Lớp võ sân đình dành cho trẻ em nghèo
Nhịp sống - Ngày đăng : 20:01, 21/11/2023
Xuất phát từ lớp võ dạy hè năm 2016, được sự hỗ trợ của UBND Phường 4, Quận 3, TP.HCM, suốt 7 năm qua, bất kể ngày nắng hay mưa, cứ đến cuối tuần, bên trong sân đình Phú Thạnh lại rộn rã tiếng nói cười, tập luyện của các em nhỏ tham gia lớp học võ của võ sư Phạm Đức Thái. Mỗi buổi học diễn ra trong 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng đồng hồ với gần 100 em nhỏ ở mọi lứa tuổi.
Lớp võ sân đình của thầy Thái đặc biệt ở chỗ lớp học hoàn toàn miễn phí, các em theo học ở lớp đa phần có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em là trẻ mồ côi, chậm phát triển, cũng có em là trẻ mắc hội chứng tăng động. Song, đến với lớp võ, các em đều nhận sự quan tâm, yêu thương từ thầy Thái.
Trong mỗi buổi học, các em sẽ được luyện tập những bài quyền, những động tác tự vệ và cả những kỹ thuật đối kháng. Với hy vọng, võ thuật có thể giúp các em tự bảo vệ bản thân, rèn luyện sức khỏe và trên hết là nuôi dưỡng tâm hồn, hướng các em đến những giá trị nhân văn chân chính, nên ngay từ những ngày đầu mở lớp, bên cạnh việc giúp các em nâng cao thể chất, cải thiện kỹ thuật, thầy Thái còn chú trọng đến việc truyền đạt tinh thần thượng võ cũng như văn hoá ứng xử, trau dồi và phát huy những giá trị đạo đức vốn có của võ đạo.
“Tôi không dạy võ cho các con để các con đi đánh nhau, mà để các con phòng thân, biết tự bảo vệ mình, biết kỷ luật, biết tôn trọng và biết yêu thương. Tôi hướng các con đến võ đạo, nghĩa là thái độ của các con đối với xung quanh. Không chỉ học những kỹ năng chiến đấu, mà các con còn phải học cách sống, cách cư xử, tu dưỡng và hoàn thiện bản thân thông qua tập luyện võ thuật. Để các con hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức cao quý, tư duy sâu sắc, thái độ hiếu hòa và hành động hiệu quả”, thầy Thái chia sẻ.
Suốt 7 năm ròng rã đồng hành cùng lớp học, vấp phải không ít những khó khăn. Dẫu vậy, thầy Thái vẫn cố gắng tự xoay xở để duy trì lớp học võ miễn phí. Đã có khoảng thời gian thầy từng làm đủ thứ nghề từ lái xe, dạy võ tại trường đại học, đi giao hàng, thậm chí có lúc phải vay mượn,... chắt bóp từng đồng để có tiền mua võ phục, trả phí điện nước cho đình, tổ chức liên hoan, sinh nhật cho các em,... Đổi lại bao nhiêu vất vả, được nhìn thấy sự trưởng thành của các trò nhỏ là niềm hạnh phúc lớn nhất của thầy.
“Có bao nhiêu thì tôi làm bấy nhiêu. Miễn sao các con thấy vui, để các con thấy mình cũng được yêu thương, được quan tâm, được học hỏi như bao người là được”, võ sư Phạm Đức Thái tâm sự.
Đến với lớp võ từ khi còn là một học sinh cấp hai, trải qua 6 năm rèn luyện, Lê Ngọc Kim Châu (19 tuổi) không chỉ học được cách bảo vệ bản thân mà còn học cách để yêu thương mọi người từ thầy Thái. “Mình cảm thấy bản thân thay đổi rất nhiều từ thái độ đến cách nhìn nhận mọi việc. Trước đây, bản thân mình là một người khá nóng tính, hay lớn tiếng, nhưng mà từ khi theo học thầy Thái thì mình trở nên điềm tĩnh hơn, mình học được cách kiên nhẫn, thái độ hòa hoãn khi gặp bất kỳ tình huống nào. Ví dụ như trong cách đối xử với bố mẹ, thầy lúc nào cũng dạy rằng tụi mình phải hiếu thảo, cho nên mình luôn cư xử nhẹ nhàng, lễ phép và làm nhiều việc để phụ giúp bố mẹ”, Châu chia sẻ.
Còn với Tô Trần Bích Vân (13 tuổi), sau 7 năm theo học ở lớp võ sân đình, cô trò nhỏ đã rèn luyện được ý chí, sự tự tin và tự chủ cho bản thân. “Mình học được cách tự vệ để có thể tự bảo vệ bản thân. Bên cạnh đó, mình cũng không còn nhút nhát, mà trở nên mạnh mẽ, tự tin, hoạt bát và vui vẻ hơn. Thầy còn dạy tụi mình về đạo đức, biết thưa chào, biết lễ phép, lịch sự và khiêm nhường, đến lớp phải biết chào hỏi các thầy, các bạn”, Bích Vân nói.
Không chỉ truyền năng lượng yêu thương cho các võ sinh, thầy Thái còn lan tỏa động lực giúp đỡ các em nhỏ đến các võ sư khác. Cảm nhận được tâm huyết và sự nhiệt thành của thầy Thái với lớp võ, võ sư Nguyễn Minh Phúc (50 tuổi) đã quyết định đến hỗ trợ lớp học võ sân đình và đồng hành với lớp học cho đến tận bây giờ.
Gần bảy năm qua, dù công việc có bận rộn, thầy Phúc vẫy luôn để trống lịch vào mỗi cuối tuần để có thể đến lớp, cùng các em luyện võ, với hy vọng có thể góp phần giúp tương lai của các em tươi sáng hơn, trở thành người tử tế và có ích cho xã hội. “Tiền thì lúc nào kiếm mà chẳng được, nhưng đến dạy các em khiến tôi cảm thấy cuộc sống này có ý nghĩa hơn. Được nhìn thấy các em luyện tập, tiến bộ mỗi ngày là tôi cảm thấy vui, cảm thấy hạnh phúc rồi”, thầy Phúc bày tỏ.
Cứ thế, hết lứa học trò này đến lứa học trò khác đến rồi đi, lớp học võ sân đình vẫn luôn ở đó cùng với người thầy vừa cứng cỏi vừa hiền từ, luôn tận tâm truyền đạt kỹ năng võ thuật cho học trò.