ASEAN trước cơ hội trở thành tâm điểm của tăng trưởng kinh tế bền vững
Tin đối ngoại - Ngày đăng : 08:52, 23/11/2023
Quý III/2023, GDP của Việt Nam - quốc gia có dân số lớn thứ nhất và thứ ba trong ASEAN, tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. (Nguồn: Getty) |
GDP tăng trưởng
Trong bối cảnh khủng hoảng địa chính trị, kinh tế toàn cầu, các nước gặp nhiều khó khăn hậu đại dịch Covid-19, nhiều nền kinh tế trì trệ, tăng trưởng âm thì, theo số liệu thống kê tới ngày 20/11, một số nước ASEAN vẫn ghi nhận tín hiệu tích cực, dần phục hồi, tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước.
Theo Cơ quan Thống kê Philippines, nền kinh tế nước này đã hồi phục mạnh mẽ trong quý III/2023 với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, Cơ quan Thống kê Indonesia chỉ ra rằng, GDP của Indonesia trong quý III/2023 tăng 4,94%.
Trong khi đó, Malaysia ghi nhận tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý III/2023 với GDP tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 2,9% hồi quý II năm nay. Còn theo Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan (NESDC), GDP nước này trong quý III/2023 tăng trưởng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại Singapore, Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) cho biết, nhờ du lịch và hoạt động sản xuất tăng trưởng trở lại so với quý II/2023, kinh tế nước này trong quý III/2023 ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn ước tính. Cụ thể, GDP quý III/2023 tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái - con số cải thiện hơn so với mức tăng trưởng 0,5% hồi quý II/2023.
Còn ở Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, GDP quý III/2023 tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023 nhưng đã ghi nhận xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%).
Kết nối là chìa khóa
Theo thống kê chính thức, kinh tế ASEAN đã đạt được những kết quả tích cực trong thập niên qua với mức tăng trưởng trung bình 4-5%. Năm 2022, tăng trưởng khu vực này đạt 5,7% và được dự báo tiếp tục đạt kết quả tích cực trong năm nay. ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ 5, nhà xuất khẩu lớn thứ 4 và là khu vực thu hút đầu tư nước ngoài lớn thứ hai thế giới.
Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề kết nối ASEAN lần thứ 14 với chủ đề “Thúc đẩy kết nối hướng tới biến ASEAN thành trung tâm tăng trưởng” tại Indonesia ngày 8/11, Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) Tetsuya Watanabe cho rằng, kết nối ASEAN đã chứng tỏ là nền tảng cho chiến lược phục hồi hậu đại dịch Covid-19 của Hiệp hội, với sự phối hợp chính sách, tập hợp nguồn lực và hình thành quan hệ đối tác nhằm tăng cường khả năng phục hồi của khu vực. Theo ông, kết nối là chìa khóa để phát triển kinh tế bao trùm trong ASEAN.
Trong bài viết mới đây, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi nhấn mạnh: "Indonesia và Việt Nam, với tư cách là quốc gia có dân số lớn thứ nhất và thứ ba trong ASEAN, đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc hợp tác cùng nhau trên nhiều lĩnh vực nhằm giải quyết những thách thức chung và mở ra những cơ hội mới".
Theo Đại sứ Denny Abdi, bất chấp nhiều thách thức, năm ngoái, nền kinh tế ASEAN ghi nhận mức tăng trưởng GDP cao hơn mức trung bình toàn cầu. Trong những năm tới, vai trò của Indonesia và Việt Nam trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu sẽ ngày càng lớn hơn. Hai nước đang phát triển nhanh chóng và sẽ đóng vai trò lớn hơn ở cả khu vực và toàn cầu.
Những nỗ lực của Indonesia và Việt Nam cũng lan tỏa tới nước thành viên ASEAN khác và dự kiến sẽ cùng tăng trưởng nhanh chóng trong vài thập niên tới. Đây là luồng gió mới cho phần còn lại của thế giới đang tìm kiếm cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đại sứ Denny Abdi cho rằng, thông qua sự tăng trưởng đáng chú ý này, Indonesia, Việt Nam và các nước thành viên ASEAN khác có thể dự báo tăng trưởng kinh tế của mình để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu. Đây cũng là tầm nhìn mà chủ đề Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia hướng đến: “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”.
Trong khi đó, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế Satvinder Singh cho rằng, ASEAN cần tiếp tục xây dựng năng lực và củng cố nền móng khu vực nhằm tối đa hóa lợi ích của kết nối ASEAN và Cộng đồng kinh tế ASEAN. Hiện nay, các nước ASEAN cũng cam kết xây dựng Chương trình nghị sự kết nối ASEAN sau năm 2025 như một phần của Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.
Xây dựng ASEAN hòa bình, ổn định, hợp tác vừa là trách nhiệm và nỗ lực tự thân vừa là nền tảng để lấy người dân làm trung tâm, làm động lực cho một ASEAN thịnh vượng và bền vững. Đó cũng chính là những thông điệp được đưa tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan tại Indonesia, tháng 9 vừa qua.
Bằng cách tăng cường hợp tác với các đối tác bên ngoài cũng như các quốc gia khác trong khối, ASEAN có thể tăng cường khả năng phục hồi của chính mình, đồng thời góp phần phục hồi kinh tế khu vực và toàn cầu. ASEAN đang đứng trước cơ hội có thể trở thành tâm điểm của tăng trưởng kinh tế bền vững.