Đề xuất điều chỉnh cơ cấu tổ chức Tổng cục Quản lý thị trường
Nhịp sống - Ngày đăng : 13:31, 24/11/2023
Tại dự thảo quyết định, đề xuất điều chỉnh tên gọi của Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính thành Vụ Kế hoạch - Tài chính. Thành lập Tạp chí Quản lý thị trường (đơn vị sự nghiệp công lập) trên cơ sở Tạp chí Quản lý thị trường đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động năm 2021.
Tổ chức Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc Tổng cục Quản lý thị trường.
Cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh có các tổ chức tương đương gồm Đội quản lý thị trường và phòng (không quá 3 phòng).
Đội Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh gồm: Đội Quản lý thị trường huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Đội Quản lý thị trường liên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Đội quản lý thị trường chuyên ngành; Đội quản lý thị trường cơ động.
cho rằng, quy định số lượng phòng và Đội Quản lý thị trường trực thuộc Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, biên chế, quy mô địa bàn, đối tượng quản lý, hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng quản lý thị trường, đảm bảo không làm tăng thêm tổ chức bên trong các đơn vị.
Các quy định này không làm phát sinh đầu mối tổ chức trong các đơn vị thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, đồng thời giúp Bộ Công Thương chủ động trong việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Về lãnh đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đề xuất giữ nguyên như quy định tại Quyết định số 34/2018 của Thủ tướng Chính phủ, gồm tổng cục trưởng và không quá 4 phó tổng cục trưởng.
Như vậy, theo dự thảo quyết định đang được Bộ Tư pháp thẩm định, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ gồm: Văn phòng, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Chính sách - Pháp chế, Vụ Thanh tra - Kiểm tra, Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tạp chí Quản lý thị trường.
Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường được tổ chức không quá 4 phòng; các Vụ không tổ chức phòng.
Tổng cục Quản lý thị trường thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về các lĩnh vực: Phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật.