Chuyên gia đề xuất huyện đảo duy nhất của TPHCM thành khu thương mại tự do

Nhịp sống - Ngày đăng : 16:06, 25/11/2023

Viện phó Viện nghiên cứu phát triển TPHCM đề xuất đưa Cần Giờ thành khu thương mại tự do, từ đó hình thành một khu vực phục vụ kinh tế biển kết nối TPHCM với vùng Đông Nam Bộ, Long An, Tiền Giang...

Trong hội thảo "Kết nối chuỗi liên kết hướng tới phát triển kinh tế bền vững tại huyện Cần Giờ" ngày 24/11, TS Trương Minh Huy Vũ, Viện phó Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, đề cập đến khái niệm "kinh tế biển xanh".

Chuyên gia đề xuất huyện đảo duy nhất của TPHCM thành khu thương mại tự do - 1

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến sử dụng gần 90ha đất rừng phòng hộ ven biển (Ảnh minh họa: Hoàng Quy).

Theo TS Vũ, kinh tế biển xanh được định nghĩa là những hoạt động kinh tế liên quan đến biển, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững kinh tế, xã hội, môi trường.

Trong đó, 4 trụ cột kinh tế biển tại huyện đảo Cần Giờ thuộc các lĩnh vực: Du lịch và dịch vụ biển; Nuôi trồng, đánh bắt và khai thác thủy sản; Cảng trung chuyển quốc tế và các dịch vụ logistics; Năng lượng tái tạo.

Nhấn mạnh vào trụ cột xây dựng cảng trung chuyển quốc tế và các dịch vụ logistics, TS Trương Minh Huy Vũ đã đề xuất đưa Cần Giờ trở thành khu thương mại tự do (FTZ: Free-trade Zone), để hình thành một khu vực phục vụ kinh tế biển kết nối TPHCM với vùng Đông Nam Bộ, Long An, Tiền Giang và quốc tế, giúp hàng hóa sẽ đa dạng hơn.

Chuyên gia đề xuất huyện đảo duy nhất của TPHCM thành khu thương mại tự do - 2

Bản đồ vùng hấp dẫn của dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Ảnh: Portcoast).

Trong khu vực lân cận Việt Nam, FTZ được hình thành ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia... Các doanh nghiệp khi đầu tư vào FTZ được hưởng nhiều lợi ích như: miễn thuế xuất nhập khẩu; thuận lợi về vận chuyển, dịch vụ logistics; tạo nơi kết nối các doanh nghiệp khác trong và xung quanh FTZ.

Tuy nhiên, Viện phó Viện nghiên cứu phát triển TPHCM đặt ra vấn đề cần phải tính toán đưa Cần Giờ tập trung phát triển theo trụ cột kinh tế nào, hạ tầng kết nối ra sao mang đến phát triển tốt nhất cho cảng Cần Giờ.

Ông Trần Quốc Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam, cho rằng, để phát triển kinh tế, chính sách kiểm soát thuế quan phải theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp lưu thông nhanh hàng hóa. Về điều này, FTZ có lợi giúp giảm thời gian thông quan và lưu trữ hàng hóa ở các cảng.

Cũng trong buổi hội thảo, PGS.TS Vũ Anh Tuấn (Đại học Việt Đức) cho ý kiến, đề án phát triển FTZ cần nghiên cứu cụ thể từng loại mặt hàng, dây chuyền sản xuất, quy mô phù hợp với địa phương.

Chuyên gia Vũ Anh Tuấn nêu nguyên nhân diện tích đất Cần Giờ khiêm tốn so với việc hình thành FTZ, vì vậy cần phải xem xét kỹ lưỡng các yếu tố hiện hữu của địa phương. Nếu có quỹ đất nhỏ thì phải tính mở rộng sang cảng Thị Vải - Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Chuyên gia đề xuất huyện đảo duy nhất của TPHCM thành khu thương mại tự do - 3

Ảnh vệ tinh khu vực dự kiến đặt Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và phối cảnh tương lai (Ảnh: Portcoast).

Bên cạnh đó, PGS.TS Vũ Anh Tuấn còn đặt vấn đề cần sớm nghiên cứu các đánh giá tác động khi xây dựng cảng trung chuyển Cần Giờ để triển khai nhanh cảng này, sao cho vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ khu dự trữ sinh quyển và phát triển Cần Giờ phải theo hướng bền vững.

"Thành phố cần sớm đánh giá các tác động trên, có con số nghiên cứu cụ thể và cần làm nhanh. Nếu chúng ta làm chậm sẽ vụt mất thời cơ và hãng tàu hàng đầu thế giới MSC (có mặt tại Việt Nam từ năm 2000) sẽ bỏ TPHCM đi", ông Vũ Anh Tuấn cảnh báo.

Khu thương mại tự do (Free-trade Zone) được xác định là một loại hình đặc khu kinh tế, cung cấp các cơ sở kho bãi, lưu trữ và phân phối cho các hoạt động thương mại, trung chuyển và tái xuất khẩu, có thể áp dụng các thủ tục hải quan đặc biệt (miễn thuế) nhằm giúp khuyến khích hoạt động và giá trị gia tăng của địa phương.

Các FTZ thường được tổ chức xung quanh các cảng biển lớn, sân bay quốc tế và biên giới quốc gia - những khu vực có nhiều lợi thế về mặt địa lý cho thương mại.

Ngày nay, bên cạnh các hoạt động xuất nhập khẩu truyền thống, FTZ còn tập trung vào các ngành dịch vụ như công nghiệp phần mềm, hoạt động hỗ trợ, nghiên cứu và dịch vụ tài chính.

Tâm Linh