TikTok đã 'sạch' hơn so với trước đây

Cuộc sống số - Ngày đăng : 13:56, 23/11/2023

Từng là một 'vấn nạn' với các nội dung đầy độc hại và nhạy cảm chính trị, nhưng với sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý Nhà nước, nội dung trên TikTok đã trở nên lành mạnh hơn so với trước đây.

Tại cuộc họp báo thường kỳ 3 tháng đầu năm 2023, đại diện Bộ TT&TT cho biết, TikTok có những nội dung phản cảm, lệch chuẩn, chống phá Đảng và Nhà nước.

Đồng thời, nhằm tăng cường quản lý, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các sai phạm của nền tảng, từ ngày 22/5/2023, Bộ TT&TT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.

Chiều 5/10, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã công bố kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành về hoạt động của TikTok tại Việt Nam.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, các sai phạm nổi bật tại Việt Nam của TikTok bao gồm các hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội, về bảo vệ trẻ em và về hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

Về hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội, bảo vệ trẻ em, TikTok vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, và quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.

Nền tảng vẫn cho phép trẻ em dưới 13 tuổi mở tài khoản dù là nền tảng mạng xã hội chỉ dành cho người từ 13 tuổi trở lên.

Về hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, TikTok chưa công bố thông tin về chủ sở hữu ứng dụng trên trang chủ của ứng dụng TikTok Shop theo quy định, vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 62 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020 (sửa đổi tại điểm b khoản 33 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022).

Cũng tại cuộc họp này, ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc chính sách TikTok Việt Nam cho hay: “Chúng tôi cam kết tuân thủ quy định pháp luật địa phương. TikTok sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT và các bộ ngành liên quan để thực hiện kết luận kiểm tra”.

Đồng thời, vị đại diện này cho biết, khi hoạt động ở Việt Nam, TikTok sẽ tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

Nhiều kết luận kiểm tra đã được TikTok thực hiện, một số đang được thực hiện và một số nội dung cần phải có thời gian.

Ngay sau đó, ngày 11/10 vừa qua, TikTok đã phối hợp cùng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, cùng báo điện tử Vnexpress, phát động chiến dịch Tin nhằm khuyến khích giới trẻ nâng cao nhận thức về tin giả, sáng tạo nội dung tích cực cho cộng đồng.

Mới đây, đại diện TikTok Singapore (đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành cung cấp các dịch vụ TikTok tại Việt Nam) đã có buổi làm việc với cơ quan chức năng Việt Nam.

Sau buổi làm việc, TikTok Singarpore đã gửi một văn bản cam kết thực hiện các yêu cầu của cơ quan chức năng, đặc biệt là cam kết bảo vệ trẻ em trên môi trường TikTok.

Trong đó có những giải pháp bảo vệ trẻ em trên nền tảng, như hạn chế thời gian truy cập với người dưới 18 tuổi, xóa bỏ tài khoản của trẻ dưới 13 tuổi.

Đến thời điểm hiện tại, khi truy cập vào nền tảng mạng xã hội TikTok, nhiều người dùng cho biết, hiện trong thời gian qua đã không còn thấy xuất hiện nhiều các video có nội dung nhảm nhí, hay các nội dung “nhạy cảm”; Thậm chí các trend nhảm nhí cũng không còn được gợi ý lên để thu hút người xem như trước đây.

Anh Nguyễn Hoàng Long, một người dùng tại TP.HCM cho biết, có một sự thay đổi lớn về nội dung của TikTok trong thời gian qua, nếu trước đây khi xem rất dễ dàng bắt gặp các nội dung nhảm nhí, thậm chí xuất hiện dày đặc, thì giờ đây không còn thấy nhiều nữa.

Bên cạnh đó, nhiều kênh trên nền tảng cũng xuất hiện các nội dung rất bổ ích cho người dùng như: hướng dẫn chụp ảnh đẹp, món ngon mỗi ngày hay kinh nghiệm trồng rau tại nhà…

Ông Trần Văn Hoàng, 55 tuổi, tại TP.HCM cũng chia sẻ, là một người hay theo dõi các tin tức thời sự qua nền tảng này, hiện ông không còn thấy xuất hiện các video xuyên tạc chính trị hay xúc phạm hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước như lúc trước.

Các nội dung thời sự được cung cấp bởi các kênh của đài truyền hình hay báo chí đều được cập nhật rất kịp thời và chính thống.

Trong thời gian qua, TikTok cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (TTXTTM) chính thức tổ chức Lễ ký kết Biên bản hợp tác nhằm tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã trong việc số hoá các hoạt động xúc tiến thương mại thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Hoạt động này cũng đóng góp vào tiến trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

TikTok cho ra mắt chuỗi sự kiện Chợ phiên OCOP được phát sóng trực tiếp (livestream) trên TikTok Shop hàng tuần, sự kiện sẽ là cơ hội quảng bá và bán hàng trực tuyến các sản phẩm - đặc sản vùng miền do chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương sản xuất.

Thông qua dự án này, TikTok đặt mục tiêu cải thiện sinh kế của 20.000 nông dân địa phương, người dân thuộc các làng nghề thủ công và các doanh nghiệp nhỏ trải dài trên khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống địa phương và thúc đẩy du lịch trên các vùng miền.

Nền tảng cũng tái khởi động hashtag #Dacsanvietnam nhằm thúc đẩy tương tác và kết nối giao thương giữa các đơn vị và người tiêu dùng. Đáng chú ý, hiện hashtag này đã thu hút đến 1,2 tỷ lượt xem.