Nhiều quán nhậu ở TPHCM "vắng như chùa Bà Đanh" vì khách sợ… uống bia
Nhịp sống - Ngày đăng : 08:13, 26/11/2023
21h ngày 22/11, trong tiếng nhạc xập xình, ông Lưu Văn Bình (42 tuổi) chủ một quán nhậu chơi nhạc DJ trên đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp) ngồi nhìn ra dòng xe chạy vun vút trên đường chờ khách ghé.
Trong quán, nữ nhân viên đang nhún nhảy chơi một số bản nhạc DJ phục vụ 8 người khách đang ngồi ăn mồi, uống bia. "Dạo này vắng khách lắm, họ sợ cảnh sát giao thông (CSGT) phạt nồng độ cồn nên không ghé đông nhưng thời gian trước. Trong khi, tôi thuê nhân viên nữ chơi nhạc DJ như vậy hết 400.000 đồng/giờ", ông Bình nói với vẻ hơi buồn.
Khách không chơi xả láng như xưa
Quán ông Bình là một trong hàng chục quán nhậu dọc đường Phạm Văn Đồng rơi vào cảnh ế ẩm thời điểm giữa tuần.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Dân trí, trên đường này, ngoài một số quán có mặt bằng lớn, đầu tư âm thanh, ánh sáng hiện đại có lượng khách tương đối, còn lại nhiều quán nhậu quy mô vừa và nhỏ chỉ lác đác vài nhóm khách.
Ông Bình cho biết, khoảng 3 tháng trở lại đây, khi CSGT thường xuyên lập chốt tại các giao lộ trên đường Phạm Văn Đồng, lượng khách đến quán ông vắng hơn một nửa. Khách đến quán ăn nhậu phần lớn đi xe ôm. Cũng có khách lái xe máy đến quán nhưng không uống bia nhiều nên doanh thu cũng không được bao nhiêu.
"Tôi thuê mặt bằng mỗi tháng hết 30 triệu đồng, trả lương 5 nhân viên hết 40 triệu đồng. Tính ra mỗi tháng, quán phải có doanh thu hơn 100 triệu thì mới gồng được.
Lượng khách vài tháng nay giảm hẳn nên tôi phải lấy thu nhập từ một số mảng kinh doanh khác đắp vào mới duy trì được đến nay. Đầu tư số tiền lớn mở quán mà giờ đóng cửa thì cũng không nỡ", ông Bình nói.
Ông Bình cho biết quy định xử phạt nồng độ cồn hiện rất căng. Trong hơi thở có một chút nồng độ cồn cũng bị phạt nên ít người dám uống bia. "Quán tôi có món tôm hấp bia, thịt bò nấu rượu vang… nhiều khi khách đến quán kỹ quá cũng không dám ăn thì bảo sao doanh thu không giảm", ông Bình nói.
Bên cạnh đó, ông Q.V. (45 tuổi) chủ một quán karaoke 10 phòng trên đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức) cũng thừa nhận từ khi CSGT xiết chặt kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông, lượng bia tiêu thụ tại cơ sở của ông giảm rõ.
Ông V. cho biết, thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, mỗi đêm lượng bia tiêu thụ ở quán ông không dưới 20 thùng. Hiện nay, mỗi đêm quán ông bán nhiều lắm cũng chưa đến 7 thùng bia.
"Khách đến quán karaoke chủ yếu là đi tăng 2 sau khi ăn uống ở một nơi nào đó. Doanh thu quán chủ yếu từ tiền hát và bia. Thức uống có cồn này chiếm một nửa thu nhập của quán. Khách không còn uống bia xả láng như trước thành ra doanh thu cũng giảm gần 50%", ông V. nói.
Theo ông V., không chỉ quán karaoke mà các quán nhậu cũng trong tình cảnh tương tự. Một phần lượng bia giảm cũng do lượng khách giảm. Năm nay tình hình kinh tế khó khăn nên khách cũng đắn đo trong việc chi tiêu ăn uống, vui chơi.
Phòng nào khách uống bia nhiều doanh thu mới tăng, vì quán đâu có bán đồ ăn. Khách đến quán karaoke đi xe ôm, taxi là nhiều. Cũng có trường hợp khách nhậu ở quán rồi lái xe máy về nhưng không đông như xưa.
"Mấy năm trước có vài công ty bất động sản trúng đất, cho nhân viên ăn chơi dữ lắm. Năm nay ngành này chết ngắc nên khách giảm nhiều. Tôi ước tính kinh tế khó khăn khiến khách giảm 30% và giảm thêm 20% nữa do sợ vi phạm nồng độ cồn", ông V. chia sẻ.
Trong khi đó, qua khảo sát của phóng viên, một số tài xế hãng xe ôm công nghệ như Grab, Gojek, Be… thừa nhận lượng khách đến quán nhậu bằng xe ôm công nghệ có tăng lên nhưng không thể kiểm chứng được nhiều hay ít, do lượng tài xế hoạt động trong lĩnh vực này quá đông.
Anh Trần Thanh Long (24 tuổi, tài xế Grab bike) cho biết, mỗi tài xế chạy xe lâu năm đều biết kinh nghiệm trong việc chọn điểm dừng đón khách. Tầm 21h trở đi, tài xế sẽ đậu xe gần các phố ăn nhậu như Phạm Văn Đồng, Trường Sa, Hoàng Sa…
Những nơi này sẽ có xác xuất "nổ cuốc" lớn hơn so với các khu vực khác và khách phần lớn là người đã có hơi men, sợ CSGT kiểm tra.
"Tôi đặt ra chỉ tiêu là mỗi tối phải đón được ít nhất 2 vị khách ăn nhậu ở một số điểm mới về nghỉ ngơi. Những vị khách này có hơi men trong người nên tiền bo cũng thoáng hơn", anh Long nói.
Chủ quán đang gồng lỗ
Anh Đan, quản lý của một quán nhậu ở đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), cho biết, tình hình kinh doanh của quán nhậu khoảng 3 tháng trở lại đây trở nên khó khăn. Không phải riêng nguyên nhân cao điểm đo nồng độ cồn khiến người dân ngại đi nhậu, anh Đan chỉ ra còn một nguyên nhân khác do tình hình kinh tế cuối năm, ai cũng muốn dành dụm để chi tiêu cho gia đình.
Thời gian trước, quán thu nhập khá ổn định, trung bình doanh thu mỗi ngày từ 12 đến 15 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay, mỗi ngày có một vài bàn, chỉ thu được 3-4 triệu đồng, thậm chí có ngày chẳng có đồng nào. Trong khi đó, tiền mặt bằng, điện nước, lương nhân viên, tiền nguyên liệu… khó có thể nào trang trải.
"Lúc trước, quán tôi có 3 nhân viên phục vụ, 1 người giữ xe, 2 người đứng bếp, tuy nhiên thời gian này phải cắt giảm nhân viên bởi không có khách không thể nào trang trải. Dù có các chương trình khuyến mãi như bia đồng giá, tặng món, thậm chí đã liên tục chạy quảng cáo nhưng cũng chẳng mấy khả thi.
Bên cạnh đó, việc các nhãn hàng bia ngưng ký hợp đồng tài trợ do không bán đạt chỉ tiêu khiến quán mất đi một khoản trang trải", anh Đan tâm sự.
Các quán nhậu tại khu vực trung tâm quận 1 cũng trong tình trạng tương tự. Anh Nguyễn Tấn Đạt (44 tuổi), tổng quản lý một quán nhậu trên đường Hoàng Sa (phường Đa Kao, quận 1) cho biết, từ đợt cao điểm kiểm tra nồng độ cồn, tình hình kinh doanh của quán cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Theo anh Đạt, tâm lý đi nhậu của người dân đã có nhiều thay đổi trong thời gian gần đây. Trước đây, mỗi ngày quán tiếp từ 500 đến 700 khách nhưng nay mỗi ngày chỉ có khoảng 100 khách. Doanh thu quán sụt giảm cộng thêm phải trả tiền mặt bằng, chi phí nhiều khoản nên buộc phải cắt giảm nhân viên.
"Để thích ứng với tình hình này, quán đã có nhiều chương trình, quan tâm khách cũ, gọi điện hỏi thăm nhưng họ cũng chia sẻ đang cao điểm kiểm tra ngại nhậu xa nên chọn nhậu gần nhà hoặc ở nhà tổ chức nhậu.
Trên Fanpage, chúng tôi cũng giới thiệu bán mang đi tuy nhiên lượng khách đặt hàng rất ít. Thực sự, người dân đi ăn nhậu chú trọng không gian, phong cảnh, tới quán ngồi nói chuyện vẫn vui và thoải mái hơn ở nhà", anh Đạt cho hay.
Ngoài ra, quán khuyến khích khách nhậu gửi xe lại, hỗ trợ gửi xe miễn phí, không để khách tự đi xe về. Nhiều khách cũng đồng tình, tuy nhiên một số khách cũng muốn chạy về để sáng hôm sau có phương tiện đi làm.
Trong khi đó, một số quán với mặt bằng sẵn có nhưng việc kinh doanh cũng không mấy thuận lợi.
Anh Quang (48 tuổi) chủ quán nhậu trên đường Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1 cho biết, những tháng gần đây lượng khách giảm hơn 50%, quán không có doanh thu.
"Nếu tình trạng này kéo dài, sang năm quán tôi chắc cũng không cầm cự nổi, buộc phải đóng cửa. Chốt kiểm tra nồng độ cồn chỉ cách quán tôi chỉ hơn chục mét, khách đi ngang không dám vào nên doanh thu đâu có. Giờ đa phần chỉ là khách quen ghé quán, mỗi ngày thu về chỉ được 1 đến 2 triệu đồng không đủ trang trải, chi trả các chi phí.", anh Quang bộc bạch.