Làm giàu bất chính và chuyện 'va ly', 'thùng xốp'

Pháp luật - Ngày đăng : 15:35, 27/11/2023

Dõi theo kết luận điều tra vụ án tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan được phản ánh trên báo chí, dư luận không chỉ choáng váng vì quy mô hành vi phạm tội, mà còn giật mình trước số tiền hối lộ quá lớn cho một quan chức cỡ vừa.

Theo cáo buộc, 5 triệu USD đựng trong thùng xốp đã được bà Trương Mỹ Lan sai tay chân đưa hối lộ bà Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước.

Qua các vụ án lần lượt được phơi bày trước công luận những năm qua, đồng tiền bẩn (đưa - nhận hối lộ) từng nằm gọn trong phong bì dày cộp, trong ba lô, trong thùng đựng hoa quả, rồi xếp trong va ly và bây giờ là thùng xốp. Đây đều là những "giao dịch" bằng tiền mặt.

Ngạn ngữ La Mã có câu "đồng tiền không có mùi", ý muốn nói giá trị của đồng tiền không bị ảnh hưởng bởi nguồn gốc nó sinh ra, dù đó là tiền phi pháp. Với giao dịch tiền bẩn, các đối tượng phạm tội có thể cất giấu hoặc chuyển hóa bằng nhiều cách khác nhau, dễ dàng vượt qua quy định hiện hành.

Làm giàu bất chính và chuyện va ly, thùng xốp - 1

Việc thu hồi tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc và bổ sung tội làm giàu bất chính là những nội dung cần thiết được nghiên cứu, xem xét trong thời gian tới (Tranh minh họa).

Nhớ lại, trong vụ án Vinashinlines, Giang Kim Đạt - cựu quyền trưởng phòng Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashinlines - đã chiếm đoạt 260 tỷ đồng chuyển tiền qua 22 tài khoản đứng tên bố đẻ mua nhiều bất động sản, ôtô. Đạt lẩn trốn ra nước ngoài cho đến khi bị bắt.

Trong vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ tại Phú Thọ, ngoài tội danh tổ chức đánh bạc, Phan Sào Nam cùng một số đồng phạm còn bị truy tố, xét xử về tội Rửa tiền. Theo cơ quan chức năng, Nam đã chuyển tiền lòng vòng qua nhiều nấc trung gian đến người thân, bạn bè để gửi tiết kiệm, đầu tư góp vốn cho các dự án, mua bất động sản để hợp thức số tiền do phạm tội tổ chức đánh bạc mà có…

Từ thực tiễn, chúng ta thấy rằng tiền bẩn có thể nhanh chóng biến thành bất động sản, cổ phiếu, vàng, ngoại tệ…, và nếu không bị phát hiện thì những đồng tiền đó sẽ trở nên "không mùi".

Công cuộc phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã đạt những kết quả to lớn, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng được đưa ra xét xử, đường đi của những đồng tiền bẩn chứa trong "va ly", "thùng xốp".v.v… được đưa ra trước ánh sáng công luận. Nhưng không dừng ở đó.

Các cấp có thẩm quyền xác định đây là cuộc đấu tranh lâu dài, phải kiên quyết, kiên trì, đẩy mạnh hơn nữa, làm tốt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa. Trong đó, việc truy vết tiền bẩn cũng như áp dụng các biện pháp đồng bộ để xử lý tận gốc rễ vấn đề này sẽ góp phần quan trọng ngăn chặn, đẩy lùi những cuộc giao dịch ngầm.

yhjthj.jpg
Vụ Vạn Thịnh Phát gây xôn xao dư luận

Theo nhiều chuyên gia, nắm bắt và kiểm soát được thu nhập, tài sản của công dân để có thể phát hiện sự "giàu lên bất thường" là một biện pháp hữu hiệu hàng đầu, đã được chứng minh ở các quốc gia có mức độ cảm nhận tham nhũng thấp (theo chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức minh bạch quốc tế, thang điểm từ 0 đến 100 và điểm càng cao thì mức độ cảm nhận tham nhũng càng thấp).

Đặc điểm chung của các nước có điểm số cao nhất là hạn chế sử dụng tiền mặt, pháp luật quy định đánh thuế cao, thậm chí tịch thu đối với các khoản thu nhập, tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp.

Ở nước ta hiện nay, với khu vực công đã có quy định về nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên việc kê khai này ít nhiều còn mang tính hình thức, phụ thuộc vào tính tự giác, đa số các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh.

Với khu vực tư, khi thành lập doanh nghiệp hoặc đầu tư kinh doanh thì không có yêu cầu giải trình nguồn gốc vốn. Điều này một mặt tạo ra sự thông thoáng của môi trường kinh doanh, nhưng mặt khác khi điều kiện thành lập doanh nghiệp quá dễ dàng sẽ tạo cơ hội cho nhiều công ty "bình phong", công ty "vỏ bọc" ra đời. Vấn đề này đã thể hiện rõ trong vụ án Vạn Thịnh Phát khi bà Trương Mỹ Lan cho lập hàng trăm công ty "ma" để hợp thức hóa việc rút tiền từ ngân hàng SCB.

Như đã nêu ở trên, nhiều nước đã có quy định về hành vi "làm giàu bất chính" - tài sản của một người tăng lên đáng kể mà không thể lý giải thì sẽ bị xem xét, nếu không giải trình được sẽ bị thu hồi.

Muốn áp dụng quy định trên và đảm bảo tính khả thi thì pháp luật phải "soi" cả thu nhập lẫn các giao dịch có giá trị lớn của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người có chức vụ, quyền hạn.

Cơ quan chức năng cần triển khai mạnh mẽ hơn các biện pháp hạn chế sử dụng tiền mặt, tăng cường thực hiện giao dịch thông qua ngân hàng; đẩy mạnh việc quản lý đất đai; quản lý chặt chẽ hơn nữa các tài sản có đăng ký quyền sở hữu sao cho những người tham nhũng, nhận hối lộ không có chỗ để cất giấu tài sản.

Jose Hernandez, nhà thơ lớn của Argentina nói rằng: "Ngay cả một sợi tóc gầy guộc cũng để lại bóng râm của mình trên mặt đất". Điều đó hàm ý sâu xa rằng, sự thật dù có bé nhỏ, mảnh mai như một sợi tóc cũng không dễ gì xóa bỏ.

Chúng ta trông chờ việc thu hồi tài sản trong vụ Vạn Thịnh Phát, và cũng trông chờ những thông tin được phản ánh trên báo chí vừa qua, đơn cử như thông tin về những chuyến xe chở tiền (khoảng 108.878 tỷ đồng và hơn 14,757 triệu USD trong giai đoạn từ 26/2/2019 đến 12/9/2022) từ SCB về tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nhà của bà Trương Mỹ Lan hoặc đưa, giao cho một số cá nhân theo chỉ đạo của nữ bị can này, sẽ tiếp tục được làm rõ trong quá trình tố tụng, xét xử tới đây.

Thiết nghĩ, hoàn thiện quy định pháp luật để mọi thu nhập mờ ám từ nhỏ như sợi tóc hay lớn như ngọn núi đều bị phơi bày dưới ánh sáng của pháp luật là điều mà chúng ta hướng tới.

Với tinh thần đó, quy định về việc thu hồi tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc và bổ sung tội làm giàu bất chính là những nội dung cần thiết được nghiên cứu, xem xét trong thời gian tới.

Tác giảNhà báo Phùng Nguyên hiện công tác tại báo Nhân Dân. Anh có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí và từng đoạt nhiều giải thưởng báo chí Quốc gia.