Danh Tướng Dương Đình Nghệ, Người Kế Nghiệp Xuất Sắc Của Khúc Tiên Chúa

Dòng chảy - Ngày đăng : 10:54, 21/11/2023

Đức ông Dương Đình Nghệ, một vị danh tướng có công lớn đối với dân tộc. Chỉ trong chưa đầy một năm, tướng Dương Đình Nghệ ba lần đánh đuổi ba đạo quân lớn của Nam Hán do ba viên tướng khét tiếng khác nhau cầm đầu, bảo vệ nền độc lập, tự chủ đầu tiên của Việt Nam sau gần nghìn năm bắc thuộc.
25.png

Danh tướng Dương Đình Nghệ (chữ Hán: 楊廷藝), có sách như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép là Dương Diên Nghệ (楊筵藝, 22 tháng 11 năm 874 – 937), người Ái châu, làm tướng cho Khúc Hạo. Đời Hậu Lương, Lưu Nghiễm của nước Nam Hán tiếm hiệu vua ở đất Quảng Châu, lấy cớ Khúc Hạo chiếm cứ đất Giao Châu, sai Lý Khắc Chính và Lý Tri Thuận đánh chiếm Giao Châu. Con trai Khúc Hạo là Khúc Thừa Mỹ bị bắt.

“Khi Lý Khắc Chính bắt được (Khúc) Thừa Mỹ, (Dương) Đình Nghệ bèn tìm cách đánh báo thù. Ông chiêu tập hào kiệt, dùng đại nghĩa để khuyến khích cùng hợp mưu để đánh đuổi tướng (Nam) Hán là Lý Khắc Chính. Vua (Nam) Hán sai Lý Tiến sang làm Thứ Sử Giao Châu (thay cho Lý Khắc Chính). Danh tướng Dương Đình Nghệ lại đem quân vây hãm Lý Tiến. Vua (Nam) Hán liền sai Trần Bảo sang cứu Lý Tiến. Danh tướng Dương Đình Nghệ đón đánh và chém được Trần Bảo. (Từ đó) tướng Dương Đình Nghệ giữ lấy châu thành tự xưng là Tiết Độ Sứ, nhận lãnh mọi việc của châu”

Ngô Thì Sĩ
(Việt sử tiêu án)

Trong sử cũ, thỉnh thoảng, Danh tướng Dương Đình Nghệ cũng được chép là Dương Diên Nghệ. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ trong Hán tự, mặt chữ Đình và chữ Diên gần giống nhau, rất dễ nhầm lẫn khi đọc cũng như khi sao chép.

Do chữ diên (延 hoặc 筵) và chữ đình 廷 gần giống nhau nên có sự “tam sao thất bản”.

Đại Việt sử ký toàn thư, ngoại kỷ, Quyển V chép là Dương Đình Nghệ kèm ghi chú: “Cương mục ghi Dương Diên Nghệ, người Ái Châu, tức Thanh Hóa (CMTB5, 17a). Tài liệu Trung Quốc như Tống sử (q. 488), Tư trị thông giám v.v… cũng chép là Dương Diên Nghệ. Ngũ đại sử (q. 65) chép như Toàn thư (là Đình Nghệ). Có thể nhầm nét chữ vì chữ 延 diên và chữ 廷 đình gần giống nhau.”

Trong số sách ghi họ tên ông là Dương Diên Nghệ có Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Ở phần tiền biên, Quyển V của sách này có ghi chú: “Sách An Nam kỷ yếu chép là Đình Nghệ. Nay theo sách Cương mục (Trung Quốc) đổi lại là Diên Nghệ.”

Như trên đã nói Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép là Dương Diên Nghệ. Cuốn Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh cũng chép là Dương Diên Nghệ.

duong-dinh-nghe.jpg

Danh tướng Dương Đình Nghệ sinh năm nào chưa được xác định chính xác. Hiện tại, chúng ta chỉ biết ông mất năm 937. Tuy nhiên, xét việc ông nhận con nuôi và chọn con rể, cộng với một vài chi tiết có liên quan khác, cũng có thể ước đoán ông đã hưởng thọ khoảng trên dưới năm mươi tuổi.

Tướng Dương Đình Nghệ vốn là một hào trưởng, người làng Dàng. Làng này nay thuộc xã Dương Xá, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa. Thời Khúc Hào cầm quyền (907 – 917), Danh tướng Dương Đình Nghệ từng là một trong những bộ tướng của họ Khúc.

Năm 917, Khúc Hạo mất, con là Khúc Thừa Mỹ lên nối nghiệp cha. Danh tướng Dương Đình Nghệ tiếp tục làm bộ tướng cho Khúc Thừa Mỹ (917 – 930 ).

Bấy giờ, Trung Quốc đang trong thời loạn lạc, các tập đoàn thống trị không ngớt tìm cách chia bè kết cánh và xâu xé lẫn nhau. Một loạt các tiểu vương quốc lần lượt ra đời.

Sử gọi đó là thời Ngũ đại thập quốc (năm đời mười nước)1. Sát biên giới phía bắc nước ta là Nam Hán – một tiểu vương quốc do họ Lưu lập nên. Trong bối cảnh phức tạp đó, sự khôn khéo trong quan hệ bang giao có ảnh hưởng rất to lớn đối với vận mệnh quốc gia.

Khúc Hạo nhận thức rất đầy đủ về vấn đề này, rất tiếc là Khúc Thừa Mỹ lại không kế thừa được kinh nghiệm quý giá đó. Khúc Thừa Mỹ thường gọi Nam Hán là “ngụy triều”, “ngụy tặc” và chính lời lẽ thiếu tế nhị đó đã có tác dụng khiêu khích Nam Hán.

Phía Bắc nước Việt tồn tại hai nước lớn là nhà Nam Hán và nhà Lương. Năm 919, Khúc Thừa Mỹ sai sứ sang nhà Lương xin được lĩnh tiết việt, nhà Lương trao cho. Vua Nam Hán rất tức giận.

Diễn biến lịch sử

Mùa thu tháng 7 năm 923, vua Nam Hán Lưu Nghiễm sai tướng là Lý Khắc Chính (hoặc Lý Thủ Dung và Lương Khắc Trinh) đem quân sang đánh Giao Châu. Lý Khắc Chính bắt được Tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ đem về.

Mùa thu năm 923 vua Nam Hán sai kiêu tướng Lý Khắc Chính đem quân đánh Giao Châu bắt được Khúc Thừa Mỹ đem về. Dương Đình Nghệ lấy tư cách là tướng cũ của Khúc Hạo tập hợp quân sĩ đánh bại Lý Khắc Chính.

Lý Khắc Chính phải chạy về Nam Hán. Chúa Nam Hán muốn chiêu dụ tạm phong tước cho Dương Đình Nghệ và bảo “Dân Giao Châu hay nổi loạn nên chỉ có thể ràng buộc lỏng lẻo mà thôi”.

Sau nhà Nam Hán sai Lý Tiến sang làm Thứ sử cùng với Lý Khắc Chính đóng giữ Giao Châu ở Tống Bình (Hà Nội). Nhưng quyền lực của bọn Lý Tiến và bè lũ thực tế không ra khỏi thành Tống Bình; ở các địa phương các tướng lĩnh họ Khúc, các Hào trưởng vẫn giữ quyền cai quản nhân dân mình. Lợi dụng tước vị được tạm phong, Dương Đình Nghệ cai quản Ái Châu, ngày đêm quyết chí tiếp tục sự nghiệp khôi phục quyền tự chủ cho đất nước.

Ông đã nuôi 3000 nghĩa sĩ, luyện tập võ nghệ chuẩn bị lực lượng tập hợp nhân tài về làng Giàng, Dương Xá, Thiệu Hóa, Thanh Hóa, biến nơi này thành trung tâm kháng chiến, nơi tụ nghĩa của các anh hùng hào kiệt: Ngô Quyền từ Đường Lâm (Sơn Tây), Đinh Công Trứ từ Trường Châu (Ninh Bình), Phạm Bạch Hổ từ Đằng Giang (Hưng Yên). Tất cả đã đưa gia quyến và lực lượng của mình hợp lực với Dương Đình Nghệ chuẩn bị chống giặc suốt một thời gian dài 9 năm (từ năm 923 đến 931).

Lý Tiến biết việc này cho người về cấp báo với chúa Nam Hán. Tháng 12 năm Tân Mùi (931) mùa đông, danh tướng Dương Đình Nghệ kéo đại quân vây đánh Lý Tiến chiếm thành Đại La, thủ phủ của quân Nam Hán.

Mũi tiến quân chủ lực do Ngô Quyền chỉ huy, một mũi khác do Dương Tam Kha (con Dương Đình Nghệ) chỉ huy phối hợp với lực lượng của Đinh Công Trứ vây đánh quyết liệt Đại La. Thứ sử Lý Tiến vội cấp báo về Quảng Châu cầu cứu, chúa Nam Hán sai Thừa Chí Trần Bảo đem quân cứu viện.

Viện binh địch chưa sang đến nơi, thành Đại La đã rơi vào tay Dương Đình Nghệ. Tướng giặc là Lý Khắc Chính bị giết tại trận, Thứ sử Lý Tiến vội vàng phá vòng vây đem tàn quân tháo chạy về nước. Khi viện binh địch ồ ạt kéo sang, Dương Đình Nghệ chủ động rời thành đem quân phục kích những nơi hiểm yếu và tấn công các doanh trại dã ngoại của địch.

Trước sự tiến công vũ bão của quân ta, quân Nam Hán hoàn toàn tan rã, tướng Trần Bảo bị giết, lực lượng còn lại bị quân ta truy kích chạy tán loạn về nước. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Dương Đình Nghệ đã thắng lợi trọn vẹn. Họ Dương đã khôi phục lại nền tự chủ của nước nhà.

Danh tướng Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ cai quản đất nước, năm 931, Ngô Quyền – con rể của Dương Đình Nghệ được cử trôm nom Ái Châu, Đinh Công Trứ (Bố của đức ngài Đinh Bộ Lĩnh) được cử làm Thứ sử Châu Hoan.

Với tầm nhìn chiến lược, sáng suốt trong 6 năm (931 – 937) ông đã tập trung sức lực xây dựng lực lượng kháng chiến về mọt mặt, tiếp tục thực hiện các cải cách dưới thời họ Khúc, tổ chức lại các cấp hành chính từ Trung ương xuống địa phương, vươn xuống tổ chức cơ sở của xã hội (giáp, xã) để tăng cường quyền lực của Nhà nước Trung ương, sửa lại chế độ điền tô, thuế má và lực dịch, bình quân thuế ruộng, xóa bỏ lực dịch, lập sổ hộ khẩu kê rõ quê quán, giao cho giáp trưởng trông coi.

Về chính trị theo đạo lý của họ Khúc: “Chuộng khoan dung, giản dị, nhân dân đều được yên vui”. Bộ mặt đất nước bước đầu đã có chuyển biến thuận lợi, đời sống nhân dân dễ chịu hơn trước.

Đặc biệt Ông đã chọn đúng các nhân tài và trao cho họ trọng trách xây dựng, cai quản Châu Ái, Châu Hoan để tạo thành lực lượng lớn mạnh, mưu việc lâu dài của đất nước.

Như vậy, Danh tướng Dương Đình Nghệ dũng cảm đảm nhận trọng trách lãnh đạo nhân dân vùng lên giành lại độc lập và chủ quyền. Từ một vị hào trưởng – một bộ tướng thân tín của Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ.  Đức ông Dương Đình Nghệ trở thành một vị danh tướng, có công lớn đối với dân tộc. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, tướng Dương Đình Nghệ ba lần đánh đuổi ba đạo quân lớn của Nam Hán do ba viên tướng khét tiếng khác nhau cầm đầu.

z4900812982849_f70af76dfdcedcdf2335e65efd1d0c04.jpg

Lần thứ nhất: Diễn ra ngay sau khi Khúc Thừa Mỹ thất bại trong việc chỉ huy cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lăng. Từ quê nhà, Danh tướng Dương Đình Nghệ đã tập hợp được hơn ba ngàn quân, tự mình làm tướng, đánh thẳng vào lực lượng của Nam Hán lúc bấy giờ đang đóng rải rác ở khu vực Hà Nội ngày nay. Tướng giặc là Lý Khắc Chính đại bại.

Lần thứ hai: Nhà Nam Hán cho Lý Tiến sang thay Lý Khắc Chính và sẵn sàng đối phó một cách kiên quyết với Danh tướng Dương Đình Nghệ. Nhưng, Lý Tiến chưa kịp thực hiện sứ mạng được giao thì đã bị Danh tướng Dương Đình Nghệ đánh cho tơi bời. Lý Tiến phải hốt hoảng chạy về nước để cầu cứu.

Lần thứ ba: Nhận lời kêu cứu của Lý Tiến: Nam Hán lập tức sai tướng Trần Bảo đem quân sang đàn áp. Nhưng, khi Trần Bảo tới, thành Giao Châu đã bị mất. Trần Bảo bèn cho quân vây thành, quyết tiêu diệt bằng được quân tướng Dương Đình Nghệ. Trong trận giao tranh đầu tiên, Trần Bảo bị chém đầu, toàn bộ quân sĩ Nam Hán hoảng hốt bỏ chạy thục mạng. Từ đó, giặc Nam Hán không dám đụng tới Danh tướng Dương Đình Nghệ nữa.

Bấy giờ, Nam Hán không phải là một nước lớn, lực lượng quân đội của chúng cũng không phải là hùng mạnh hơn người, nhưng nước ta vừa mới giành được độc lập. dân ta còn ít, tiềm lực của ta còn yếu… cho nên, đây cũng thực sự là một cuộc đối đầu hoàn toàn không cân sức.

Để giành được thắng lợi vẻ vang và liên tục như Danh tướng Dương Đình Nghệ, ngoài chí lớn phi thường, hẳn nhiên là còn phải có mưu lược phi thường. Ông thật sự xứng đáng được xếp vào hàng những bậc danh tướng của nước nhà.

Năm 931, sau khi lập nên những chiến công xuất sắc, Danh tướng Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết Độ Sứ, tự quản lí và điều hành các công việc của nước nhà. Tiết Độ Sứ là tên chức quan đô hộ của Trung Quốc đối với nước ta, được Trung quốc đặt ra kể từ khoảng cuối thời Bắc thuộc. Đối với Danh tướng Dương Đình Nghệ, đây chẳng qua là một danh xưng tạm dùng, cốt tạo ra sự tế nhị cần thiết trong quan hệ bang giao. Trong thực tế, ông chính là vua của nước ta.

Ngai thờ đức ông Dương Chính Công Dương Đình Nghệ trên quê hương

Tháng ba năm Đinh Dậu (937) Danh tướng Dương Đình Nghệ bị một kẻ phản phúc giết hại. Kẻ đó là Kiều Công Tiễn. Điều cay đắng, Kiều Công Tiễn lại cũng chính là con nuôi và là một trong những nha tướng từng được Danh tướng Dương Đình Nghệ cưu mang và tin cậy. Sau đó chẳng lao lâu, Kiều Công Tiễn bị Ngô Quyền giết chết. Đó là bản án đích đáng dành cho kẻ bất trung, bất nghĩa, phản phúc, phản chủ và phản dân.

Có thể khẳng định rằng không có Dương Đình Nghệ và lực lượng của Ông thì không có chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng cuối năm 938. Trong sự nghiệp chiến đấu vì nền tự chủ của nước nhà, đức ngài Dương Đình Nghệ là một danh tướng dũng mãnh, mưu lược, kiên cường, bất khuất, nên khi mất, ở đền thờ Ông có câu đối:

“Dưỡng tam thiên nghĩa sĩ, dĩ phục thù băng băng kinh khí

Chưởng bát vạn hùng binh nhi xuất chiến lẫm lẫm uy danh”

Tạm dịch:

“Nuôi ba ngàn nghĩa sĩ để phục thù bừng bừng khí dũng

Cầm đầu tám vạn quân xuất trận lẫm lẫm uy danh”

Ngoài ra, các con trai, con gái của Ông là Dương Tam Kha, Dương Thị Như Ngọc đều một lòng vì nước, vì dân, có nhiều công lao với đất nước. Dương Tam Kha đã tham gia cùng cha đánh chiếm thành Đại La, đuổi giặc về nước, tham gia trận đánh trên sông Bạch Đằng với Ngô Quyền, chém đầu Hoàng Thao tướng giặc Nam Hán. Vì thế đền thờ Ông ở Cổ Lễ có câu đối:

“Khuông phù Ngô chủ, lập Nam bang, thiên thu hách tạc

Trảm diệt Hoàng Thao, bình Bắc khấu, lịch đại bao phong”

Tạm dịch:

“Dốc phù Ngô chủ, dựng nước Nam, nghìn thu hiển hách

Chém chết Hoàng Thao, trừ giặc Bắc, đời đời oai phong”

Sau khi bị Ngô Xương Văn phế truất tự xưng là Bình Vương và ban cho một vùng đất phía nam thành Cổ Loa, Dương Tam Kha với tước Trương Dương Công đã cải tạo vùng hoang hóa này thành vùng quê rộng lớn, tức là xã Chương Dương, huyện Thượng Phúc, Hà Đông cũ.

Sau một thời gian, Dương Tam Kha đã đưa gia quyến về Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, Nam Định đổi tên là Dương Tùng Khuê. Ông đã dạy dân canh tác, đắp đê phòng lụt, khai khẩn sông ngòi, làm thủy lợi, tạo điều kiện cho nhân dân sản xuất. Sau khi Ông mất, dân làng lập đền thờ tôn làm “Dương cảnh phúc thần”.

Bà Dương Thị Như Ngọc, ái nữ của Dương Đình Nghệ là một phụ nữ có công lớn, giúp chồng (Ngô Quyền) lập đội nữ nương tử quân, tận tâm động viên lực lượng phụ nữ dốc tâm cứu nước.

Khi Ngô Quyền xưng vua, Bà được lập làm Hoàng hậu. Khi Ngô Xương Văn lên ngôi (tức Nam Tần Vương 950 – 965) Bà là Hoàng Thái hậu. Nam Tần Vương cho người đi tìm người anh là Thái tử Ngô Xương Ngập trốn ở Nam Sách, đón về kinh đô và theo thỉnh cầu của Nam Tần Vương, được Dương Thái Hậu chuẩn tấu cả hai anh em cùng làm vua.

Như vậy nước ta lúc đó có hai vua cùng cai trị đất nước. Bà Dương Thị Như Ngọc xứng đáng là “Mẫu nghi thiên hạ” đầu tiên của nước ta vừa giành được độc lập, đã nêu gương sáng là “Anh thư nữ kiệt”, xử lý việc nước tài tình, có hai vua là sự kiện hiếm thấy ở đời. Nó thể hiện sự sáng suốt và đức độ trong sáng cao đẹp của bà Dương Thị Như Ngọc.

20140213202645000000-duonginhnghe.jpg

Tóm lại, Dương Đình Nghệ là một hào trưởng lâu đời ở Ái Châu thuộc dòng họ tuấn tú, hào kiệt, có tinh thần yêu nước nồng nàn, sâu sắc, các con trai, con gái, con rể và cả cháu gái (Dương Vân Nga), cháu rể Đinh Tiên Hoàng và Lê Hoàn (sau này) cùng 3000 con nuôi, đều dốc lòng vì nước, vì dân, bất chấp mọi gian khổ, hy sinh, trong hàng chục năm trời (từ 923 đến 938 đến 944) lo xây dựng, củng cố lực lượng, đánh thắng giặc ngoại xâm, xây dựng nền tự chủ, độc lập nước nhà, kết thúc 1000 năm đô hộ của phương Bắc, làm rạng rỡ non sông, đất nước Việt.

Đó cũng là một gia đình, một dòng họ vì nước có một không hai ở đất nước ta cách đây hơn 1080 năm (923 – 2003). Dương Đình Nghệ thật sự là nhà chính trị, nhà quân sự lỗi lạc, xuất chúng, có nhiều công trạng to lớn đối với đất nước, là một trong những người anh hùng đặt nền móng cho nền tự chủ, độc lập lâu dài của đất nước từ thế kỷ thứ X.

Ông cũng là người khởi đầu sự nghiệp của Họ Dương đối với đất nước, tạo nên truyền thống yêu nước từ xa xưa, làm cơ sở tư tưởng cho dòng họ kế thừa và phát huy mãi về sau.

Lịch sử đã nêu cao tên tuổi người anh hùng dân tộc Dương Đình Nghệ. Nhà sử học Lê Tung cuối thế kỷ thứ XV khi viết “Việt giám thông khảo luận” đã ghi công trạng của Ông: “Dương Chính Công (tức Dương Đình Nghệ) nghĩ đất đai của nước Việt bị Nam Hán thôn tính bấy lâu đã thu dụng hào kiệt, cả dấy ngàn quân, hai lần đánh bại tướng giặc, thu lại dư đồ”.

Nguồn: Danh tướng Việt Nam tập 1 Nguyễn Khắc Thuần