Bỏ giấy chuyển tuyến có thể tiện nhưng sẽ gây thiệt hại cho người bệnh
Tin Y tế - Ngày đăng : 09:48, 28/11/2023
Mới đây, trên nghị trường Quốc hội có đại biểu dẫn kiến nghị cử tri về việc sớm bãi bỏ giấy chuyển viện. Là bác sĩ tuyến trên, ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?
- Quy định hiện nay, bệnh nhân điều trị ở bệnh viện tuyến huyện, tỉnh muốn chuyển lên Trung ương phải xin giấy chuyển viện. Giấy chuyển tuyến là công cụ giá trị để giữ vững hệ thống y tế và phân tuyến kỹ thuật. Nếu bỏ giấy, để bệnh nhân tự đăng ký ở bất cứ cơ sở nào. Việc bỏ phân tuyến BHYT, bỏ giấy chuyển tuyến, trước mắt bệnh viện tuyến trên hưởng lợi vì bệnh nhân “đổ” hết lên tuyến trên, nhưng về lâu dài sẽ phá vỡ hệ thống y tế. Lý do là bởi tâm lý của người dân, cử tri, thậm chí người thân của tôi cũng luôn mong muốn được khám chữa bệnh ở tuyến trên, bất kể bệnh nặng hay nhẹ.
Sở dĩ cần phân tuyến, cần giấy chuyển viện là vì kết cấu y tế của Việt Nam rất tốt. Gồm trạm y tế xã, len lỏi các bản làng có y tế thôn bản; sau đó là y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến Trung ương. Do vậy, vấn đề bây giờ cần phải làm thế nào để phát huy hết khả năng của từng kết cấu hệ thống y tế.
Nếu bỏ chuyển tuyến sẽ xảy ra vấn đề bệnh nhân thay vì bệnh đó vào trạm y tế xã hoàn toàn có khả năng điều trị được lại đi thẳng lên tuyến Trung ương dẫn theo nhiều hệ luỵ.
Thứ nhất, về mặt kinh tế, người bệnh muốn lên tuyến trên khám chữa bệnh phải thuê xe, cần người đưa đi, thuê khách sạn… điều này rất tốn kém. Thứ hai, có nhiều trường hợp, lên tuyến trên nhưng thuốc điều trị không phù hợp với tình trạng bệnh nhân.
Người dân thường có tâm lý lên bệnh viện tuyến Trung ương vì niềm tin vào cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ thầy thuốc. Nếu bỏ giấy chuyển tuyến, bệnh viện tuyến trên có đáp ứng được yêu cầu về khám chữa bệnh không, thưa ông?
- Tôi cho rằng, nếu người bệnh đều đổ dồn lên tuyến trên hết, hệ thống y tế cơ sở càng ngày càng không có người bệnh, chuyên môn y bác sĩ sẽ "ngày càng thui chột", dần dần bị triệt tiêu. Trong khi tuyến trên quá tải, nguy cơ vỡ trận, không thể phục vụ bệnh nhân hiệu quả. Khi bỏ giấy chuyển tuyến BHYT chỉ có lợi ích cho một cá nhân, ở một thời điểm nhất định. Nếu ra chính sách bỏ giấy chuyển tuyến sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ: Triệt tiêu y tế cơ sở, phá vỡ y tế tuyến Trung ương, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội và an sinh.
Bỏ phân tuyến còn gây hệ lụy đến nguồn quỹ bảo hiểm. Ví dụ, bệnh nhân bị viêm dạ dày, có thể điều trị rất tốt ở bệnh viện hạng một, song lại đến tuyến Trung ương. Chi phí điều trị ở bệnh viện hạng đặc biệt chắc chắn sẽ cao hơn cơ sở hạng một, kéo theo nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm cũng như lãng phí xã hội.
Vậy giải pháp căn cơ để ngăn tâm lý “cứ có bệnh là lên tuyến trên” là gì thưa ông?
- Giải pháp căn cơ nhất là hệ thống y tế cơ sở phải đảm bảo tốt công tác chuyên môn khám chữa bệnh. Cốt yếu vẫn là ở vấn đề chuyên môn và đặc biệt phải tạo niềm tin cho người bệnh vào chuyên môn của hệ thống y tế cơ sở. Để làm được điều này, ngành y tế phải xem lại chính mình; ngành y cần xem lại tại sao người dân chưa tin vào hệ thống y tế cơ sở, xem xét vấn đề ở đâu để khắc phục.
Bản thân tôi không ủng hộ giải pháp đưa bác sĩ mới ra trường về trạm y tế xã, huyện, bởi trạm y tế xã, huyện có những thiết bị y khoa không bằng tuyến Trung ương được. Khi thiết bị đã không bằng, rất cần kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ lâu năm.
Tôi đề xuất cần đưa y bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới; bác sĩ ở tuyến Trung ương luân chuyển về tuyến tỉnh, tuyến tỉnh về tuyến huyện, tuyến huyện về tuyến xã, bác sĩ tuyến xã luân chuyển lên tuyến tỉnh để học và trau dồi kinh nghiệm. Khi tạo một vòng xoay như thế sẽ không bao giờ phải đặt câu hỏi nhân lực y tế cơ sở không đủ để phục vụ nhân dân. Có như vậy, mới tạo được niềm tin cho người bệnh ở tuyến y tế cơ sở.
Xin cảm ơn ông!
Phải bảo đảm sự bền vững của hệ thống y tế
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định: Giải quyết vấn đề chuyển tuyến nhằm giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Tuy nhiên cũng phải bảo đảm sự bền vững của hệ thống y tế, tránh quá tải dồn lên một cấp nào đó.
Để giảm thủ tục hành chính, Bộ Y tế đang tập trung chỉ đạo vấn đề sử dụng hình thức chuyển tuyến điện tử cũng như hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử. Với vai trò của giấy chuyển tuyến rất cụ thể, ghi rõ được tình trạng lịch sử điều trị, cũng như tóm tắt bệnh án… thì việc chuyển tuyến dù hình thức giấy hay điện tử vẫn là điều rất cần thiết.
GS Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương) vừa đưa ra kiến nghị sớm bãi bỏ giấy chuyển tuyến và đẩy mạnh thông tuyến bệnh viện khi 93% dân số Việt Nam đã tham gia bảo hiểm y tế, để "người dân chữa bệnh ở đâu cũng được, phù hợp tình trạng bệnh, chất lượng khám chữa, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc".
Bác sĩ Lê Hữu Nghị - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Xây dựng - nêu quan điểm: Bỏ giấy chuyển viện với bệnh nhân điều trị nội trú là hợp lý (khi trường hợp đó vượt quá khả năng điều trị tuyến dưới), người bệnh nếu phải nhập viện điều trị sẽ được hưởng chế độ BHYT như tuyến đăng ký ban đầu. Còn với trường hợp điều trị ngoại trú (chỉ khám bệnh và kê đơn) ở tuyến trên thì phải có giấy chuyển tuyến để tránh quá tải cho những bệnh viện tuyến trên.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh (Bệnh viện Bạch Mai) lại đưa ra ý kiến: "Không nên bỏ giấy chuyển tuyến, ít nhất là trong thời điểm như hiện nay. Giấy chuyển tuyến còn là chuyển BHYT theo phân tuyến y tế. Nếu không có giấy chuyển, người dân sẽ "đổ xô" lên các bệnh viện tuyến trên gây quá tải. Trừ trường hợp có cấp cứu thực sự thì có thể đi thẳng đến cơ sở y tế gần nhất vẫn được BHYT đúng tuyến...".Ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) - cho biết, mô hình hệ thống y tế hình tháp được hầu hết các nước áp dụng và chỉ có mô hình này mới đảm bảo được việc quản lý và chăm sóc sức khoẻ một cách toàn diện, hiệu quả. Nếu không quản lý bệnh nhân theo tuyến, chắc chắn sẽ phá vỡ hệ thống y tế. Lệ Hà