Quê nhà vẫn đợi
Gia đình - Ngày đăng : 09:35, 16/11/2023
Hẻm nhỏ ven đường tàu bỗng rộn lên vì sự xuất hiện của thằng Tám. Nó vào quán bún bò dì Út ngồi được một lúc thì người lớn trong hẻm lục tục có mặt. Cả chục người ngồi quanh Tám với vẻ lo lắng, nghe nó kể chuyện cùng đám bạn trốn khỏi công ty của người nước ngoài tại Campuchia, lần theo đường nhỏ về nước rồi đi xuyên đêm về Sài Gòn.
Thằng Tám là cháu ruột dì Út. Người ở cái hẻm ven đường tàu này đều ra đi từ ngôi làng miền Trung ấy, nên coi thằng Tám như con cháu. Làng quê lâu nay không còn bao nhiêu người trẻ. Khi nghề nông không đủ sống, họ lũ lượt vào thành phố tìm việc, người trước dắt người sau. Họ sống thành xóm để đỡ đần lúc tối lửa tắt đèn, chủ yếu làm các nghề dịch vụ như bán quán ăn, cà phê, xe ôm, phụ bếp, giao hàng…
Vài năm nay, phong trào xuất khẩu lao động lên cao, gia đình nào cũng vay mượn để đầu tư cho con em. Nhóm thì đi Nhật, đi Hàn, đi châu Âu, có nhóm đi tận châu Phi. Tuy nhiên đi các kiểu "chính danh" thì phải có sẵn một số tiền từ vài trăm triệu đồng tới gần tỉ bạc. Thế nên những đứa con nhà nghèo chấp nhận làm "người rơm", nhưng đi hướng Campuchia. Trong làng đã có vài đứa đi kiểu ấy, tất nhiên là tết rồi chẳng thấy đứa nào về. Cuộc sống xứ người sang chảnh, dễ kiếm tiền quá khiến lũ trẻ quên hết quê hương bản quán chăng?
Ảnh minh họa |
Nửa năm trước, thằng Tám cũng xách thân đi "làm ăn" ở Campuchia. Gọi là làm ăn, nhưng nghe phong thanh từ bạn bè nó thì nó qua đấy làm "việc nhẹ lương cao" cho các ông chủ người nước ngoài. Chẳng ai muốn cản thằng Tám. Nó nằm nhà ôm máy tính chơi game đã mấy năm nay. Quanh làng không có nhà máy nào cần lao động, trung tâm tỉnh có khu công nghiệp nhưng sau dịch COVID-19, nhu cầu tuyển dụng gần như bằng 0.
Nhà thằng Tám có dì Út bán bún bò ở Sài Gòn. Cha mẹ nó từng lần lượt gửi 2 chị gái vào bán cùng dì, cho tới khi các chị lấy chồng hoặc về quê mở được quán. Dù cả nhà muốn Tám vào phụ dì Út để học nghề, nó bảo nó không hợp với việc ấy nên quyết không đi.
Trước khi sang Campuchia, thằng Tám khoe với bạn lương tháng của nó sắp tới có thể cao tới 80 triệu đồng nếu làm việc chăm chỉ, nào có thua kém gì đám đi lao động xuất khẩu ở Nhật. Thế rồi, 2 ngày sau, nó đã báo ở bên kia biên giới, được "làm đúng nghề yêu thích". Đấy là dòng tin cuối cùng nó gửi tới cha mẹ. Sau đó là bặt tăm, không manh mối nào.
"Con bị nhốt trong nhiều tòa nhà lớn, được xe chở đi trong đêm, không cách nào định vị được mình chốn nào. Công việc à, khó mô tả lắm, nhưng con mà nói ra thì khéo... lên đồn sớm. Là cái mà họ hay gọi tội phạm công nghệ đó cô chú" - thằng Tám kể, mặt còn nguyên nét hốt hoảng sau chuyến chạy trốn.
Dì Út ôn tồn: “Thôi, mày thu xếp về làng, cho cha mẹ nhìn mặt cái đã. Không thích bưng bún thì quay lại đây dì tìm lớp cho mày học nghề sửa xe máy”. Chú Ba gạt đi: “Cứ từ từ, bà cho nó ở đây trông quán ban đêm. Ban ngày tôi cho nó mượn cái xe máy cũ ra đầu hẻm chạy xe ôm. Nè Tám, cái xe đó là kỷ niệm của tao, tao cho mày trả góp lâu dài, chứ không cho luôn được. Coi như tao cấp vốn, yêu cầu của tao là mỗi tháng vẫn phải gửi về cho mẹ 2 triệu đồng nha mày. Ba má mày ốm đau suốt từ khi mày bỏ đi, cứ nghĩ do ổng bả ép mày mới đi biệt như thế”.
Thằng Tám gục đầu sâu hơn. Nghe bà con cô bác bàn qua tính lại, rồi nó dè dặt thưa: “Thôi, con cứ về trình diện địa phương, sau đó như thế nào thì con chịu. Nếu hên, không bị bắt nhốt mà chỉ bị phạt hay quản thúc thì con bán bún bò cho chị Hai. Ở với ba má một thời gian, con lại vào Sài Gòn xin vừa học nghề vừa tranh thủ chạy xe ôm”. “Ừ, vậy thôi từ từ tính, mày ăn uống ngủ nghỉ đi, để tao mua vé tàu cho mày về và gọi điện báo cha mẹ mày” - dì Út chốt.
“Dạ, con cảm ơn” - thằng Tám lí nhí duỗi đôi chân. Nó đã về tới quê hương. 2 ống chân nó chi chít các vết sẹo do bị đánh, bị xiềng. Nó thoáng nhớ những ngày bị nhốt trong bóng tối đặc quánh không thể nhận biết thời gian không gian, nhớ những buổi bị bỏ đói vàng mắt vì làm không đủ chỉ tiêu... Nhưng tất cả những điều ấy đã lùi xa rồi. Nó đã chạy thoát và quê nhà dang tay đón nó.