Cô gái đôi mươi “ăn cơm trước kẻng” để được lấy anh chồng mù, 33 năm hôn nhân chỉ khóc vì 1 điều
Gia đình - Ngày đăng : 20:31, 21/11/2023
Tuổi đôi mươi xiêu lòng trước người đàn ông khiếm thị
Anh Phan Văn Minh (hiện 58 tuổi, quê ở Tiền Giang) bị khiếm thị từ lúc 9 tuổi. Anh gặp chị Lê Thị Đẹp (hiện 52 tuổi, quê ở Trà Vinh) cách đây hơn 30 năm. Khi đó, chị Đẹp đang ở độ tuổi đẹp nhất của người con gái, mười tám, đôi mươi, ngây thơ, chưa biết yêu là gì. Anh Minh dù không nhìn thấy chị Đẹp nhưng đã đem lòng yêu thương.
Chị Đẹp học uốn tóc tại tiệm của chị gái anh Minh. Thấy chị Đẹp giỏi giang, hiền lành, thật thà nên chị gái của anh Minh muốn mai mối cho em trai mình. Mỗi dịp anh Minh về, chị gái lại tạo điều kiện để 2 người có cơ hội gần gũi, làm quen. Chị Đẹp đảm nhận chuyện cơm nước, mua sắm, chăm sóc anh Minh,...
Anh Lê Văn Minh là người đàn ông hiền lành, chịu thương, chịu khó.
Thấy anh Minh thương mình thật lòng, chị Đẹp vượt qua những khó khăn, gièm pha để gắn bó cuộc đời với anh.
Cứ như vậy khoảng 1 năm sau, mưa dầm thấm lâu, chị Đẹp cũng có tình cảm với anh Minh. Bố mẹ chị Đẹp biết con gái yêu người đàn ông khiếm thị thì trăn trở vô cùng. Người cha, người mẹ nào cũng vậy, khi con gái đi lấy chồng, ai cũng mong con được gả vào nơi tốt đẹp, có tương lai. Anh Minh hiểu điều đó. Anh cũng biết chắc chuyện này sẽ xảy ra nên không cảm thấy buồn.
“Nếu gia đình em phản đối thì em thấy thế nào? Em có chịu cực được không? Em theo anh thì cực thật đó, nhưng anh sẽ bán vé số nuôi em”, anh Minh động viên chị Đẹp.
Mỗi khi ra đường, chị Đẹp và anh Minh luôn nhận được nhiều ánh mắt dò xét, tò mò. Có người còn hỏi thẳng chị Đẹp: “Cô như vậy mà sao lại lấy người mù?”.
Vợ chồng anh Minh, chị Đẹp và 2 con.
33 năm qua, anh Minh, chị Đẹp chung sống rất hạnh phúc.
Những câu hỏi đó không khiến cho chị Đẹp ngại ngùng, xấu hổ hay nản lòng. Bởi tình yêu thương mà anh Minh dành cho chị đã chiến thắng tất cả. “Tôi thương anh Minh bởi anh làm gì cũng nghĩ đến mình, bệnh chút thì anh chăm sóc. Tôi xác định lấy anh là sẽ vất vả, nhưng bản thân cũng là người tự lập từ nhỏ nên tôi không sợ. Anh ấy khiếm khuyết nhưng lại có nhiều điểm hơn người bình thường. Vì vậy tôi quyết tâm thương anh. Vợ chồng đến với nhau còn là cái duyên, cái nợ.
Từ ngày lấy nhau đến giờ, anh không để tôi thiếu thốn gì hết, vấn đề tài chính đều là anh lo. Cực thì có cực, nhưng tôi không phải khổ ở ngoài đường”, chị Đẹp xúc động. Trải qua 33 năm hôn nhân, chị Đẹp vẫn vậy, chỉ rơi nước mắt vì thương chồng chứ chưa bao giờ hối hận vì lấy anh Minh.
Chị Đẹp thật thà kể, năm ấy chị và anh Minh quyết định “ăn cơm trước kẻng” để được ở bên nhau. Khi biết tin mình mang thai, chị không quá lo lắng vì đã chuẩn bị tâm lý. Hai anh chị đưa nhau về bên nội ở. Khoảng 2 tháng sau, mẹ của chị Đẹp lên tiệm uốn tóc tìm thì mới hay tin con gái không còn ở đó nữa. Bà về tận nhà anh Minh tìm và muốn đưa chị Đẹp về nhưng chị từ chối.
Mãi đến khi sinh con xong, anh chị mới đưa cháu về bên ngoại để nhận lỗi. Anh Minh không ngờ, gia đình vợ đã đón nhận mình: “Ba vợ tôi rất vui, có la rầy nhưng cũng thương con rể. Ông coi tôi như một thành viên trong gia đình, không ngại chuyện tôi bị khiếm thị. Khi có khách đến nhà, ông vẫn bảo tôi ra ngồi tiếp khách cùng”.
Anh Minh luôn cố gắng cho vợ con cuộc sống tốt đẹp nhất.
Mắt không thấy nhưng không dựa dẫm ai
Khi đến với chị Đẹp, anh Minh luôn nghĩ trong đầu rằng mình đã có vợ thì phải có trách nhiệm với vợ, con, chứ không dựa dẫm vào vợ hay gia đình hai bên.
Tuy nhiên, bản thân anh mắt không thấy đường nên cuộc sống mưu sinh cũng vất vả gấp 5-7 lần người khác. Vợ chồng anh Minh, chị Đẹp từng đi ở nhờ nhà chị gái, làm nghề tóc cùng chị, rồi đi ghe gạo, bán vé số,... Vất vả không ít nhưng anh Minh lúc nào cũng lo cho vợ con đầy đủ. Câu nói của mẹ vợ: “Không thấy đường thì làm gì để sinh sống?” chính là động lực giúp anh cố gắng mỗi ngày.
“Từ ngày lấy nhau, mọi việc từ nhỏ đến lớn đều do anh ấy lo hết, từ khám thai, cho con uống sữa, ăn dặm, tiêm phòng,... Tôi chỉ chăm con thôi. Mắt anh vậy nhưng chăm con khéo lắm, cứ lấy tay sờ mọi thứ rồi làm. Có thời điểm anh đi bán vé số còn tôi làm móng dạo. Hai vợ chồng cứ thay ca sáng - chiều đi làm, ca còn lại ở nhà chăm con. Cuộc sống cũng bấp bênh lắm.
Đôi lúc tôi thấy mình thiệt thòi hơn người khác, nhưng đã chấp nhận lấy anh thì tôi chịu, không phàn nàn gì cả”, chị Đẹp tâm sự.
Hai con của anh Minh, chị Đẹp đều đã trưởng thành, ngoan ngoãn, hiếu thảo.
Không nhìn thấy vợ, nhưng trong suy nghĩ của anh Minh, bà xã của anh rất đẹp, tên Đẹp, tấm lòng cũng đẹp. Anh Minh tự hào kể, những lúc bố mẹ chồng đau ốm, một tay chị Đẹp chăm sóc cho ông bà. Chị được địa phương tặng bằng khen: “Nàng dâu hiếu thảo”.
May mắn trải qua bao khó khăn, hiện tại kinh tế gia đình anh Minh, chị Đẹp đã ổn định. Họ hiện làm chủ một cơ sở massage có 10 nhân viên ở TP.HCM, không giàu có nhưng đủ sống. Vợ chồng anh chị có với nhau 2 người con, 1 trai, 1 gái hiện đều đã trưởng thành.
Sau 33 năm hôn nhân, anh Minh gửi đến vợ lời cảm ơn sâu sắc vì những điều chị Đẹp đã hy sinh cho anh. Rưng rưng xúc động nhìn chồng, chị Đẹp đáp lại: “Dù hoàn cảnh nào, em cũng sẽ ở với anh”.
Theo Đời sống pháp luật