Người chắp nối bà Trương Mỹ Lan và cựu Cục trưởng Thanh tra ngân hàng II

Pháp luật - Ngày đăng : 06:47, 20/11/2023

Ông Võ Tấn Hoàng Văn được bà Trương Mỹ Lan đặt ngồi vào ghế Tổng giám đốc Ngân hàng SCB để rồi sau đó trở thành “cánh tay nối dài” của nữ đại gia.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn vào làm việc tại Ngân hàng SCB từ tháng 7/2013 với chức vụ Phó Tổng giám đốc. Đến tháng 7/2020, ông Văn được bà Trương Mỹ Lan đặt ngồi vào vị trí Tổng giám đốc SCB.

Cơ quan điều tra (CQĐT) xác định, từ 2013- 2020, ông Văn đã ký rất nhiều giấy tờ đồng ý cho 402 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với 638 khoản vay tại SCB, có dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 271.308 tỷ đồng nợ gốc, hơn 133.801 tỷ đồng nợ lãi/phí. Tổng số nợ là hơn 405.110 tỷ đồng.

Từ 2013- 2017, ông Văn đã ký nhiều giấy tờ đồng ý cho 228 khách hàng vay 292 khoản vay có dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 79.872 tỷ đồng.

Từ 2018- 2020, cựu Tổng giám đốc SCB ký nhiều giấy tờ đồng ý cho 175 khách hàng vay 348 khoản vay có dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 325.237 tỷ đồng.

hoa ng va n jpeg 3062 1700319237.jpeg
Ông Võ Tấn Hoàng Văn trước khi bị bắt. Ảnh: SCB

CQĐT cho rằng ông Văn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để thực hiện hành vi giúp sức tích cực, đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi tham ô tài sản và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Theo CQĐT, hành vi phạm tội của cựu Tổng giám đốc SCB đã gây thiệt hại hơn 60.502 tỷ đồng; liên đới chiếm đoạt hơn 192.434 tỷ đồng tiền tham ô của SCB, gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh là hơn 101.247 tỷ đồng.

"Cánh tay nối dài" của bà Trương Mỹ Lan

Kết luận điều tra cho thấy, ông Văn đã trở thành “cánh tay nối dài” cho bà Trương Mỹ Lan, được bà Lan tin tưởng đưa tiền đi hối lộ đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Văn cũng chính là người đã đưa hối lộ cho bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, thuộc Ngân hàng Nhà nước) tổng số tiền 5,2 triệu USD theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan.

Theo lời khai của ông Văn, quá trình thanh tra, nội dung sai phạm lớn nhất tại SCB là việc cho vay tín dụng đối với các công ty có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan, hồ sơ vay có rất nhiều vi phạm, số tiền cho vay lớn, nguy cơ không thu hồi được nợ là rất lớn.

Thời điểm đó, bà Nhàn đã trao đổi với ông Văn về các vi phạm trong hồ sơ tín dụng tại Ngân hàng SCB tại các dự án, phương án theo đề án tái cơ cấu và cho vay nhóm khách hàng tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai.

Bà Nhàn có trao đổi với ông Văn rằng, SCB phải đưa vào diện “kiểm soát đặc biệt” và đặt vấn đề gặp bà Trương Mỹ Lan để yêu cầu làm rõ. Ông Văn đã báo cáo lại bà Lan và được và Lan đồng ý gặp.

Sau đó ông Văn sắp xếp để nữ đại gia Trương Mỹ Lan và bà Nhàn gặp nhau tại 127 Pasteur vào cuối tháng 10/2017.

Sau cuộc gặp trên, ông Văn nghe bà Lan nói lại rằng, bà Nhàn yêu cầu bà Lan phải bán bớt tài sản để trả nợ cho SCB tại các phương án, dự án tái cơ cấu có sai phạm và chủ động tất toán, “dọn sạch” dư nợ nhóm 71 khách hàng ở địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai thì Đoàn Thanh tra sẽ không xem xét vi phạm các khoản vay, chỉ xử lý hành chính.

Thời điểm đó, bà Lan đã chỉ đạo ông Văn cùng những người khác chịu trách nhiệm tất toán các khoản vay nói trên (thông qua việc dùng các công ty khác trong nhóm Vạn Thịnh Phát cho vay mới để tất toán nợ vay); vừa thực hiện tất toán, vừa báo cáo dư nợ bằng văn bản để Đoàn Thanh tra không kiểm tra, xác minh thực tế khách hàng, phương án, dòng tiền tất toán của các khoản vay; giao cho ông Văn chịu trách nhiệm dẫn đoàn SCB ra Hà Nội để giải trình các nội dung thanh tra với bà Nhàn và Đoàn Thanh tra.

Theo lời khai của ông Văn, trước khi có Quyết định thanh tra số 85, ông Văn được bà Nhàn trao đổi về các sai phạm nghiêm trọng của Ngân hàng SCB, trong đó có nội dung sai phạm về việc cấp tín dụng cho 71 khách hàng ở số 4 Nguyễn Thị Minh Khai, có nguy cơ rủi ro cao dẫn đến mất vốn ngân hàng, Chính phủ yêu cầu làm rõ.

Các sai phạm này theo bà Nhàn là đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm pháp luật hình sự nên cần gặp bà Trương Mỹ Lan để trao đổi, bàn về phương hướng khắc phục, tránh bị xử lý hình sự, cũng như tránh để SCB bị đưa vào diện “kiểm soát đặc biệt”.

Nhận được thông điệp trên của bà Nhàn thông qua ông Văn, bà Trương Mỹ Lan đã bay ra Hà Nội gặp bà Nhàn để bàn cách tháo gỡ những vi phạm của SCB.

Sau khi bà Nhàn và bà Lan trao đổi, thống nhất xong, bà Nhàn có báo lại ông Văn về việc bà Nhàn đồng ý chỉ thanh tra phạm vi, thời kỳ dư nợ nhóm 71 khách hàng đến 30/6/2017, không phải thanh tra các khoản phát sinh sau ngày 30/6/2017 và yêu cầu SCB chủ động tất toán toàn bộ khoản vay thì Đoàn Thanh tra sẽ không có căn cứ chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự.

Ông Văn sau đó đã chỉ đạo người khác sử dụng 71 pháp nhân lập hồ sơ vay, rút tiền SCB để thực hiện tất toán; sau đó báo cáo Đoàn Thanh tra về dư nợ của nhóm 71 khách hàng phát sinh đến 30/6/2017 là 0 đồng tại thời điểm 20/4/2018 theo đúng yêu cầu của bà Nhàn.

Bị can Văn xác nhận, các khoản vay của 71 khách hàng đến tháng 9/2018 mới thực hiện đảo nợ xong. Tại thời điểm ngày 20/4/2018, nhóm 71 khách hàng vẫn còn dư nợ 11.050 tỷ đồng đối với các khoản vay phát sinh sau ngày 30/6/2017.