Mất 1,3 tỷ đồng: Vợ ngất lịm, chồng gửi bệnh án xin nhóm lừa đảo rủ lòng thương

Pháp luật - Ngày đăng : 18:46, 15/11/2023

Xót của, mong lấy lại số tiền hơn 1,3 tỷ đồng vợ đầu tư vào gian hàng ảo, chồng chị H.T. ở Nam Định gửi bệnh án cho nhóm đối tượng lừa đảo, năn nỉ chúng rủ lòng thương.

Mơ khởi nghiệp online kiếm tiền chữa bệnh

Vợ chồng chị H.T. là chủ một nhà hàng có lượng khách hàng đều, thu nhập ổn định ở một làng quê thuộc tỉnh Nam Định. Giữa năm 2022, thấy sức khỏe có dấu hiệu suy giảm, chị T. lên Hà Nội khám. Nhận kết quả của bệnh viện, chị T. suy sụp. Từ một người phụ nữ năng động, căn bệnh tai quái khiến chị dần không còn khả năng lao động, chỉ quanh quẩn ở nhà.

Gánh nặng kinh tế nuôi vợ bệnh nặng, bố mẹ già yếu và 3 con nhỏ đổ dồn lên vai anh M., chồng chị. Thương chồng, chị T. mày mò tìm việc trên mạng để làm thêm.

Đầu tháng 10 vừa qua, một quảng cáo việc làm trên Facebook thu hút chị. Chỉ mới bày tỏ sự quan tâm, chị nhanh chóng được một cô gái kết bạn và tư vấn rất nhiệt tình.

mat tien vi ban hang online 4.png
Bài quảng cáo trên Facebook thu hút sự chú ý của những người đang có nhu cầu tìm việc online như chị T.

Nếu tham gia hệ thống này, chị T. sẽ được tặng một số vốn là 100 USD và miễn phí mở 1 gian hàng trên trang thương mại điện tử (TMĐT) nổi tiếng quốc tế. Phía đối tác cam kết chị sẽ có thu nhập ổn định, nếu chịu khó còn nhận nhiều ưu đãi khác.

Đặc biệt, chị không cần phải có sản phẩm vì đối tác sẽ cung cấp luôn sản phẩm và giao hàng giúp. Chị T. cũng không cần nhập hàng nên không lo hàng bị tồn kho. Khi có khách đặt mua, chủ gian hàng mới phải thanh toán cho kho để hàng được giao đi. Mỗi đơn hàng, chị sẽ có lợi nhuận tối thiểu 13%.

Thấy công việc có vẻ phù hợp, chị T. mạnh dạn đăng ký tham gia với mong muốn bán hàng cho đỡ buồn và biết đâu sẽ có thêm tiền mua thuốc chữa bệnh.

Chỉ muốn bán "cò con", bị ép nhận đơn hàng "khủng"

Gian hàng của chị T. được phép bán tối đa 100 mã sản phẩm. Ước lượng khả năng kinh tế của mình và phân tích nhu cầu thị trường, chị T. chọn những mặt hàng như đồ chơi trẻ em, đồ trang trí… có giá dưới 15 USD. Những ngày đầu, mỗi ngày chị T. bán được 3-4 đơn hàng.

Khách mua hàng toàn là người nước ngoài. Họ chủ động tìm đến gian hàng của chị và đặt mua.

“Mọi giao dịch trên trang TMĐT này đều dùng USD. Vừa mở gian hàng, em được nhận luôn 100 USD tương đương 2,4 triệu đồng về tài khoản để làm vốn. Khi có khách đặt hàng, em lại nạp tiền vào thanh toán cho kho. Công ty sẽ giao hàng cho khách. Sau 3-5 ngày, doanh thu đơn hàng đó sẽ được ghi nhận vào tài khoản của em trên app cùng hoa hồng 13%”, chị T. kể lại.

384560589 274686378461879 7959792698304104639 n.png

“Khi có tiền lãi, em rút thử thấy tiền về tài khoản ngân hàng luôn nên cũng yên tâm. Số đơn càng ngày càng nhiều lên, giá trị đơn hàng cũng tăng lên 1 triệu, 2 triệu đồng… em lại phải nạp tiền vào thanh toán. Số tiền bán của các đơn hàng trước đó phải sau 3-5 ngày mới về tới tài khoản, chưa bằng 1/2 số tiền em phải thanh toán trong ngày cho các đơn hàng mới", chị T. kể tiếp.

Nhìn thấy doanh thu và lợi nhuận của mình cũng tạm ổn, chị T. khấp khởi mừng thầm. Chị khoe với chồng công việc mới của mình. Anh M. thương vợ, thấy vợ có việc làm thêm cho đỡ buồn nên cũng ủng hộ.

Nhưng sau đó vài ngày, số lượng đơn hàng bắt đầu tăng lên đột biến, chị T. thấy trong gian hàng của mình xuất hiện những mặt hàng đắt tiền như tivi, máy ảnh, tủ lạnh, máy giặt… mỗi sản phẩm toàn 17-18 triệu đồng.

mat tien vi ban hang online 5.png
Những vị khách nước ngoài đặt mua đơn hàng lớn khiến chị T. hoang mang

Nhận thấy những sản phẩm giá trị lớn được tự động thêm vào vượt khả năng thanh toán hàng ngày của mình, chị T. hỏi bên chăm sóc khách hàng. Chị được giải thích vì gian hàng bán tốt nên công ty phải thêm vào những mặt hàng bán chạy nhất. Trong vòng 24h, chị T. chưa thanh toán cho kho thì khách liên tục giục chị để họ được nhận hàng.

Ngày 19/10, sau 19 ngày tham gia bán hàng online trên mạng, có một khách hàng tìm đến gian hàng của chị T. đề nghị mua buôn 1 lô hàng hơn 300 triệu đồng. "Họ bắt em phải thanh toán để hàng đi kịp. Nếu em không thanh toán, khách sẽ kiện lên công ty, gian hàng của em sẽ mất uy tín. Vì thế, em cố gắng nạp tiền vào thanh toán. Sau này em mới nhận ra, những vị khách 'nước ngoài' tìm đến gian hàng toàn là người của bọn họ", chị T. bộc bạch.

mat tien vi ban hang online 7.png
Trong sáng 19/10, chị T. phải thanh toán cho kho hơn 300 triệu tiền hàng

Quay cuồng huy động vốn

Ba ngày liên tiếp, dồn dập đơn hàng đến khiến chị T. xoay xở trả tiền hàng không kịp.

Lúc ấy, công ty lại tuyên dương thành tích bán hàng xuất sắc của chị T. “Vì chưa được nửa tháng, em đã bán gần 400 đơn hàng. Nếu tới cuối tháng đạt 500 đơn, em sẽ được thưởng chuyến du lịch sang Singapore dự hội thảo. Ngoài ra, vì đạt doanh số cao nên em chỉ cần nạp vào 50 triệu sẽ được thưởng nóng 8 triệu, cộng luôn vào tài khoản thanh toán trên mạng".

mat tien vi ban hang online 6.png
Chị T. dùng Google dịch các nội dung công ty gửi cho mình qua app bán hàng

“Lúc ấy, em vẫn nghĩ số tiền đó là của em, trong tài khoản của em nên có thể rút về bất cứ lúc nào. Vì thế, chồng em mang sổ đỏ đi vay nóng 2 lần được hơn 1 tỷ đồng. Tiền mang về lần nào là nạp vào tài khoản thanh toán hết luôn”, chị T. giãi bày.

Nhưng chị T. cứ thanh toán xong đơn này thì lại có đơn hàng mới gối vào. "Tiền của các đơn hàng cũ về em lại có gấp 2 gấp 3 đơn mới cần thanh toán. Em nói với công ty em không có khả năng thanh toán số lượng đơn hàng lớn như vậy. Họ tư vấn em đóng cửa hàng rồi công ty sẽ tất toán số tiền tổng doanh thu và hoa hồng về cho em”.

Chị T. làm theo hướng dẫn, xin đóng cửa gian hàng ảo của mình. Phía công ty cũng khẳng định với chị khi đóng gian hàng rồi thì sẽ không có đơn hàng nào phát sinh nữa. Nhưng, vẫn còn hơn 390 đơn tồn đọng chưa giao, nếu chị T. không thanh toán các đơn này thì sẽ không thể nào rút được tiền ra. Vì đã đóng cửa gian hàng trên trang TMĐT của công ty, nên chị phải nộp một khoản tiền để bảo lãnh đơn hàng của mình.

"Em đã bỏ ra số vốn hơn 1,3 tỷ đồng để nhập hàng và hơn 400 triệu tiền lãi, tổng cộng em có hơn 1,7 tỷ đồng trong tài khoản của gian hàng. Vì thế họ yêu cầu em phải nạp 50% số tiền đó để bảo lãnh các đơn hàng của mình", chị T. nói.

Lúc này chị T. mới nhận ra rằng, dù chị có nạp thêm bao nhiêu tiền nữa thì họ cũng sẽ tìm lý do để chị phải nạp thêm.

Bán đất trả nợ

Đến khi phát hiện ra bị lừa, chị T. sốc nặng, ngất lên ngất xuống, bệnh đã nặng càng nặng thêm. Mấy ngày liền chị không ăn không uống, không còn thiết sống.

"Mẹ đẻ sang chăm sóc, van nài em hãy thương mẹ. Mẹ nói 'con cố gắng sống vì mẹ, vì các con. Con cố gắng làm lại từ đầu, còn người là còn của'. Em nghĩ thương bố mẹ nên cố gắng gượng dậy. Cứ ngủ được một lát, em lại choàng tỉnh với cơn ác mộng”, chị T. khóc nghẹn nhớ lại.

mat tien vi ban hang online 1 1453.png
Anh M. gửi hồ sơ bệnh án của chị T. cho nhân viên CSKH của công ty lừa đảo để năn nỉ mong chúng rủ lòng thương mà trả lại số tiền đã chiếm đoạt

Trong hơn 20 ngày, gia đình chị T. mất hơn 1,3 tỷ đồng - toàn bộ số tiền dành dụm nhiều năm trời, mất luôn cả hi vọng có tiền chữa bệnh. Và hơn hết, anh chị còn phải đối mặt với khoản tiền lãi khi mang sổ đỏ đi vay nóng. Anh M. cũng cắn răng chịu đựng không dám trách chị T. nửa lời, vì chính anh cũng trót ủng hộ vợ.

Để có tiền trả nợ và chữa bệnh, gia đình chị T. đành phải rao bán đất với lí do lấy tiền chữa bệnh. Anh chị cũng không dám báo công an.

"Em sợ lỡ dân làng biết thì không biết chui vào đâu. Ở làng quê, mất một số tiền lớn như vậy sẽ là một sự chấn động. Hơn nữa, em đang bệnh nặng như vậy, không thể đối diện với dư luận. Bây giờ nghĩ lại em cũng thấy sợ bản thân mình. Một số tiền lớn quá sức tưởng tượng mà tại sao em lại có thể liều như vậy", chị T. chua xót nói.

Ảnh: NVCC