Vai trò của 5 cựu lãnh đạo SCB đang bị truy nã trong vụ Vạn Thịnh Phát
Pháp luật - Ngày đăng : 06:18, 28/11/2023
Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 88 bị can, đề nghị truy tố 86 người.
Trong số những người bị đề nghị truy tố, cơ quan điều tra đang truy nã 5 bị can đều là những cựu lãnh đạo SCB.
Đinh Văn Thành - cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB
Theo kết luận điều tra, từ năm 2009, ông Thành làm việc tại Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (một trong 3 ngân hàng tiền thân của SCB hiện nay). Quá trình công tác, ông Thành trải qua các vị trí: Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đệ Nhất; thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB.
Từ ngày 28/6/2012 đến ngày 6/12/2020, ông Thành với vai trò là Chủ tịch Hội đồng tín dụng Hội sở, Chủ tịch/Thừa ủy quyền Chủ tịch HĐQT SCB đã ký 4 biên bản họp/tờ trình Hội đồng tín dụng Hội sở, 328 biên bản họp/phiếu biểu quyết của HĐQT, 273 nghị quyết đồng ý cho 268 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay 479 khoản.
Tính đến ngày 17/10/2022, dư nợ của nhóm khách trên là hơn 422.000 tỷ đồng.
Kết luận điều tra cáo buộc ông Thành đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để giúp sức tích cực, đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) thực hiện hành vi Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Ông Thành bị đề nghị truy tố về cả 2 tội danh nêu trên, với thiệt hại gây ra là hơn 99.000 tỷ đồng.
Nguyễn Thị Thu Sương - cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB
Theo kết luận điều tra, bị can Sương xuất thân cũng từ Ngân hàng Đệ Nhất, sau đó giữ chức Chủ tịch HĐQT SCB.
Hành vi của bị can Sương tương tự ông Thành khi ký duyệt cho 79 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay 79 khoản.
Dư nợ còn lại tính đến ngày 17/10/2022 là hơn 55.000 tỷ đồng.
Trước khi vụ án bị khởi tố, bà Sương đã xuất cảnh ra nước ngoài và hiện bị Bộ Công an ra quyết định truy nã về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại cho SCB gần 7.000 tỷ đồng.
Trầm Thích Tồn- cựu thành viên Hội đồng quản trị SCB
Theo kết luận điều tra, bị can Tồn làm việc tại SCB (cũ) từ tháng 4/2010. Sau khi thành lập Ngân hàng SCB hiện tại, ông Tồn giữ chức thành viên HĐQT.
Giống như 2 cựu Chủ tịch HĐQT nêu trên, ông Tồn bị cáo buộc có trách nhiệm đối với 80 khoản vay của 80 khách hàng thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.
Dư nợ còn lại của nhóm khách trên là hơn 23.000 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cho rằng ông Tồn đã giúp sức tích cực cho bà Lan, liên đới gây thiệt hại cho SCB hơn 7.100 tỷ đồng.
Bị can này bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Chiêm Minh Dũng - cựu Phó Tổng giám đốc SCB
Bị can này từng làm việc ở cả 2 ngân hàng là tiền thân của SCB hiện nay là Ngân hàng SCB cũ và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất.
Sau khi SCB hợp nhất, ông Dũng từ vị trí là một nhân viên tín dụng, từng bước leo lên chức trưởng phòng, giám đốc chi nhánh, giám đốc sở giao dịch... và cuối cùng là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc SCB.
Cùng bị cáo buộc có những hành vi tương tự bị can Thành và Sương, ông Dũng đã cho 305 khách hàng của Vạn Thịnh Phát vay 362 khoản; dư nợ hiện tại là hơn 126.000 tỷ đồng.
Hành vi của ông Dũng bị cáo buộc đã Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, liên đới gây thiệt hại hơn 140.000 tỷ đồng.
Nguyễn Lâm Anh Vũ - cựu Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành SCB
Từ ngày 13/8/2014 đến ngày 31/5/2015, bị can Vũ bị cáo buộc đã ký 112 tờ trình thẩm định, 36 hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản đồng ý cho 112 khách hàng cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay 112 khoản tại SCB.
Dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 4.400 tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra, bị can Vũ phải chịu trách nhiệm liên đới với khoản thiệt hại hơn 3.700 tỷ đồng và bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.