Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc ô nhiễm không khí đe doạ sức khoẻ
Tin Y tế - Ngày đăng : 15:28, 23/11/2023
Ngày 20.11 vừa qua có mức ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất, trong khoảng thời gian từ 1-6 giờ sáng với mức ô nhiễm theo chỉ số AQI dao động trong khoảng 160-249, đây là mức cực kỳ nguy hại cho sức khỏe con người. Sau đó, chỉ số ô nhiễm không khí của Hà Nội vẫn ở mức cao nhưng giảm dần.
Không chỉ Hà Nội, một số tỉnh phía Bắc chất lượng không khí cũng bị ô nhiễm như vào ngày 19.11, nhiều địa phương có chất lượng không khí xấu là Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định và Hòa Bình với chỉ số AQI lần lượt là Hà Nội 156, Hòa Bình 167, Hưng Yên 189 và Nam Định 189. Đây là mức ô nhiễm gây hại cho sức khỏe con người. Dự báo tình trạng ô nhiễm không khí ở các tỉnh miền Bắc còn kéo dài trong những ngày tới cho đến khi có đợt gió mùa Đông Bắc tràn xuống nước ta.
Sáng nay (23.11), tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội vẫn ở mức nghiêm trọng. Hầu hết các điểm đo ở ngưỡng tím, ngưỡng rất có hại cho sức khỏe, nhiều điểm đo chạm ngưỡng nâu, mức nguy hiểm với sức khỏe con người.
TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Tổng cục phó Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Hiện nay có nhiều website, app (ứng dụng) có thể tra cứu thông tin quan trắc ở một số thành phố như Hà Nội, TPHCM.
Hà Nội, TPHCM và các đô thị lớn hiện phát triển đô thị hóa với tốc độ “chóng mặt”, các thành phố như các công trường xây dựng, phương tiện giao thông gia tăng hàng ngày… nếu không có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tích cực và hiệu quả hơn, vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm không khí nói riêng sẽ có xu thế gia tăng đáng lo ngại.
"Ô nhiễm bụi là đáng lo ngại. Ảnh hưởng của bụi đến sức khỏe phụ thuộc vào bản chất hạt bụi, kích thước hạt bụi, các hạt bụi còn là vật chứa các vi sinh vật như vi khuẩn , virút, nấm mốc xâm nhập vào cơ thể. Các hạt bụi càng nhỏ càng đi sâu vào đường hô hấp như các phế nang thậm chí thẩm thấy qua hệ thống mạch vào máu như bụi mịn PM2.5. Bụi PM2.5 được đánh giá có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến sức khoẻ con người.
Với điều kiện không khí như hiện nay, người dân tránh tập thể dục ngoài trời, đóng cửa sổ để tránh không khí ô nhiễm bên ngoài, đeo khẩu trang đúng chuẩn khi ra đường và sử dụng máy lọc không khí để bảo vệ sức khỏe. Người dân cần hạn chế ra ngoài vào thời gian ô nhiễm và nên hạn chế hoặc không tập thể dục buổi sáng. Ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất vào đêm, sáng sớm và chiều tối. Chính vì thế, người dân hạn chế đi tập thể dục buổi sáng bởi quá trình tập thể dục, việc thở gấp sẽ khiến lượng bụi vào cơ thể nhiều hơn", TS Hoàng Dương Tùng cho hay.
"Với tình trạng ô nhiễm như vậy, đối với trẻ em hoặc phụ nữ có thai thì rất nhạy cảm ở môi trường ô nhiễm, gây viêm nhiễm đường thở kéo dài, ảnh hưởng sự phát triển thể chất của trẻ, đi vào tuần hoàn và gây nhiều bệnh lý khác cho trẻ dẫn tới chậm phát triển cả thể chất và tinh thần. Người già thì gây kích ứng, điều trị kéo dài. Những trẻ em bị hen suyễn hay phổi mãn tính ở người già cần được sống trong môi trường trong lành. Cần có sự trợ giúp của y tế để nhận sự hỗ trợ của y tế", bác sĩ Nguyễn Ngọc Hồng - Trưởng khoa Bệnh phổi nghề nghiệp (Bệnh viện Phổi Trung ương) phân tích.
Các chuyên gia đưa ra khuyến cáo, khi không khí bị ô nhiễm nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào, đặc biệt là các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm. Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế đun nấu bằng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ và thay bằng bếp điện hoặc bếp gas. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí. Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng cần lưu ý thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn; hạn chế tối đa đi ra ngoài, đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.