Chuyện tình nghệ sĩ cải lương Thành Được và Út Bạch Lan: Yêu nhau nhờ ‘phận trời’ nhưng tan vỡ vì ghen tuông
Dòng chảy - Ngày đăng : 06:05, 18/11/2023
Nghệ sĩ cải lương Thành Được qua đời vào ngày 16/11 tại Mỹ, hưởng thọ 90 tuổi. Ông đi khi đang ngủ yên bình trong vòng tay của vợ và con gái. Đông đảo giới nghệ sĩ và người hâm mộ tiếc thương một vị vua không ngai. Câu chuyện về nghệ sĩ tài hoa Thành Được còn sống mãi trong giới mộ điệu, trong đó đáng chú ý là mối tình của ông với người vợ đầu – NSƯT Út Bạch Lan.
Con đường trở thành “vị vua không ngai”
Nghệ sĩ Thành Được sinh năm 1934 tại Sóc Trăng trong một gia đình phú nông. Ông được mệnh danh là “vị vua không ngai” của sân khấu cải lương Nam bộ. Trong sự nghiệp, ông có những vở diễn kinh điển như Nửa đời hương phấn (diễn cùng Út Bạch Lan, bà từng là vợ cũ), Con gái chị Hằng, Chuyện tình 17, 30 năm sau, Tấm lòng của biển, Bọt biển...
Nhờ vở Nửa đời hương phấn, nghệ sĩ Thành Được và Út Bạch Lan trở thành cặp đôi được yêu mến nhất. Tên tuổi của cặp đôi trở thành bảo chứng cho doanh thu của các gánh hát khi đó.
Tài danh của cố nghệ sĩ bắt đầu từ việc ông được trả cát-sê 150 nghìn đồng (số tiền rất lớn khi ấy) để làm việc với gánh hát Thuý Nga Minh Trọng. Vở diễn Ngưu Lang Chức Nữ không mấy thành công và phải đợi đến khi công diễn vở Khi hoa anh đào nở, tên tuổi của Thành Được mới vang xa.
Trong một chương trình ở hải ngoại nhân kỷ niệm 50 năm ca hát, nghệ sĩ cải lương Thành Được kể vào thập niên 50-60, ông từ quân đội về quê nhà nhưng sau lại được người chú đưa lên Sài Gòn tạm lánh để chạy giặc. Định mệnh đưa ông đến sân khấu của người chú để gác cửa, thu tiền.
Một hôm, diễn viên đóng vai sư phụ tiễn biệt học trò trong một vở diễn chỉ có 2 câu ca vọng cổ bỗng dưng bị đau bất chợt. Mà khi đó, gánh hát không thể trả tiền vé vì không có tiền hôm sau không đi chợ được. Tình thế đó buộc chú cho ông học hát để thế vai. “Nửa tiếng tôi đã thuộc lòng, lại được anh Út Trà Ôn chỉ dạy thêm nên tôi vào diễn ngon lành. Hôm sau diễn viên đó quay lại và nghe tôi hát ông liền nhường vai vì tôi ca hat quá”, nghệ sĩ tài hoa kể lại trong chương trình.
Khi được hỏi về cố nghệ sĩ Thanh Nga, Thành Được không giấu vẻ xúc động. Nghệ sĩ Thành Được – Thanh Nga từng diễn chung vở Đoạn tuyệt, Con gái chị Hằng. “Khi Thanh Nga nằm xuống, đến giờ những vở tuồng tôi từng diễn với cô ấy vẫn không thể quên được. Một cô đào khả ái nhưng hồng nhan bạc phận. Cô mất tròn 2 con giáp, nay đã 62 tuổi nếu còn sống”, ông kể lại khi đó.
Cuộc “hôn thơ giá thú” đầu tiên trong giới nghệ sĩ
Nghệ sĩ Thành Được cùng Út Bạch Lan học hát với nghệ sĩ Kim Chưởng, thuộc đoàn hát Anh hùng lưu diễn. Thành Được - Út Bạch Lan trở thành cặp đôi được yêu mến qua các vở: Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển, Áo trắng nàng Mộng Trinh, Người đẹp thành Bát Đa… Đặc biệt vở Nửa đời hương phấn lập nhiều kỷ lục để đưa họ bước vào hàng ngũ ngôi sao đình đám.
Tại sân khấu đoàn hát Kim Chưởng, nghệ sĩ Thành Được và Út Bạch Lan đã yêu nhau say đắm. Trên báo điện tử Người Lao Động có thông tin sầu nữ Út Bạch Lan thừa nhận bà yêu mến Thành Được vì vẻ hào hoa phong nhã lại ca hay, diễn ngọt.
Cũng trên báo Người Lao Động, NSND Viễn Châu tiết lộ từng viết vở Duyên bẽ bàng cho Thành Được – Út Bạch Lan thu âm. Khi thu xong, nghệ sĩ tài hoa nói với soạn giả: "Chú Bảy viết bài này buồn quá, ca xong rồi con không muốn xa Út Bạch Lan". Nghe câu đó, NSƯT Út Bạch Lan đã rung động. Họ bén duyên từ những vở diễn rồi yêu nhau ra ngoài đời.
Họ tổ chức đám cưới lộng lẫy với nghi thức hôn thơ giá thú. NSND Phùng Há làm chủ hôn đàng trai, còn bà Kim Chưởng chủ hôn đàng gái. Đám cưới thu hút sự chú ý của ký giả với giới mộ điệu vì khi đó lần đầu tiên trong giới giải trí có đám cưới “hôn thơ giá thú”.
Năm 1962, cặp đôi rời gánh hát của bà Kim Chưởng vì muốn diễn đoàn hát Thanh Minh – Thanh Nga của bầu Thơ để được diễn vở tuồng xã hội thay vì kiếm hiệp. Sau đó, họ lại thành lập đoàn hát có bảng hiệu Thành Được – Út Bạch Lan.
Năm 1964, cuộc hôn nhân của Út Bạch Lan và Thành Được tan vỡ. NSND Ngọc Giàu từng chia sẻ trên báo Người Lao Động rằng Thành Được tiết lộ nguyên nhân đỗ vỡ của vợ chồng ông là do Út Bạch Lan quá ghen tuông. Hơn nữa, nghệ sĩ Thành Được lại quá đào hoa nên được nhiều khán giả nữ ái mộ, si mê.
Và 2 năm sau, ông đoạt HCV giải Thanh Tâm với vở tướng cướp Thi Đằng tuồng Tiếng hạc trong trăng.
Sau cuộc hôn nhân đầu tiên, nghệ sĩ Thành Được cưới người vợ sau tên Liên và sống hạnh phúc đến ngày ông qua đời. Năm 1984, ông định cư tại Đức, đến năm 1995 ông đến Mỹ mở nhà hàng và sống những năm tháng cuối đời tại đây.
NSND Lệ Thuỷ nói trong chuyến lưu diễn Mỹ đã ghé thăm gia đình Thành Được, bà vui mừng khi được gặp nghệ sĩ đàn anh. Ông có tâm sự rằng rất nhớ sân khấu quê nhà, muốn thực hiện đêm nhạc ở Việt Nam nhưng sức khoẻ còn yếu.
NSƯT Út Bạch Lan sinh năm 1935, bà được mệnh danh là “sầu nữ” hay “đệ nhất đào thương”. Hơn 60 năm trong nghề, bà nổi tiếng với các vở: Nửa đời hương phấn, Con gái chị Hằng, Tình mẫu tử, Người vợ không bao giờ cưới, Tình tráng sĩ, Thuyền ra cửa biển, Mùa thu lá bay, Người tình trên chiến trận… Những năm tháng cuối đời, bà chọn cửa Phật, dù không quy y nhưng hát các vở tuồng về Phật giáo để có kinh phí tu sửa chùa chiền.
Năm 2016, nghệ sĩ Út Bạch Lan qua đời trong sự thương tiếc của giới mộ điệu.