉ có 2 người trong số đó là người dân địa phương.
Một ngày sau vụ sập hầm, lực lượng cứu hộ thành công liên lạc được với 41 công nhân mắc kẹt. Giới chức ngay sau đó lên kế hoạch giải cứu bao gồm nỗ lực đào một đường hầm để tiếp cận vị trí của các công nhân.
Công trình xảy ra vụ tai nạn có tên là Đường hầm Silkyara Bend-Barkot, được xây dựng trong khuôn khổ dự án hành hương Char Dham của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Công trình nằm giữa Silkyara và Dandalgaon, nối liền bốn địa điểm hành hương quan trọng của đạo Hindu. Chi phí cho dự án đường hai chiều lên tới 1,5 triệu USD.
Các nhà chức trách Ấn Độ hiện chưa tiết lộ nguyên nhân vụ sập đường hầm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết khu vực này thường xuyên xảy ra lở đất, động đất và lũ lụt.
Trao đổi với hãng tin Al Jazeera, nhà địa chất Rajendran cho biết vụ sập hầm này không phải vụ việc mới mà từng không ít lần xảy ra trong quá trình xây dựng đường hoặc đào hầm ở những khu vực địa hình tương tự. “Chúng tôi liên tục chứng kiến hết thảm họa này đến thảm họa khác”.
Chính phủ Ấn Độ cho biết đã sử dụng các kỹ thuật xây dựng thân thiện với môi trường để tăng cường chất lượng về mặt địa và đảm bảo an toàn cho khu vực này. Tuy nhiên vẫn có những tai nạn đáng tiếc như trên xảy ra.
Sau vụ việc, Chính phủ Ấn Độ đã lệnh cho Cơ quan Đường cao tốc Quốc gia kiểm tra 29 đường hầm đang thi công trên khắp nước này.
Các công nhân đã làm gì để sống sót?
Sau khi vụ sập hầm xảy ra, lực lượng chức năng đã lắp đặt một đường ống để vận chuyển thực phẩm, nước, cung cấp oxy, thuốc men, ánh sáng và bộ đàm liên lạc cho những người trong hầm. Thông qua đường ống này, lực lượng cứu hộ từ bên ngoài đã đưa trái cây sấy khô và các loại hạt vào đường hầm, hỗ trợ các công nhân duy trì sự sống.
Tiếp đó, vào tuần trước, một đường ống mới rộng hơn cũng đã được thiết lập để gửi các loại thực phẩm khác như gạo, đậu lăng, đậu nành và đậu Hà Lan cho các công nhân mắc kẹt.
Ông Prem Pokhriyal, một bác sĩ tham gia nỗ lực giải cứu, chia sẻ với Reuters: “Họ cần cả những viên vitamin C dạng nhai và đã nhận được chúng. Tính đến thời điểm hiện tại, mọi người đều có vẻ khỏe mạnh và ổn định”.
Một trạm y tế nhỏ với sức chứa khoảng 6 giường bệnh đã được thành lập gần đường hầm và các bệnh viện trong khu vực đang túc trực sẵn sàng để hỗ trợ quá trình giải cứu các công nhân. 15 bác sĩ và 40 xe cứu thương cũng đã được điều động tới khu vực để hỗ trợ. Một vài công nhân cho biết họ có các triệu chứng đau buồn nôn, kiết lỵ và đã được cung cấp thuốc kịp thời.
Abhishek Sharma, bác sĩ khoa tâm thần tham gia quá trình giải cứu, khuyên 41 công nhân trong lúc bị mắc kẹt nên vận động, đi bộ trong khu vực có thể, tranh thủ ngủ nghỉ đầy đủ, tập yoga nhẹ và thường xuyên nói chuyện với nhau để tránh hoang mang.
Arnold Dix, chủ tịch Hiệp hội Không gian và Đường hầm Quốc tế, người từng cố vấn cho đội cứu hộ, nói với các phóng viên rằng một trong những yếu tố quan trọng giúp các công nhân sống sót là họ duy trì tinh thần tích cực và lạc quan. Ông cho biết thêm rằng họ đã “chơi cricket” cùng nhau trong thời gian bị mắc kẹt.
Ngoài ra, lực lượng cứu hộ cũng gửi cho các công nhân một camera nội soi để họ có thể cập nhật tình hình bên trong khu vực sập hầm. Nhờ vậy, lực lượng cứu hộ có thể theo dõi tình hình của các công nhân và xác định danh tính từng người gặp nạn.
Nỗ lực 24/7
Một nhóm 15 người đến từ Lực lượng ứng phó thảm họa quốc gia Ấn Độ (NDRF) dẫn đầu nỗ lực giải cứu 41 công nhân mắc kẹt. Ngoài ra, khoảng 80 cảnh sát, 20 quan chức cứu hỏa và 60 quan chức quản lý thảm họa cũng than gia vào hoạt động cứu hộ này.
Các máy xúc và máy móc hạng nặng đã được triển khai từ địa phương lân cận và cả thủ đô New Delhi tới khu vực xảy ra sự cố sập hầm để đào bớt đất đá, hỗ trợ lực lượng cứu hộ tiếp cận các nạn nhân.
Tuy nhiên, quá trình này gặp nhiều trở ngại do các tảng đá lớn, các cột bê tông và nguy cơ sụt lún có thể tiếp tục xảy ra bên trong hầm. Ngoài ra, các kỹ sư cũng phải có mặt để sửa chữa hoặc thay các máy khoan trong trường hợp có sự cố xảy ra.
Các kỹ sư quân sự đã tham gia đào đất bằng tay trong khoảng 9m cách vị trí các công nhân mắc kẹt để tránh các tình huống sạt lở không mong muốn do máy móc hạng nặng.
Sau 16 ngày nỗ lực, vào ngày 28/11, các công nhân đã được đưa ra khỏi đường hầm trên cáng thông một ống thép rộng 90cm. Giai đoạn cuối cùng của chiến dịch cứu hộ khó khăn này được hoàn thành trong khoảng 1 giờ đồng hồ.
Chia sẻ về kỳ tích, một trong những nhân viên cứu hộ tên Devender, cho biết: “Những công nhân bị mắc kẹt đã vui mừng khôn xiết khi nhìn thấy chúng tôi trong đường hầm. Một số người lao về phía tôi và ôm lấy tôi.”
Một nhân viên cứu hộ khác tên Vakil cho biết thêm: “Chúng tôi quyết định sẽ làm việc 24/7 và không rời đi cho đến khi đưa được tất cả họ ra ngoài”.