8 cử chỉ cần tránh khi phỏng vấn xin việc ở công ty Nhật

Thông tin cần biết - Ngày đăng : 15:00, 27/11/2023

Trong các cuộc phỏng vấn xin việc tại công ty Nhật Bản và các công ty khác nói chung, có một số cử chỉ hay ngôn ngữ cơ thể của chúng ta có thể để lại ấn tượng xấu với nhà tuyển dụng. Những cử chỉ có luôn tồn tại bên trong chúng ta như một thói quen, đôi khi khó kiểm soát.

Hãy cùng tìm hiểu xem bạn có đang mắc phải một trong số đó không để tránh khi tìm việc tiếng Nhật nhé.

Không giao tiếp bằng mắt

Nếu bạn nhìn đi nơi khác trong khi nói chuyện thay vì nhìn vào mắt nhà tuyển dụng, bạn sẽ để lại ấn tượng xấu cho họ. Cụ thể họ có thể cho rằng bạn thiếu tự tin hoặc có điều gì đó muốn che giấu.

Do đó, đừng nhìn xung quanh, đừng tạo ấn tượng rằng bạn đang lo lắng và đang cố gắng bình tĩnh lại bằng cách tập trung ánh mắt vào những thứ khác. Cũng đừng làm ra vẻ như bạn đang muốn trốn khỏi phòng hoặc bạn không muốn nói chuyện với nhà tuyển dụng bằng cách không tập trung vào họ.

Giao tiếp bằng mắt khi lần đầu gặp ai đó có thể không thoải mái, tuy nhiên, để không để lại ấn tượng xấu, hãy học cách nhìn vào mắt người khác trong khi nói chuyện. Sẽ tốt hơn nếu bạn thử hướng ánh mắt về sống mũi hoặc giữa hai mắt.

Bồn chồn quá mức

Liên tục nhịp chân, nghịch bút, vuốt tóc hay dịch chuyển chỗ ngồi là những lỗi ngôn ngữ cơ thể lớn nhất mà nhiều ứng viên vô tình mắc phải. Bồn chồn là dấu hiệu chính của sự lo lắng, căng thẳng nên hãy tránh làm điều đó trong các cuộc phỏng vấn ở công ty Nhật. Nếu bạn có thói quen làm điều này, hãy tập bỏ trước khi đi phỏng vấn. Thay vào đó, nên ngồi thẳng, để chân thẳng trên sàn, giữ bình tĩnh và tập trung năng lượng để đưa ra câu trả lời thích hợp cho các câu hỏi của người phỏng vấn.

Không mỉm cười hoặc cười quá nhiều

Việc lo lắng trong các cuộc phỏng vấn là điều bình thường, nhưng đừng quên mỉm cười ngay cả khi bạn lo lắng. Mỉm cười gợi lên sự tích cực và giúp bạn giữ bình tĩnh trước nhà tuyển dụng Nhật Bản. Bắt đầu và kết thúc buổi phỏng vấn của bạn bằng một nụ cười ấm áp để trông dễ mến và dễ gần hơn. Tuy nhiên, nếu bạn cười quá nhiều trong suốt cuộc phỏng vấn, điều đó có thể cho thấy bạn thiếu nghiêm túc trong mọi việc bà có thể khiến bạn gặp rắc rối.

Chạm vào mặt nhiều lần

Chạm tay vào mặt quá nhiều cũng là điều bạn cần tránh trong các cuộc phỏng vấn xin việc với nhà tuyển dụng Nhật Bản. Cho dù đó là việc dụi mũi, đưa tay lên chống cằm hay chạm tay vào mặt, tất cả đều là những cử chỉ ngôn ngữ cơ thể không tốt. Nó cho thấy thái độ thiếu chuyên nghiệp và nhà tuyển dụng thậm chí có thể hiểu đó hành động lừa dối. Lần tới khi bạn đến phỏng vấn, hãy nhớ lại đặc điểm ngôn ngữ cơ thể này nhé.

Khoanh tay

Khoanh tay là lỗi ngôn ngữ cơ thể khác mà bạn nên tránh trong các cuộc phỏng vấn ở các công ty Nhật. Khoanh tay là biểu hiện của sự phản kháng và không quan tâm. Do đó, nhà tuyển dụng có thể cảm thấy bạn khó gần và chưa sẵn sàng đàm phán theo các điều khoản của họ. Một số nhà tuyển dụng cũng cho rằng khoanh tay là thô lỗ. Vì vậy, hãy để tay sang hai bên hoặc đặt lên bàn khi ngồi để tỏ ra chăm chú và dễ gần hơn.

Gật đầu quá mức

Trong các cuộc phỏng vấn, chúng ta muốn tỏ ra nhiệt tình và dễ chịu, nhưng gật đầu liên tục không phải là cách hiệu quả để truyền đạt điều này. Thay vào đó, bạn sẽ trông quá háo hức để làm hài lòng nhà tuyển dụng. Hãy cố gắng giữ cho đầu của bạn yên tĩnh. Nếu bạn đã nghe rõ rồi thì cũng không cần thiết phải gật đầu.

Tạm dừng quá lâu trước khi trả lời

Việc tạm dừng quá lâu khi trả lời một câu hỏi có thể cho thấy bạn đang thiếu quyết đoán. Tất nhiên, cần có thời gian để hình thành một suy nghĩ, nhưng hãy cố gắng đừng trì hoãn nó.

Không bắt chước người phỏng vấn của bạn

Một mẹo tích cực để có ngôn ngữ cơ thể tốt là bắt chước nhà tuyển dụng. Khi họ nghiêng về phía trước, bạn cũng nghiêng về phía trước. Theo dõi ngôn ngữ cơ thể của họ khi họ nói chuyện với bạn, sau đó tinh tế áp dụng ngôn ngữ cơ thể của họ, bạn sẽ tạo được nhiều thiện cảm hơn.

Hành động luôn có sức mạnh hơn lời nói, do đó việc kiểm soát ngôn ngữ cơ thể là điều vô cùng quan trọng, nhất là trong các cuộc phỏng vấn xin việc với nhà tuyển dụng Nhật Bản. Đảm bảo rằng cử chỉ, nét mặt và tư thế phù hợp với lời nói, bạn sẽ lấy lòng được nhà tuyển dụng và tăng cơ hội có được công việc mong muốn.

Vân Phạm (Tổng hợp)