MV 'Oải cả chưởng' của Lê Dương Bảo Lâm bị chỉ trích nhảm nhí, thảm họa
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 15:22, 27/11/2023
Top 12 thịnh hành của YouTube, Lê Dương Bảo Lâm chiếm vị trí với MV ca nhạc mang tên Oải ca chưởng. Nam diễn viên chia sẻ tên bài hát là câu khẩu hiệu của anh trong chương trình thực tế 2 Ngày 1 Đêm mà anh là thành viên chính thức gắn bó suốt hai mùa.
Bài nhạc lặp đi lặp lại cụm từ “Oải cả chưởng” để tạo điểm nhấn. “Anh em, rớt miếng. Có Lâm Lâm Lâm Lâm lại Lâm lụm. Nhưng Lâm, rớt răng. Mọi người cười còn Lâm thì bụm. Đúng là oải cả chưởng! oải cả chưởng! oải cả chưởng!”
Bên cạnh đó Dương Lâm lồng ghép những hình ảnh thương hiệu của anh trong chương trình, như bị rớt răng giả, mặc áo bà ba đeo vòng vàng nặng trĩu cổ… "Sao hay ra dẻ quá", "Tết trả hết”, “Miệng thì ú a ú ớ tôi sụm nụ rồi trời ơi. Lê Dương Bảo Lâm. Pháp danh Diệu Lâm. Dễ thương ngàn năm! Đúng là oải cả chưởng!”.
Lê Dương Bảo Lâm trong ca khúc bị chỉ trích nhảm nhí.
Nam diễn viên tích cực quảng bá ca khúc mới của mình. Đám cưới diễn viên Phương Lan gần đây, anh cũng tranh thủ trình diễn nhạc phẩm mới và được khán giả hưởng ứng trên các nền tảng mạng xã hội.
Ca từ rời rạc khiến Lê Dương Bảo Lâm bị chê vô nghĩa, nhảm nhí, thiếu tính nghệ thuật. “Bật TikTok lên là tôi phải chuyển ngay”, “Tôi bị ám ảnh từ bài chế Nobita”, “Nhảm nhỉ, nghe xong đúng oải”… khán giả bình luận.
Trái lại, nhiều người bênh vực cho rằng ca khúc này đơn giản chỉ sản phẩm giải trí được phát hành để thỏa mãn nhu cầu, sở thích cá nhân, dừng lại ở mục đích tìm kiếm sự chú ý. Ngoài ra, Lê Dương Bảo Lâm cũng không tự nhận là ca sĩ và cũng không có ý định lấn sân sang lĩnh vực này, đồng thời chỉ ra anh diễn trong dịp đặc biệt như đám cưới, khuôn khổ vở kịch hay được người hâm mộ yêu cầu. Một số khán giả so sánh sản phẩm của anh với những “thảm họa” đang hot trong việc ra nhạc thời gian gần đây.
Trước những phản ứng trái chiều, Lê Dương Bảo Lâm cho biết anh tự quay tự hát tại quán sinh tố ở nhà và mong khán giả nhẹ tay.
Năm 2022, Lê Dương Bảo Lâm từng là tâm điểm chỉ trích phản cảm, lố lăng khi chế bài nhạc về bộ truyện Doraemon với phần lời vô nghĩa, phá hỏng tuổi thơ. Anh bị gọi là hiện tượng “nhạc rác”, gây ra tác động tiêu cực với công chúng, nhất là khán giả nhỏ tuổi.
Theo Tiền Phong