Tác động của thức ăn đến người có axit uric cao, bệnh gout

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 06:43, 20/11/2023

Theo tư vấn từ Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM (cơ sở 1), bệnh gout là một tình trạng viêm của khớp gây ra bởi sự tăng axit uric trong máu. Các tinh thể muối urat natri tích tụ trong khớp gây sưng, viêm và đau dữ dội. Tuy nhiên, axit uric cao, bệnh gout có thể được kiểm soát bằng thuốc, chế độ ăn uống phù hợp và thay đổi lối sống.
Tác động của thức ăn đến người có axit uric cao, bệnh gout
Chế độ ăn uống ảnh hưởng lớn đến người có axit uric cao, bệnh gout. Đồ hoạ: Hạ Mây

Purines là các chất tự nhiên được tìm thấy trong tế bào của cơ thể và hầu như có trong tất cả các loại thực phẩm. Ở người, purine được chuyển hóa thành axit uric, đóng vai trò như một chất chống oxy hóa và giúp ngăn ngừa tổn thương gây ra bởi các gốc tự do.

Purine không phải là điều đáng ngại đối với những người khỏe mạnh, vì axit uric dư thừa có thể được loại bỏ ra khỏi cơ thể một cách hiệu quả.

Nhưng ở những người bị bệnh gout, thường xuyên ăn nhiều thực phẩm giàu purine sẽ làm tăng nồng độ axit uric huyết thanh, gây ra cơn gout cấp tính. Vì vậy, ngoài uống thuốc để ngăn tình trạng viêm và giảm axit uric, chúng ta cần hạn chế các thực phẩm chứa purine.

Thực phẩm thường làm tăng axit uric, gây ra cơn gout bao gồm nội tạng, thịt đỏ, hải sản, rượu và bia. Đây là thực phẩm chứa một lượng purine từ trung bình đến cao.

Tuy nhiên cũng có ngoại lệ, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng các loại rau có hàm lượng purine cao không gây ra các cơn gout. Sữa cũng chứa nhiều purine nhưng nó thậm chí còn hỗ trợ vào quá trình đào thải axit uric ra khỏi cơ thể.

Ngược lại, đường fructose và đồ uống có đường không giàu purine nhưng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout và làm tái phát các cơn gout cấp tính. Lý do là chúng thúc đẩy một số quá trình của tế bào có thể làm tăng nồng độ axit uric.

Ngoài chế độ ăn uống, một số thay đổi lối sống có thể giúp người bị bệnh gout giảm nguy cơ mắc bệnh gout và các cơn đau gout. Thừa cân béo phì có thể dẫn đến kháng insulin, thúc đẩy nồng độ axit uric cao hơn. Do vậy, việc giảm cân ở những người bị gout là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần tránh giảm cân một cách đột ngột vì nó làm tăng nguy cơ tái phát cơn gout.

Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức chịu đựng mà còn giúp ngăn ngừa các cơn gout. Hoạt động thể chất giúp duy trì cân nặng hợp lý và giữ cho axit uric ở mức thấp.

Nước giúp cơ thể loại bỏ axit uric dư thừa bằng cách tăng thải ra ngoài theo đường nước tiểu, nhờ đó ngăn ngừa các cơn gout. Mỗi ngày nên uống ít nhất 2 lít nước và uống nhiều nước hơn sau khi vận động nhiều.

Rượu bia là nguyên nhân phổ biến gây ra các cơn gout. Vì vậy đây là những loại đồ uống cần được loại bỏ ngay lập tức ở những người bị gout. Việc này để ngăn ngừa axit uric tích tụ và hình thành tinh thể.

HẠ MÂY