Ba ‘không’ khi ngủ trưa tốt cho sức khỏe

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 07:31, 26/11/2023

Ngủ trưa đem lại nhiều tác dụng nhưng bạn nên tránh ngủ quá lâu, ngay sau bữa ăn và nằm gục trên bàn làm việc.

Nếu thiếu ngủ hoặc đang muốn thư giãn, bạn có thể nghĩ đến việc ngủ trưa. Tuy nhiên, chợp mắt không đúng cách có thể phản tác dụng. Bạn lưu ý áp dụng 3 điều dưới dưới đây để tận dụng tối đa giấc ngủ ngắn.

Không ngủ trưa quá lâu

Nghiên cứu đã ghi nhận thời gian ngủ trưa tốt nhất nên ở mức 30 phút, sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc một số bất ổn sức khỏe như bệnh tim mạch.

Đại học Sơn Đông (Trung Quốc) từng tiến hành nghiên cứu về mối liên hệ giữa ngủ trưa và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Kết luận ghi nhận, ngủ trưa càng dài thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường càng cao, đặc biệt đối với những người béo phì ngủ hơn 90 phút mỗi lần. Ngủ trưa quá lâu sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người có mỡ máu cao.

ngu trua 1.jpg
Ngủ trưa giúp bạn lấy lại năng lượng nhưng bạn nên chọn chỗ ngủ thoải mái. Ảnh minh họa: Creativethinking

Không đi ngủ ngay sau bữa trưa

Theo Aboluowang, khi bạn ăn xong, máu trong cơ thể tập trung hỗ trợ quá trình tiêu hóa, ảnh hưởng lượng máu tới các cơ quan khác. Thiếu máu lên não dễ khiến bạn buồn ngủ như câu nói “căng da bụng, chùng da mắt”. Tuy nhiên, bạn đừng vội ngủ ngay.

Nếu bạn ngủ sau khi ăn, quá trình lưu thông máu sẽ chậm lại, hiệu quả làm việc của đường tiêu hóa bị ảnh hưởng. Điều này dễ gây trào ngược axit và làm tổn thương đường tiêu hóa và thực quản.

Với những người trên 50 tuổi, chức năng tiêu hóa không tốt. Đi ngủ ngay sau khi ăn sẽ chuốc thêm rắc rối. Bạn có thể đọc báo, nghỉ ngơi một chút trước khi ngủ.

Không ngủ gục trên bàn

Nếu cơ thể không được duỗi thẳng khi ngủ, máu lưu thông kém, tay chân sẽ lạnh và tê, cuối cùng có thể dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ. Nếu không có giường, bạn có thể mua một chiếc ghế tựa, bịt mắt, một chiếc chăn nhỏ để ngủ thoải mái hơn.

Tác dụng và hạn chế của ngủ trưa

Theo Mayo Clinic, ngủ trưa mang lại nhiều lợi ích khác nhau cho người lớn khỏe mạnh, bao gồm thư giãn, giảm mệt mỏi, tăng sự tỉnh táo, cải thiện tâm trạng, phản ứng nhanh hơn và trí nhớ tốt hơn.

Tuy nhiên, nhiều người không thể ngủ vào ban ngày hoặc khó ngủ ở những nơi khác ngoài giường của họ. Ngoài ra, một số người cảm thấy choáng váng và mất phương hướng khi thức dậy sau một giấc ngủ ngắn.

Thông thường, chợp mắt vào buổi trưa không ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ ban đêm. Nhưng nếu bạn bị mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc vào ban đêm thì ngủ trưa có thể khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn.