Ý nghĩa của việc Việt Nam ký Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia
Chủ quyền - Ngày đăng : 10:08, 16/11/2023
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ký Hiệp định về Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, ngày 20/9/2023. |
Gần hai phần ba đại dương thế giới là các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia. Đây là nơi tập trung 95% các loài sinh vật của Trái đất. Có 2/3 các đàn cá tại các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia bị khai thác quá mức. Nhiều nguồn gen biển có giá trị kinh tế cao trong cung cấp nguồn thực phẩm, nguyên liệu sản xuất dược phẩm và mỹ phẩm đang bị tự do khai thác.
UNCLOS đã xác định rõ các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển là nội thủy, lãnh hải 12 hải lý, đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa. Tuy nhiên, UNCLOS đã không có điều khoản cụ thể tới việc tiếp cận, sử dụng, sở hữu và chia sẻ lợi ích các nguồn đa dạng sinh học biển nằm ngoài các vùng thuộc quyền tài phán quốc gia (BBNJ).
Công ước về đa dạng sinh học năm 1992 (CBD) và Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen năm 2010 có đưa ra một số khái niệm về đa dạng sinh học, tài nguyên sinh học, tài nguyên gen và nguyên liệu gen.
Song các quy định này chủ yếu điều chỉnh việc quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực thuộc quyền tài phán quốc gia. Luật đa dạng sinh học của Việt Nam 2018 không đề cập đầy đủ các hình thức nguồn gen biển và chỉ giới hạn trong vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia. Luật Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2013 không có định nghĩa thế nào là công nghệ biển và chuyển giao công nghệ biển.
Đa dạng sinh học biển tại vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia hiện phải đối mặt với nhiều nguy cơ dẫn đến suy giảm, thậm chí tới sự biến mất của nhiều loài sinh vật biển do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, axít đại dương, khai thác biển sâu, ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa, và hoạt động khác làm suy thoái tài nguyên của con người.
Hiệp định BBNJ đã được thông qua và mở phê chuẩn ngày 19/6/2023. Hiệp định có hiệu lực sau 120 ngày được ít nhất 60 quốc gia thành viên Liên hợp quốc phê chuẩn. Hiệp định BBNJ là một bổ sung cho UNCLOS, nằm trong khuôn khổ UNCLOS và không thay thế những nguyên tắc cơ bản của UNCLOS. BBNJ được xây dựng trên nguyên tắc di sản chung của loài người và tự do biển cả.
Hiệp định BBNJ có mục tiêu (điều 2) bảo đảm việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các vùng nằm ngoài quyền tài phán quốc gia cho hiện tại và tương lai lâu dài, thông qua việc thực thi các quy định của Hiệp định và sự hợp tác và phối hợp tương lai. Hiệp định nhấn mạnh nguyên tắc tính đến các nhu cầu và ưu tiên của các nước đang phát triển tạo ra lợi thế lớn cho Việt Nam và các nước đang phát triển trong việc tham gia xây dựng và thực thi một trật tự pháp lý trên biển công bằng, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và các lợi ích quốc gia của tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế.
Đa dạng sinh học biển tại vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia hiện phải đối mặt với nhiều nguy cơ dẫn đến suy giảm, thậm chí tới sự biến mất của nhiều loài sinh vật biển. (Nguồn: thongtindoingoai) |
Việc Hiệp định BBNJ sớm đi vào thực thi sẽ mang lại những thuận lợi cho Việt Nam, một nước đang phát triển như:
Có một khung pháp lý rõ ràng làm cơ sở đấu tranh bảo tồn và sử dụng bền vững BBNJ, chia sẻ công bằng và ngay thẳng các lợi ích (tiền tệ và phi tiền tệ) từ nguồn gen biển trong các vùng nằm ngoài quyền tài phán quốc gia cũng như trong sử dụng các công cụ quản lý vùng, bao gồm cả Khu bảo tồn biển một cách hiệu quả, tôn trọng chủ quyền và lợi ích các nước. Một sáng kiến khu bảo vệ biển hay Công viên hoà bình có thể áp dụng ở khu vực quần đảo Trường Sa trên cơ sở thoả thuận của các nước và tổ chức khu vực liên quan.
Tiếp nhận sự giúp đỡ xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển từ các nước phát triển. Có cơ hội tiếp cận với các công nghệ biển tiên tiến trong lĩnh vực quản lý nguồn gen biển.
Bảo đảm lợi ích của Việt Nam không chỉ giới hạn ở Biển Đông mà vươn ra khắp các đại dương và Vùng đáy biển ngoài quyền tài phán quốc gia.
Tạo cơ hội đấu tranh duy trì tính hiệu quả của UNCLOS và sự nhất quán của các văn bản khác phù hợp với UNCLOS.
Xây dựng đội ngũ cán bộ pháp lý, KHKT đáp ứng được sự phát triển của thế giới và yêu cầu của công cuộc đổi mới.
Thúc đẩy hợp tác quốc tế sâu rộng để giải quyết các vấn đề trên biển.