‘Cơn sốt’ mô hình ngôn ngữ lớn của các hãng công nghệ Trung Quốc đang gây ‘lãng phí tài nguyên khổng lồ’

Cuộc sống số - Ngày đăng : 09:57, 16/11/2023

CEO Baidu Robin Li Yanhong chỉ trích ‘cơn sốt’ mô hình ngôn ngữ lớn của các hãng công nghệ Trung Quốc đang gây ‘lãng phí tài nguyên khổng lồ’.

Nhận định trên được CEO Baidu đưa ra tại hội thảo X-Lake thường niên ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ông cho biết, kết quả của “cơn sốt” này là 238 mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) trí tuệ nhân tạo (AI) đã ra đời tính đến tháng 10, tăng từ 79 hồi tháng 6. Ngược lại, hầu như không có ứng dụng AI nào thành công và quen thuộc với công chúng.

“Quá nhiều mô hình lớn tại Trung Quốc nhưng quá ít ứng dụng gốc AI dựa trên những mô hình đó”, ông Li trao đổi với khán giả.

Ứng dụng gốc AI được phát triển từ những năng lực chưa từng có của AI. Để so sánh, siêu ứng dụng WeChat của Tencent là một ứng dụng gốc di động.

“Phát triển mô hình nền tảng liên tiếp và liên tục gây lãng phí tài nguyên khổng lồ. Chúng ta cần 1 triệu ứng dụng gốc AI, không cần đến 100 mô hình lớn”, ông tiếp tục.

40dv7kdu.png
CEO Baidu Robin Li Yanhong phát biểu tại hội nghị X-Lake ở Thâm Quyến, Trung Quốc ngày 15/11. (Ảnh: Handout)

LLM là các thuật toán AI học sâu, có thể nhận diện, tóm tắt, dịch thuật, dự đoán và tạo nội dung mới thông qua các bộ dữ liệu vô cùng lớn.

Ông Li cho rằng, nếu các chính sách khuyến khích sáng tạo nhiều ứng dụng gốc AI hơn, họ chắc chắn sẽ tạo ra được hệ sinh thái AI giầu có và thúc đẩy vòng tăng trưởng kinh tế mới.

Nhận xét của ông Li cho thấy tiềm năng của AI trong thúc đẩy kinh tế và trở thành công cụ hữu ích hằng ngày, trong khi thúc giục ngành công nghệ trong nước thận trọng hơn khi phát triển công nghệ để đáp ứng các mục tiêu đó.

Không chỉ như vậy, bài thuyết trình của CEO Baidu cũng chỉ ra các mô hình LLM của Trung Quốc không có khả năng nổi bật do thiếu quy mô tham số và bộ dữ liệu đào tạo.

Khả năng của LLM phụ thuộc một phần vào số lượng tham số. Chẳng hạn, ChatGPT của OpenAI được đào tạo trên 175 tỷ thông số, còn hầu hết LLM Trung Quốc dùng từ 6 đến 13 tỷ thông số.

Theo ông Li, chính phủ nên hỗ trợ khía cạnh nhu cầu và động viên doanh nghiệp triển khai mô hình lớn để phát triển ứng dụng AI mới.

Gần đây, OpenAI giới thiệu phiên bản GPT-4 Turbo và dự kiến kích hoạt cuộc đua giữa các Big Tech Trung Quốc, bao gồm Baidu và Alibaba.

Các công ty công nghệ Trung Quốc lớn, nhỏ đều đang chạy đua ra mắt dịch vụ tương tự ChatGPT vì chatbot này và Google Bard chưa chính thức có mặt ở đại lục.

Tuy nhiên, Microsoft – một trong những nhà đầu tư vào OpenAI – đã thúc đẩy Bing Chat tích hợp GPT-4 trong khu vực.

Baidu là hãng công nghệ lớn đầu tiên ở Trung Quốc ra mắt chatbot AI riêng – Ernie Bot – vào tháng 3. Công chúng bắt đầu sử dụng Ernie Bot từ tháng 8 sau khi được chính phủ phê duyệt.

Hiện tại, chatbot có khoảng 45 triệu người dùng và 54.000 nhà phát triển. Tháng trước, Baidu công bố Ernie Bot 4.0 và tuyên bố nó mạnh ngang ngửa GPT-4. Công ty cũng bắt đầu kiếm tiền từ chatbot với gói thuê bao 59,9 NDT/tháng.

Ông Li tiết lộ Baidu hiện đang “ươm mầm” các ứng dụng AI khác như trợ lý lập trình Comate. Song, ông nhấn mạnh các ứng dụng AI gốc tốt nhất vẫn chưa được phát triển dù là ở Trung Quốc hay Mỹ.

(Theo SCMP)