Chợ chuột lớn nhất Nghệ An, mỗi ngày tiêu thụ cả tấn
Nhịp sống - Ngày đăng : 00:40, 26/11/2023
Ở xã Đức Thành (Yên Thành, Nghệ An), mỗi ngày có hàng tấn chuột đồng được mua bán qua lại để làm thực phẩm. Nơi đây được xem là chợ chuột lớn nhất tỉnh Nghệ An.
|
Đi dọc các tuyến đường làng ở xã Đức Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) ngày này rất dễ bắt gặp những cơ sở thu mua và bán chuột đồng dọc 2 bên đường. Những cơ sở này bày bán đủ loại từ chuột sống, chuột đã qua sơ chế, chuột làm thịt sẵn.
|
|
Không chỉ bán lẻ cho khách địa phương và người đi đường, nhiều cơ sở còn thu mua với số lượng lớn để bán ra các tỉnh thành phía Bắc với hàng tấn chuột đồng mỗi ngày. Chính vì nổi tiếng với thịt chuột và số lượng mua bán nhiều nên nơi đây được coi là chợ chuột lớn nhất tỉnh Nghệ An.
|
|
Không ai biết nghề bắt chuột, làm thịt chuột ở xã Đức Thành có từ bao giờ. Nhưng tiếng đồn vang xa, mọi người trong và ngoài tỉnh đều tìm đến đây mua chuột. Dần dần, chợ chuột ở xã Đức Thành ngày càng phát triển lớn. “Trước đây vào những ngày mưa, người dân thường tranh thủ ra đồng bắt chuột để bảo vệ mùa màng rồi tiện thể cải thiện bữa ăn. Chuột nhiều ăn không hết, một số người lại mang ra dọc đường bán cho người dân trong vùng. Rồi dần dần nơi đây trở thành chợ mua bán chuột", ông Cung Đình Phong (60 tuổi, trú xã Đức Thành) nói.
|
|
Chuột được tiêu thụ mạnh cũng giúp một số “thợ bắt chuột” hái ra tiền. Có nhiều gia đình thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nghề bắt chuột. Chị Vũ Thị Hường (42 tuổi, trú làng Thọ Thành, xã Đức Thành) cho hay, việc bắt chuột có nhiều cách như: đuổi bắt, đặt bẫy, đào hang. Cách đặt bẫy là khỏe nhất nhưng rượt đuổi bắt chuột lại có hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, việc đuổi bắt chuột mất nhiều sức nên một tuần họ chỉ đi bắt được 2-3 ngày.
|
|
Thông thường người thợ sẽ đặt bẫy chuột vào ban đêm. Đến sáng hôm sau, những người thợ sẽ ra đi thu bẫy và gom chuột mang về bán cho thương lái.
|
|
“Chuột đồng ở Yên Thành nổi tiếng vì béo và thơm ngon. Cứ sau đợt gặt lúa vụ mùa, chuột lại nhiều. Người dân ở xã chúng tôi lại đi khắp các cánh đồng để bắt chuột”, chị Hường nói và cho hay, nhờ việc bắt chuột, vợ chồng chị kiếm được hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
|
|
Chuột sau khi bắt xong được đưa đi bán cho các cơ sở thu mua. Một số cơ sở sẽ để chuột sống bán cho khách. Một số sẽ sơ chế sạch và bán thịt cho người mua.
|
|
Chuột được sơ chế bằng cách thui qua lửa rơm. Những người thợ sau đó sẽ lột bỏ da, loại bỏ chân, đuôi, đầu và toàn bộ nội tạng. Người thợ chỉ giữ lại chắc phần thịt để bán cho khách. Với mỗi kg thịt chuột đã làm sạch, sẽ có giá từ 100.000 - 150.000 đồng tùy loại.
|
|
“Bắt chuột không khó. Làm thịt chuột cũng không khó, nhưng cần có chút kinh nghiệm để làm được con chuột sạch nhất mà không nghe mùi. Phụ nữ ở đây không chỉ biết làm thịt mà hầu như ai cũng có thể chế biến được các món đặc sản từ chuột”, chị Nguyễn Thị Phượng (42 tuổi) chia sẻ.
|
|
Chuột được làm sạch và bày bán dọc các tuyến đường làng ở xã Đức Thành (Yên Thành, Nghệ An).
|
|
Anh Cung Đình Mậu - chủ một cơ sở thu mua chuột ở xã Đức Thành cho biết, mỗi ngày anh thu mua hơn một tấn chuột đồng để bán ra các tỉnh phía Bắc. Chuột đồng hiện được anh thu mua với giá 35.000-60.000 đồng/kg. Sau khi gom hàng từ những người thợ, anh Mậu phải phân loại chuột thành nhiều loại như loại 1, loại 2 để bán cho các nhà hàng, quán nhậu. Những con chuột nhỏ hơn được bán cho các cơ sở thu mua làm thức ăn cho trăn, rắn.
|
|
Anh Mậu cho hay, chuột ở Yên Thành là loại chuột đồng. Còn chuột nhà không ăn được vì hôi. Cách phân biệt chuột cũng không quá khó. Những người sành sỏi chỉ cần nhìn qua con chuột cũng có thể phát hiện được ra chuột sống ở đồng hay trong nhà. “Chuột đồng ăn lúa nên béo, phần lông dưới bụng màu trắng, phần lông phía trên có màu mun. Còn chuột nhà gầy, lông màu vàng và hôi, không ăn được”, anh Mậu nói.
|
|
Ông Cung Đình Hoàn - Bí thư chi bộ làng Thọ Bằng (xã Đức Thành) thông tin, hiện ở làng này có khoảng 200 hộ dân sống bằng nghề săn chuột đồng. Ở làng còn có 2 cơ sở thu mua chuột đồng số lượng lớn, tiêu thụ hàng tấn chuột mỗi ngày. Nghề săn bắt chuột không chỉ góp phần bảo vệ mùa màng đồng ruộng mà còn giúp người dân trong làng có nguồn thu nhập ổn định.
|
Ngọc Tú