Sàn thương mại điện tử giúp nông sản Bắc Giang tiêu thụ thuận lợi

Cuộc sống số - Ngày đăng : 17:02, 25/11/2023

Việc xuất hiện các sàn thương mại điện tử đã giúp vải thiều và một số nông sản khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được tiêu thụ thuận lợi với giá bán cao.

Với trên 80% dân số sống ở khu vực nông thôn, việc phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững của tỉnh Bắc Giang vừa là mục tiêu, động lực, vừa là công cụ, giải pháp hiệu quả nhất nhằm cải thiện nhanh hơn đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng.

Theo đó, trong những năm qua, Bắc Giang thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.

Tỉnh đã tập trung chỉ đạo cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; thực hiện hiệu quả các đề án, dự án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; xây dựng các phương án, kịch bản chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ nông sản; chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp được chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở; xác định cây trồng, vật nuôi có quy mô, dư địa phát triển để tập trung chỉ đạo.

Các loại cây trồng chủ lực tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn, có sự hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị.

vai-thieu-luc-ngan-612.jpeg
Việc xuất hiện các sàn thương mại điện tử đã giúp vải thiều và một số nông sản khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được tiêu thụ thuận lợi với giá bán cao.

Theo đó, các huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã mở rộng quy mô sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Cơ cấu các loại cây trồng được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, tăng diện tích cây ăn quả, giảm diện tích cây lương thực.

Nông sản hàng hoá của tỉnh được tiêu thụ thuận lợi với giá bán phù hợp, người dân có thu nhập ổn định đã tạo nội lực cho xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Chương trình OCOP phát triển mạnh mẽ, tạo động lực mới trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn. Năm 2022, tỉnh triển khai ứng dụng phần mềm số hoá trong đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đảm bảo công khai, minh bạch; tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang.

Việc quy định mỗi xã nông thôn mới nâng cao phải có tối thiểu có 1 sản phẩm OCOP đã phát huy vai trò của cấp chính quyền cơ sở trong hướng dẫn, lựa chọn sản phẩm địa phương tham gia chương trình.

Đến nay, toàn tỉnh có 205 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở nên (31 sản phẩm đạt 4 sao, chiếm 15,1%; 174 sản phẩm đạt 3 sao, đạt 84,9%), có 1 sản phẩm (vải thiều Hồng Xuân Lục Ngạn) tiềm năng 5 sao, đã trình Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá, phân hạng và 1 sản phẩm điểm du lịch nông thôn (Du lịch sinh thái, văn hoá Bản Ven).

Một số địa phương tổ chức thực hiện tích cực, hiệu quả điển hình như huyện: Tân Yên, Yên Thế, ục Ngạn, Yên Dũng, Hiệp Hoà...

Các sản phẩm sau khi được xếp hạng đạt chuẩn OCOP phát triển tốt, có chuyển biến rõ rệt về chất lượng, mẫu mã sản phẩm; có trên 60% chủ thể OCOP có doanh thu tăng bình quân trên 15%/năm; đã có 117 chủ thể có sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng, trong đó 88,3% là HTX, doanh nghiệp, 11,7% hộ gia đình.

Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới, phát triển cả về số lượng, chất lượng, hỗ trợ tốt cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình; tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp; tập trung chỉ đạo giảm số HTX nông nghiệp yếu kém, giải quyết tình trạng HTX nông nghiệp hoạt động không hiệu quả, ngừng hoạt động.

Ông Hà Minh Quý, PGĐ Sở NN&PTNN tỉnh Bắc Giang cho biết thêm, trong 3 năm qua toàn tỉnh thành lập thêm 116 HTX nông nghiệp; đến nay toàn tỉnh có 682 HTX nông nghiệp/1043 HTX (chiếm 65,38%), (tăng 143 HTX so với năm 2020), doanh thu bình quân các HTX nông nghiệp đạt 335 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân đạt 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Toàn tỉnh hiện có 586 trang trại đang hoạt động (tăng 115 trang trại so với năm 2020), tạo việc làm cho 3.000 lao động; có 120 trang trại có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản...

Đặc biệt việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất được đẩy mạnh như ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp; xây dựng mã số vùng trồng.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 293 mã số vùng trồng cho vải, nhãn, bưởi, vú sữa phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Thái an, Mỹ, Nga, Úc, EU, Hàn Quốc...; 301 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; số hoá 129 vùng trồng cây ăn quả tập trung có quy mô từ 10ha trở lên phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Song song với việc áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, thời gian qua tỉnh Bắc Giang cũng chú trong tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản bên cạnh những kênh phân phối truyền thống.

Ông Dương Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết, trong những năm qua Trung tâm đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, trao đổi với bà con về lợi ích của việc đưa nông sản Bắc Giang lên sàn thương mại điện tử.

Việc tạo một kênh bán hàng hiệu quả, đẩy mạnh doanh thu cho chủ cửa hàng khi kinh doanh trên sàn thương mại điện tử là việc rất dễ, các mặt hàng kinh doanh trên sàn đều dễ tiếp cận với nhiều đối tượng mua khác nhau, giúp người bàn hàng tiết kiệm được nhiều chi phí: mặt bằng, dữ liệu, nhân lực, nhập kho, tránh được tình trạng ép giá, lùi cân...

“Việc xuất hiện các sàn thương mại điện tử đã giúp vải thiều và một số nông sản khác trên địa bàn tỉnh vẫn được tiêu thụ thuận lợi với giá bán cao. Việc quảng cáo sản phẩm nông nghiệp ngay trên những thiết bị điện tử là một bước tiến mới đối với ngành nông nghiệp tỉnh nhà”, ông Sơn thông tin.