Điểm tin kinh doanh 24/11: Vàng lao dốc sau khi tăng sốc
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 24/11/2023
- Vàng lao dốc sau khi tăng sốc
Giá vàng hôm nay bất ngờ lao dốc sau khi tăng sốc vào ngày hôm 22/11.
Chiều 23/11, giá vàng tại DOJI Hà Nội giảm 250 nghìn đồng/ lượng chiều bán ra. Hiện giá vàng hôm 23/11 đứng ngưỡng 71 triệu đồng/ lượng mua vào; 71,75 triệu đồng/ lượng bán ra.
DOJI TP Hồ Chí Minh điều chỉnh vàng giảm 200 nghìn đồng/ lượng chiều mua vào; 300 nghìn đồng/ lượng chiều bán ra. Đưa giá vàng hôm 23/11 đứng ngưỡng 70,8 triệu đồng/ lượng mua vào; 71,7 triệu đồng/ lượng bán ra.
VIETINBANK GOLD điều chỉnh giá vàng hôm 23/11 đứng ngưỡng 70,95 triệu đồng/ lượng mua vào; 71,77 triệu đồng/ lượng bán ra (giảm 150 nghìn đồng/ lượng mua vào; 50 nghìn đồng/ lượng bán ra).
SJC Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch vàng quanh ngưỡng 70,95 triệu đồng/ lượng mua vào; 71,77 triệu đồng/ lượng bán ra (giảm 150 nghìn đồng/ lượng mua vào; 50 nghìn đồng/ lượng bán ra so với chốt phiên trước đó).
Hôm 22/11, vàng trong nước đã có một ngày tăng sốc khi vàng tăng tới cả triệu đồng/ lượng, đưa giá vàng đạt ngưỡng 72 triệu đồng/ lượng. Tuy nhiên, ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng 23/11, vàng đã ngay lập tức “bốc hơi”, có thời điểm vàng mất đến gần 500 nghìn đồng/ lượng.
Giá vàng thế giới chiều 23/11 đang đứng ngưỡng 1.996 USD/ ounce, tăng nhẹ so với đầu giờ sáng. Sáng 23/11, giá vàng thế giới giảm nhẹ. Theo Kitco News, sự sụt giảm giá ngày hôm 23/11 có thể đến trực tiếp từ sức mạnh cận biên của đồng đô la. Hiện tại, đồng đô la tăng 36 điểm hay +0,34% và cố định ở mức 103,805. Điều này minh họa rõ ràng rằng sức mạnh của đồng đô la tăng theo tỷ lệ tương tự khi giá vàng tương lai giảm.
Thị trường kim loại quý trong phiên giao dịch trước kỳ nghỉ Lễ Tạ Ơn cũng chịu lực bán nhẹ khi báo cáo mới nhất cho thấy sự cải thiện bất ngờ trên thị trường lao động Mỹ. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hằng tuần đã giảm so với ước tính. Dữ liệu thị trường lao động mới nhất tốt hơn nhiều so với mong đợi.
Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, Huw Roberts, người đứng đầu bộ phận phân tích tại Quant Insight, nói rằng vàng và bạc đang ở gần giá trị hợp lý trong môi trường hiện tại. Theo mô hình ngắn hạn của QI, giá trị hợp lý của vàng là khoảng 2.004 USD/ ounce; đồng thời, định giá dài hạn của nó là khoảng 1.968 USD/ ounce.
Triển vọng trung lập của vàng được đưa ra khi giá không thể giữ mức tăng trên 2.000 USD/ounce. Roberts lưu ý rằng thị trường vàng đang trong chế độ vĩ mô tích cực và đang tăng trưởng; tuy nhiên, không có tín hiệu mua mạnh. Ông mô tả hành động giá là “tăng cao hơn”.
- Samsung tiếp tục dẫn đầu doanh số TV toàn cầu
Samsung Electronics đứng đầu thị trường TV toàn cầu với thị phần gần 30% xét theo doanh thu trong quý III/2023, trong khi á quân LG Electronics là quán quân thị trường TV OLED.
Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Omdia, thị phần doanh thu của Samsung trong quý III/2023 là 29,9%, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Hãng công nghệ Hàn Quốc cũng đứng đầu bảng về doanh số bán ra, chiếm 18,3% lô hàng trong giai đoạn này và củng cố vị trí số 1 từ năm 2006.
Trong khi nhu cầu TV nói chung giảm so với năm trước, Samsung cho biết doanh số các sản phẩm cao cấp, trên 2.500 USD như TV Neo QLED và TV OLED vẫn ổn định.
Không chỉ như vậy, công ty ghi nhận thị phần tăng 16,2% lên 62% trong quý III năm nay.
Doanh số TV toàn cầu giảm 4,4% xuống còn 143 triệu đơn vị từ tháng 7 đến tháng 9 so với một năm trước do nhu cầu sụt giảm và suy thoái kinh tế.
LG Electronics là “vua” của thị trường TV OLED 11 năm liên tiếp, bán được tổng cộng 2,03 triệu đơn vị trong 9 tháng đầu năm 2023, chiếm 55% thị phần.
Theo LG, nhu cầu về TV cao cấp siêu lớn đang tăng trưởng ổn định, thị phần TV 75 inch và lớn hơn vượt 25% thị trường TV OLED cho đến quý III/2023. Điều này có nghĩa cứ 4 TV OLED bán ra lại có một sở hữu màn hình từ 75 inch trở lên.
Từ tháng 1 đến tháng 9, LG cho biết họ nắm giữ 60% thị phần trong các lô hàng sản phẩm TV 75 inch trở lên trên thị trường OLED.
Trong cùng kỳ, tổng số TV bán ra của LG, bao gồm TV OLED và LCD, đạt 16,29 triệu đơn vị, chiếm 16,4% thị phần.
- Huawei Cloud chia sẻ lợi ích cho các doanh nghiệp, tiếp sức nền kinh tế số Việt Nam
Tại Hội thảo & Triển lãm Internet Day 2023 với chủ đề “Không gian mới, Cơ hội mới cho Internet Việt Nam”, ông Li Chufei - Giám đốc Kinh doanh mảng Huawei Cloud Đông Nam Á đã có bài phát biểu về công nghệ và giải pháp đám mây đang làm thay đổi cuộc sống, xã hội, định hình tương lai nền kinh tế số.
Với kinh nghiệm nghiên cứu, phát triển và đưa vào ứng dụng thực tế, ông Li Chufei - Giám đốc Kinh doanh Huawei Cloud Đông Nam Á đã có những chia sẻ về cách thức công nghệ điện toán đám mây có thể thúc đẩy các doanh nghiệp tăng trưởng và chia sẻ thịnh vượng, cũng như trao quyền cho nền kinh tế số Việt Nam.
Ông Li Chufei nhấn mạnh, dịch chuyển lên đám mây là một trong những chìa khóa để các doanh nghiệp tạo ra sự tăng trưởng đột phá trên thị trường, đóng góp vào nền kinh tế số Việt Nam. Đồng thời, ông cũng tái khẳng định cam kết của Huawei Cloud trong việc mở khoá tiềm năng của các ngành công nghiệp thông minh bằng cách đổi mới sáng tạo cùng với khách hàng và đối tác, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp dữ liệu theo nguyên tắc cởi mở, hợp tác và chia sẻ thành công tại Việt Nam. Sức mạnh đám mây của Huawei không chỉ thể hiện qua cơ sở hạ tầng đám mây đầy đủ với chi phí triển khai tối ưu và lợi ích tối đa, mà còn nằm ở hệ sinh thái đối tác giàu kinh nghiệm từ toàn cầu đến địa phương, các dịch vụ hỗ trợ bản địa hóa với văn phòng và kỹ sư chuyên nghiệp.
Ông Li Chufei cho biết: “Tại Việt Nam, Huawei Cloud đang giới thiệu các công nghệ tiên tiến về đám mây và trí tuệ nhân tạo. Những công nghệ này đóng vai trò là chất xúc tác nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển như: Giải pháp Truyền phát Video, Giải pháp Fintech, Quy trình Tự động hóa Robot, Khả năng OCR. Ngoài ra với vai trò cầu nối, Huawei Cloud sẽ đưa nhiều khách hàng và đối tác hơn đến Việt Nam, hỗ trợ hệ sinh thái bản địa và phát triển nền kinh tế số. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, việc hợp tác và chia sẻ lợi ích với đối tác và khách hàng Việt Nam sẽ giúp dịch vụ đám mây phát triển nhanh hơn, tiếp cận nhiều cơ hội, tạo ra nhiều việc làm, không ngừng đóng góp cho nền kinh tế số, vì một tương lai tốt đẹp hơn của Việt Nam”.
- Bán tháo cuối phiên, VN-Index 'bốc hơi' 25 điểm
Thị trường chứng khoán bất ngờ giảm mạnh vào cuối phiên giao dịch ngày 23/11 khiến chỉ số VN-Index mất 25,33 điểm, xuống 1.088,49 điểm.
Trong phiên giao dịch sáng 23/11, thị trường chứng khoán trong nước quay lại trạng thái giao dịch lình xình với mức thanh khoản giảm đáng kể. Kết phiên sáng, VN-Index giảm nhẹ 0,76 điểm và độ rộng vẫn duy trì khá cân bằng với 215 mã tăng và 218 mã giảm.
Tuy nhiên, bước ngoặt đến sau khung thời gian 14h, khi nhà đầu tư mất kiên nhẫn và quyết định bán tháo khiến sắc đỏ lan rộng trên bảng điện tử. Thị trường chứng khoán lao dốc mạnh vào cuối phiên chiều khiến chỉ số VN-Index giảm tới 25,33 điểm, tương đương 2,27%, xuống 1.088,49 điểm khi đóng cửa.
Toàn sàn HoSE ghi nhận 397 mã giảm, 109 mã tăng và 79 mã đứng giá. Trong rổ VN30, có tới 29 mã giảm, chỉ đúng 1 mã đứng giá. VN30-Index giảm 27,12 điểm (2,44%) xuống 1.082,68 điểm.
Nhiều cổ phiếu chứng khoán giảm kịch sàn như VCI, VIX, FTS, BSI, CTS, AGR. Trong khi đó, SSI giảm 6,08%, VND giảm 5,94%, HCM giảm 5,61%.
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng giảm kịch biên độ như TCH, CTD, DXG, SZC, HDC, QCG, TIP, HTN, PDR, DIG, NLG...
Một số cổ phiếu trong nhóm sản xuất giảm kịch sàn như HSG, BMP, NKG, NHH. Trong khi đó, HPG giảm 4,96%, MSN giảm 2,47%, SAB giảm 4,88%, GVR giảm 4,22%, DGC giảm 3,43%, DCM giảm 3,7%, DPM giảm 3,13%...
Cổ phiếu ngân hàng cũng chìm trong sắc đỏ với STB, SHB, EIB giảm trên 3%, VPB, ACB, HDB, VIB, LPB giảm trên 2%.
Trên sàn HNX, diễn biến cũng tương tự khi HNX-Index chịu sức ép lớn về cuối phiên và lao dốc, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày. Chốt phiên, HNX-Index giảm 5,95 điểm (2,58%), xuống 224,54 điểm. Toàn sàn có 107 mã giảm, 60 mã tăng và 58 mã đứng giá.
UpCoM-Index đóng cửa giảm 1,09 điểm (1,26%), xuống 84,95 điểm.
Thanh khoản ở mức cao với tổng giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt gần 24.000 tỷ đồng.
- Không bổ sung linh kiện ô tô vào nhóm thuế nhập khẩu ưu đãi 0%
Bộ Tài chính đề xuất không bổ sung thêm mặt hàng phụ tùng, linh kiện vào Danh mục nhóm 98.49 để áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0%.
Theo Chinhphu.vn, Bộ Tài chính mới có Tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình soạn dự thảo, có một công ty ô tô kiến nghị bổ sung một số mặt hàng phụ tùng, linh kiện vào Danh mục nhóm 98.49 để áp dụng mức thuế suất 0% đối với thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN).
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định, linh kiện ô tô của doanh nghiệp tham gia chương trình ưu đãi thuế được áp dụng mức thuế suất nhập khẩu 0% phải có tên trong nhóm 98.49 và thuộc loại linh kiện trong nước chưa sản xuất được. Việc xác định linh kiện trong nước chưa sản xuất được căn cứ theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Danh mục nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được.
Hiện nay, các mặt hàng tại nhóm 98.49 thuộc Danh mục nhóm mặt hàng quy định cơ bản đều là các mặt hàng trong nước chưa sản xuất được và hàm lượng khoa học công nghệ cao, chế tạo phức tạp để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển, giảm giá thành sản xuất.
Tuy nhiên, các mặt hàng mà công ty nói trên kiến nghị hầu hết là các mặt hàng trong nước đã sản xuất được, cùng với việc danh mục nhóm 98.49 đã qua nhiều lần sửa đổi và cơ bản phù hợp với thực tiễn. Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ không bổ sung thêm mặt hàng phụ tùng, linh kiện vào Danh mục nhóm 98.49 để áp dụng mức thuế suất MFN 0%.