Từng bị dạy dỗ sai cách trong quá khứ rồi lại áp dụng vào con gái, mẹ Hà Nội may mắn “thức tỉnh” kịp lúc, tránh được bi kịch
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 07:58, 24/11/2023
Cha mẹ thường đặt ra một số giới hạn để bảo vệ con khỏi những rắc rối trong cuộc sống. Nhưng đôi khi ngăn cấm không phải là một điều tốt, thậm chí có thể ảnh hưởng tâm lý con cái, đào sâu hố ngăn cách giữa các thành viên trong gia đình.
Chị Quỳnh Hương - một kỹ sư ở Hà Nội, mới đây đã chia sẻ trường hợp của gia đình mình. Năm con gái chị học lớp 7, con muốn dùng điện thoại thông minh để tìm tài liệu và trò chuyện với bạn. Chị Hương từ chối với lý do: "Điện thoại chẳng phục vụ gì cho việc học của con cả! Nó chỉ làm cho con phân tán việc học thôi. Khi cần con có thể tìm tài liệu trên máy tính của bố mẹ".
Con chấp nhận, nhưng sau đó con hay mượn điện thoại bạn rồi dùng lén lút. Khi phát hiện ra, bố đã nói với con rất nhiều lời lẽ thậm tệ khiến con buồn một thời gian dài. Trong cuộc sống hàng ngày, chị Hương vẫn thường hay đưa ra các biện pháp cấm đoán nếu con làm trái ý muốn của gia đình: Cấm con chơi với bạn này bạn kia; cấm con mua những thứ "nhảm nhí"...
Ảnh minh hoạ
Lớp 8, con gái chị xếp thứ nhất khối. Nhưng lớp 9, cách kỳ thi vào 10 khoảng 1 tháng, con không học bài và không làm bài. Con thấy chán và bảo với cô chủ nhiệm và cô dạy Văn (rất thân với con) là con chỉ muốn làm ngược lại những điều mẹ nói. May mắn, con vẫn có kiến thức gốc để đỗ vào lớp 10 trường công, chỉ bị trượt hết các trường chuyên. Con dần ít chia sẻ chuyện của con với gia đình.
Đầu học kỳ 2 lớp 11, con bị đặt điều nói xấu trên mạng. Khi con chia sẻ với mẹ, mẹ đưa ra các biện pháp xử lý như "kệ nó đi",… làm con thấy tổn thương nhiều hơn. Và con ngắt kết nối hoàn toàn với gia đình. Con có dấu hiệu trầm cảm và đồng ý đi trị liệu tâm lý.
Tới đây, chị Hương cảm thấy mình đã giáo dục con "sai sai". Chị tự hỏi: Nếu chị không cấm con dùng điện thoại thông minh, mà cho phép con sử dụng với thời lượng phù hợp; nếu chị tin con hơn, trò chuyện cùng con nhiều hơn, có phải con sẽ không muốn làm ngược lại những điều mẹ nói. Nếu chị không quá khắt khe luôn cấm đoán kiểm soát con, liệu con có ngắt kết nối và tự chịu mọi vấn đề để ảnh hưởng đến tâm lý?
Vấn đề này cũng khiến chị soi xét lại quá khứ. Chị Hương cho biết lúc còn nhỏ, chị là một đứa mê đọc truyện, bởi vì truyện làm cho chị cảm nhận rất nhiều thứ hay ho, trong đó có liên quan đến cả sang chấn tâm lý thời thơ ấu. Tức là khi đọc truyện chị cảm thấy cực kì dễ chịu. Thế nhưng mẹ của chị cấm!
"Năm đó tôi học lớp 8. Hồi đó không có đọc online như giờ, mà mọi người hay thuê truyện ở các hàng. Để có tiền đi thuê, tôi còn bán hết sách cũ trong nhà cho đồng nát. Và rồi, mẹ cấm đọc ở nhà, thì tôi đọc dưới đèn đường! Hậu quả xảy ra nhanh lắm: Đến lúc thi vào 10 xong, mắt tôi bị loạn thị.
Và đến tận bây giờ, khi đã gần 30 năm sau kể từ ngày bị cấm, tôi vẫn không thể vượt qua cơn thèm khát đọc truyện cũ: Vui muốn đọc truyện, buồn muốn đọc truyện, sốc muốn đọc truyện (bác sĩ trị liệu tâm lý của tôi gọi đó là "thần dược của em").
Cơn thèm khát này có nhược điểm là làm cho tôi kém tập trung chuyên chú làm một việc - đặc biệt là khi có cảm xúc tiêu cực. Ngoài ra, trong thâm tâm, tôi vẫn trách mẹ tôi đã cấm tôi đọc truyện ngày đó: Khi tôi đã học bài, làm việc nhà đầy đủ, thì tại sao lại cấm tôi đọc truyện?! Vượt cấm, còn là cách tôi thể hiện sự lớn mạnh (hơn mẹ - có sự so sánh thắng thua với mẹ), đến lúc tôi lớn lên, đi làm thì mẹ chẳng thể cấm tôi đọc truyện được nữa" , chị Hương chia sẻ.
Cấm đoán hay thỏa thuận và hướng dẫn?
Câu chuyện cha mẹ càng cấm, con càng muốn làm vốn dĩ không phải mới hay xa lạ với nhiều gia đình, tuy nhiên nó vẫn diễn ra như một điều tất yếu của dòng chảy cuộc sống. Phải chăng khoảng cách thế hệ luôn là rào cản, rằng trong mắt cha mẹ, con cái mãi là những đứa trẻ cần được bảo bọc? Hay chính những đứa con chưa được trang bị vốn sống, kỹ năng sống để tạo niềm tin ở nơi cha mẹ rằng dẫu ngoài kia có nhiều bất trắc thì con cái vẫn bình an, vẫn đối diện một cách an toàn.
Theo chị Hương, cũng như chị, nhiều phụ huynh thường cấm con khi thấy việc con làm gây ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và có thể ảnh hưởng cả đến mọi người trong gia đình. Có một số vấn đề xảy ra khi bạn cấm đoán con làm gì đó: Con sẽ tìm cách "lách luật" (chắc chắn rồi). Việc lách luật này sẽ gây ảnh hưởng xấu, hoặc gây tác hại cho sức khỏe của con, có thể còn ảnh hưởng cả đến việc học của con.
Nếu con lách luật thành công, con sẽ thấy cần phải "vượt rào" trước những lệnh cấm. Trong thâm tâm con sẽ thấy quy tắc đề ra là để phá vỡ, con trở nên vô kỷ luật hơn một chút. Nếu con lách luật không thành công, con sẽ thấy oán trách người đã ra lệnh cấm. Trường hợp nặng hơn, có thể con sẽ dần ít chia sẻ với gia đình, lâu dần sẽ mất kết nối với gia đình. Và nếu bạn biết con lách luật, bạn sẽ thấy buồn, thấy tổn thương vì "Mình làm điều tốt cho con, nhưng con lại cư xử như thế?!".
Về lâu dài, mâu thuẫn giữa cha mẹ và con tăng cao. Có những bạn trẻ khi đã có thể độc lập, các bạn tách khỏi gia đình một cách đau khổ, hoặc vẫn tiếp xúc gia đình nhưng vô cùng hạn chế thể hiện bản thân.
Cuối cùng, bạn có đủ "sức mạnh" để cấm con đến bao giờ?! Cấm đoán giống như "đi tù" (có thể là sự so sánh quá lên, nhưng với tâm lý non nớt của con, thì sự cấm của bố mẹ cũng giống như con bị nhốt) – cần có thời hạn. Để con không thấy cần mạnh hơn bố mẹ để vượt qua lệnh cấm của bố mẹ.
Không cấm đoán, chỉ nêu ra các kết quả để con tự lựa chọn
Lệnh cấm của bố mẹ có thể nuôi dạy nên những đứa trẻ "ngoan", nhưng sau khi trẻ khôn lớn, trẻ có thể đánh mất tinh thần nhiệt huyết và dễ dàng phục tùng ý kiến của người khác. Khi trẻ trưởng thành, nếu không có chỉ thị của bố mẹ hoặc cấp trên, trẻ sẽ không biết việc mà mình nên làm.
Hiện tại, chị Hương không đưa ra ý kiến để buộc con làm theo nữa. Với mỗi hành động của con, chị chỉ nêu ra các kết quả để con tự lựa chọn. Tuy nhiên, chị có yêu cầu một số việc con tuyệt đối không được làm, như hành vi vi phạm pháp luật như phạm luật giao thông, ăn cắp...
Đừng cấm bất kỳ cái gì nếu bạn không thể đảm bảo cả đời bạn hoặc con bạn sẽ không tiếp xúc với nó! Hãy cho bản thân và con bạn tiếp xúc với một mức độ vừa phải, với thời lượng vừa phải, tìm những ưu điểm để sử dụng, tìm những tác hại để tránh.
"Hiện vợ chồng tôi không hạn chế con dùng thiết bị điện tử, chỉ hạn chế con dùng tối đa 30 phút/buổi với tư thế ngồi đúng. Ngoài ra, khi con sử dụng, chúng tôi có theo dõi để nhắc nhở con không xem những video không phù hợp. Hiện tại con làm chủ nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử khá tốt, trộm vía! Con biết mình phải thực hiện toàn bộ việc chăm sóc bản thân, việc học, rồi con mới dùng thiết bị điện tử trong thời gian quy định.
Những vấn đề khác trong gia đình, khi cần, bố mẹ con cái sẽ cùng thảo luận để chỉ ra đâu là ưu điểm, nhược điểm. Chúng tôi phân tích đúng sai cho con theo hướng gợi ý và tôn trọng quan điểm của con thay vì ra lệnh. Con cũng dần gần gũi và cởi mở với gia đình hơn.
Có câu "nước chảy đá mòn". Con trẻ thường được ví như đá cứng đầu cứng cổ, bố mẹ như nước thay đổi liên tục. Chính sự thay đổi linh hoạt của bố mẹ sẽ làm thay đổi con. Và bố mẹ đừng cứng nhắc giống như tảng đá, trở thành vòng vây của con cái, để con lúc nào cũng phải tìm cách lách luật vào các khe hở" , bà mẹ này nhận định.
Theo Phụ nữ mới