Điểm tin công nghệ 18/11: Hacker chỉ mất chưa đầy 1 giây để bẻ khóa nhiều mật khẩu
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 18/11/2023
- Apple sắp áp dụng tiêu chuẩn mới, giúp nhắn tin giữa iPhone và thiết bị Android mượt mà hơn
Apple dự định sẽ áp dụng một tiêu chuẩn tin nhắn vào năm sau, giúp cải thiện trải nghiệm nhắn tin mượt mà hơn giữa iPhone và các thiết bị Android, theo trang Bloomberg News.
Apple phản đối tiêu chuẩn Rich Communication Services (RCS) trong hơn một năm, ngay cả khi Google và những hãng khác gây sức ép để nhà sản xuất iPhone áp dụng công nghệ này.
Apple không trả lời ngay lập tức khi được Reuters đề nghị bình luận.
Apple cho biết công nghệ mới sẽ hoạt động song song với iMessage và cung cấp khả năng tương tác tốt hơn so với SMS hoặc MMS.
Với RCS, được coi là tiêu chuẩn ngành công nghiệp cho tin nhắn, người dùng có thể gửi và nhận ảnh và video chất lượng cao, trò chuyện qua Wi-Fi hoặc dữ liệu di động và biết khi nào tin nhắn đã được đọc, cùng với các tính năng khác.
iMessage có sẵn cho iPhone, Mac và iPad. Những ai nhắn tin thường xuyên với người dùng smartphone Android nói rằng bong bóng màu xanh lá cây, khi tin nhắn SMS xuất hiện trên iPhone, là trải nghiệm kém sang hơn.
Nếu áp dụng tiêu chuẩn nhắn tin RCS, Apple sẽ giải quyết các vấn đề mà người dùng smartphone Android và iPhone đã phàn nàn từ lâu khi nhắn tin cho nhau (chẳng hạn như video và ảnh bị mờ hoặc nén), đồng thời loại bỏ việc mô tả biểu tượng cảm xúc của người dùng iPhone với một tin nhắn từ smartphone Android. Chẳng hạn như iPhone sẽ không gửi lại tin nhắn Sam thích 'Hẹn gặp lại' cho người dùng smartphone Android mà chỉ hiển thị biểu tượng trái tim trên tin nhắn gốc Hẹn gặp lại.
Về cơ bản, RCS sẽ biến tin nhắn văn bản thành trải nghiệm trò chuyện đầy đủ hơn, tương tự như những gì mà Apple đang làm với iMessage. Điều khác biệt là RCS sẽ hoạt động trên nhiều smartphone, nhà cung cấp và hệ điều hành. RCS được tích hợp ngay trên ứng dụng tin nhắn của smartphone Android.
RCS cũng dần có được khả năng mã hóa tương đương với iMessage, đã hỗ trợ mã hóa đầu cuối (E2EE) trong các cuộc trò chuyện 1 – 1 và được triển khai trong các cuộc trò chuyện nhóm cuối năm nay.
Hồi tháng 8.2022, Google đã khởi động chiến dịch công khai nhằm gây áp lực buộc Apple phải áp dụng RCS.
- ByteDance thử nghiệm tường phí trên phiên bản TikTok ở Trung Quốc
ByteDance đang thử nghiệm tính năng tường phí dành cho người tạo nội dung trên nền tảng video ngắn Douyin, phiên bản TikTok ở Trung Quốc, trong bối cảnh công ty này đang tìm những cách mới để kiếm lợi nhuận từ mạng xã hội cực kỳ phổ biến của mình.
Gã khổng lồ Internet Trung Quốc gần đây đã bắt đầu cho phép một số người sáng tạo nội dung có hơn 100.000 người theo dõi đặt một phần video của họ sau bức tường trả phí trên Douyin. Tính năng này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.
Các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết người dùng sẽ phải trả tiền để xem toàn bộ video sau đó.
Tường phí là tính năng mới nhất trong danh sách dài các tính năng mà ByteDance đã triển khai để kiếm tiền từ ứng dụng Douyin của mình, hiện có hơn 800 triệu người dùng. Nhiều tính năng mới trên Douyin sau này cũng xuất hiện trên TikTok.
Theo trang tin Sina, thì người sáng tạo nội dung có thể tự đặt giá cho video của mình mà không bị ByteDance can thiệp. Một phương tiện truyền thông khác của Trung Quốc là Jiupai News đưa tin rằng một số người sáng tạo nội dung đã bắt đầu tính phí 12 nhân dân tệ (1,6 USD) cho một video dài 44 phút trên nền tảng này.
Douyin trước đó đã có tính năng tính phí người dùng xem các chương trình được tạo chuyên nghiệp trên nền tảng này.
- Máy tính Windows 10 có thể cài đặt trợ lý ảo AI Copilot
Ngày 17-11, Microsoft xác nhận việc bắt đầu đưa Copilot của Windows 11 lên Windows 10, đồng nghĩa người dùng có thể cài đặt trợ lý ảo trí tuệ nhân tạo (AI) này lên thêm 1 tỷ máy tính trên toàn cầu.
Lộ trình phát hành của bản cập nhật mới sẽ diễn ra tuần tự như thường lệ. Ban đầu, tính năng này sẽ được cung cấp cho những người dùng trong chương trình Windows Insider qua gói cập nhật Release Preview, trước khi lần lượt có mặt ở các khu vực khác nhau trên toàn cầu.
Sau khi cài đặt, người dùng sẽ thấy giao diện Copilot xuất hiện ở thanh công cụ Task Bar quen thuộc của Windows. Việc sử dụng tính năng này trên Windows 10 về cơ bản giống với Windows 11, khi cho phép người dùng ra các câu hỏi, quản lý tính năng Windows hoặc xử lý các tài liệu.
Theo hãng phần mềm Mỹ, cửa sổ Copilot trên Windows 10 sẽ không ảnh hưởng tới các nội dung trên màn hình desktop hay các cửa sổ đang mở của ứng dụng khác.
Theo các chuyên gia công nghệ, việc Microsoft quyết định đưa Copilot lên Windows 10 là điều không lạ, trong bối cảnh Windows 11 mới chỉ chiếm khoảng 26% số máy tính sử dụng hệ điều hành này. Trong khi đó, Windows 10 vẫn đang nắm giữ hơn 69% thị phần.
- Hacker chỉ mất chưa đầy 1 giây để bẻ khóa nhiều mật khẩu
Ngày 15/11, công ty cung cấp công cụ quản lý mật khẩu NordPass công bố danh sách mật khẩu dễ bẻ khóa năm 2023, nhiều mật khẩu có thể bị bẻ khóa trong chưa đầy 1 giây.
Hiện nay, nhiều người dùng vẫn sử dụng những mật khẩu đơn giản bất chấp mối đe dọa an ninh mạng ngày càng tăng . Theo thống kê từ NordPass nhiều mật khẩu có thể bị bẻ khóa trong tích tắc như: "P@ssw0rd", "qwertyuiop" hay phổ biến hơn là "Aa123456", "admin" cùng hàng loạt các mật khẩu khác.
Kết quả được đưa ra dựa trên quá trình phân tích 4,3 TB dữ liệu thu thập từ các nguồn công khai trên 8 nền tảng số ở 35 quốc gia được thực hiện bởi các chuyên gia và nhà nghiên cứu bảo mật độc lập.
Nghiên cứu cũng cho thấy, 86% các cuộc tấn công mạng sử dụng thông tin đăng nhập bị đánh cắp và các tài khoản, email và mật khẩu trực tuyến chiếm gần 20% các mặt hàng được bán phổ biến trên web đen.
Cụ thể: trong các mật khẩu có thể bị bẻ khóa nhanh thì mật khẩu "123456" đứng đầu trong các mật khẩu được đặt trong 5 năm gần đây (hơn 4,5 triệu lần đặt), theo sau đó là mật khẩu "admin" (hơn 4 triệu lần đặt). Tiếp đếm là các chuỗi số như "1234", "12345678", "Aa123456" hoặc "password" (khoảng 1 triệu lần đặt).
Ở Việt Nam, theo thống kê, mật khẩu dưới dang dãy số còn rất phổ biến: "123456" được sử dụng gần 200.000 lần, tiếp đến là "123456789" và "12345678".
- Ngân hàng cảnh báo lừa đảo bằng cuộc gọi giả dạng khuôn mặt
Nhiều ngân hàng cảnh báo khách hàng về một số hình thức lừa đảo tinh vi.
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) cho biết hiện nay có rất nhiều vụ việc lừa đảo với hình thức tinh vi nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng, gây tổn thất lớn cho khách hàng.
Cụ thể, ngoài các hình thức thường gặp là giả mạo website, fanpage, nhân viên ngân hàng, đảo đối tượng lừa đảo còn lợi dụng việc khách hàng cài đặt phần mềm, ứng dụng gián điệp nhằm đánh cắp thông tin về dịch vụ, mật khẩu, mã OTP được gửi từ ngân hàng đến điện thoại di động
Đặc biệt, kẻ gian còn sử dụng cuộc gọi Video Deepfake - một kỹ thuật sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để tạo ra hình ảnh, âm thanh và video giả mạo giống với hình ảnh, giọng nói người thân, bạn bè để nạn nhân tin tưởng, nhanh chóng chuyển tiền theo yêu cầu.
PVcomBank khuyến cáo khách hàng không truy cập vào các trang web lạ (các trang web tải phần mềm không có bản quyền, key crack...), các website nghi ngờ giả mạo có thể đính kèm virus vào các link download, link hình ảnh mà người sử dụng không nhận biết được.
Đối với các cuộc gọi Video Deepfake, khách hàng có thể nhận biết qua một số dấu hiệu như: Video được tạo sẵn, có nội dung chung chung, không phù hợp với ngữ cảnh giao tiếp thực tế; thời lượng cuộc gọi chỉ vài giây; khuôn mặt thiếu tính cảm xúc khi nói, âm thanh không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn bị lạc hoặc video không có âm thanh.
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng cảnh báo đối tượng lừa đảo giả mạo tin nhắn, email, số điện thoại gần giống với tổng đài của VIB, … yêu cầu khách hàng bấm vào đường link giả mạo hoặc yêu cầu cung cấp thông tin, sau đó chiếm đoạt quyền sử dụng ứng dụng của VIB và thực hiện giao dịch chiếm đoạt tiền.